Nước tiểu chứa chủ yếu là nước và nồng độ của một số loại chất thải khác nhau được bài tiết bởi thận, chúng thường rất ít hoặc không có mùi. Nếu lượng nước giảm hay các chất trong nước tiểu thay đổi sẽ khiến nước tiểu có mùi lạ. Đây thường là tình trạng bình thường, có thể xử lý bằng một vài mẹo nhỏ nhưng cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng, cần được điều trị.
Mời bạn cùng MedPlus tìm hiểu về tình trạng này trong bài viết ngay sau đây nhé!
Những nguyên nhân phổ biến khiến nước tiểu có mùi
Nước tiểu bình thường sẽ có màu trong hoặc vàng nhạt, mùi nhẹ nếu bạn uống đủ nước và làm rỗng bàng quang đều đặn. Tuy nhiên, một số nguyên nhân sau đây có thể khiến bạn đi tiểu có mùi lạ hơn bình thường:
Một số thực phẩm, đồ uống và thuốc có thể thay đổi mùi nước tiểu
Mùi trong nước tiểu có mối liên hệ chặt chẽ với những gì chúng ta ăn uống hàng ngày. Một số loại thực phẩm và đồ uống đặc biệt có thể gây mùi nước tiểu nặng hơn, chẳng hạn như măng tây, cà phê, tỏi và hành. Các loại thực phẩm này có thể tạo ra các chất chuyển hóa (sản phẩm phụ) sau khi cơ thể tiêu hóa chúng và làm ảnh hưởng đến mùi trong nước tiểu.
Ngoài ra, các thuốc penicillin, một số thuốc điều trị tiểu đường, vitamin tổng hợp (đặc biệt là vitamin B6)… cũng có thể ảnh hưởng đến mùi và màu sắc của nước tiểu. Tuy nhiên, mùi lạ trong nước tiểu sẽ biến mất khi thức ăn hoặc thuốc được loại ra khỏi cơ thể.
Cơ thể bị mất nước
Khi bạn không uống đủ nước, nước tiểu sẽ trở nên cô đặc do lượng chất lỏng vào ít. Điều này có thể khiến nước tiểu có mùi khai nặng hơn bình thường. Nếu nước tiểu có màu sẫm và có mùi nặng là dấu hiệu cho thấy cơ thể của bạn đang bị mất nước.
Một số tình trạng có thể dẫn đến mất nước bao gồm: sốt, bệnh thận, tiêu chảy hoặc nôn mửa; đôi khi chỉ là do uống không đủ nước. Bất kỳ ai cũng có thể bị mất nước, tuy nhiên, những đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ cao bị mất nước như: trẻ nhỏ, người già hoặc những người mắc bệnh mãn tính. Hãy luôn đảm bảo cơ thể luôn được cung cấp đủ nước mỗi ngày.
Nước tiểu có mùi lạ do bệnh lý
Nước tiểu có mùi là bệnh gì? Nguyên nhân gây ra tình trạng này cũng có thể là do một bệnh lý nào đó. Cụ thể như sau:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Thủ phạm thường gặp nhất là vi khuẩn, một số ít do virus hoặc nấm. Chúng xâm nhập vào đường tiết niệu và gây nhiễm trùng. Tình trạng này khiến nước tiểu có mùi tanh hôi, vàng đục. Ngoài ra, bệnh nhân còn có triệu chứng đau hoặc bỏng rát khi đi tiểu, tiểu nhiều, mắc tiểu thường xuyên, nước tiểu lẫn máu. Ở nữ giới, cần phân biệt giữa mùi hôi do viêm phụ khoa với mùi hôi của nước tiểu trong nhiễm trùng tiết niệu.
- Bệnh tiểu đường: Đối với những người bị bệnh tiểu đường, nếu lượng đường trong máu quá cao không được kiểm soát, thận sẽ thải lượng đường dư thừa ra ngoài thông qua nước tiểu. Điều này làm cho nước tiểu đổi sang mùi ngọt, cũng như đi tiểu thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, biến chứng nhiễm toan ceton do tiểu đường cũng có thể khiến nước tiểu có mùi lạ.
- Sỏi thận: Những viên sỏi lớn hơn có thể dẫn đến cảm giác đau dữ dội từng cơn ở một bên bụng hoặc bẹn và một loạt các triệu chứng khác, bao gồm nước tiểu đục, hôi và thậm chí có máu.
- Suy gan: Chức năng chuyển hóa của gan yếu dẫn đến sự thay đổi mùi trong nước tiểu và một loạt các triệu chứng khác như vàng da, mắt vàng, đau bụng, cảm thấy buồn nôn hoặc suy nhược.
- Lỗ rò bàng quang: Giữa ruột và bàng quang có một lỗ rò bất thường khiến chúng liên thông với nhau. Lỗ rò bàng quang có thể cho phép vi khuẩn từ đường ruột xâm nhập vào bàng quang, gây nhiễm trùng đường tiết niệu và khiến bệnh nhân đi tiểu có mùi hôi hoặc nước tiểu nổi bọt.
- Rối loạn chuyển hóa: Mặc dù rất hiếm gặp, nhưng rối loạn chuyển hóa sẽ làm thay đổi nồng độ và các loại chất được thải ra cùng nước tiểu, gây thay đổi màu sắc và mùi của nước tiểu. Một trong những bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp nhất là bệnh siro niệu. Trong đó, cơ thể bị thiếu hụt các enzym cần thiết để phá vỡ một số axit amin gây ra nước tiểu có mùi ngọt. Hầu như bệnh này được phát hiện và điều trị từ khi trẻ còn nhỏ.
- Phenylketon niệu: Đây là một dạng rối loạn chuyển hóa khác và cũng có thể làm ảnh hưởng đến mùi nước tiểu. Một gen khiếm khuyết ngăn cản sự phân hủy axit amin phenylalanin, chất này tích tụ gây ra mùi mốc trong nước tiểu và trong hơi thở. Bên cạnh đó, bệnh nhân có các triệu chứng khác như phát ban và co giật.
Khi bị nước tiểu có mùi, bạn nên và không nên làm gì?
Bạn nên:
- Uống đủ nước để cơ thể sản xuất đủ nước tiểu và không cảm thấy khát. Bạn có thể quan sát nước tiểu, khi nào thấy tiểu trong, không màu hoặc màu vàng nhạt, mùi khai nhẹ chứng tỏ bạn đã nạp đủ nước. Khi thời tiết nóng bức, vận động nhiều ra mồ hôi, nên uống nước nhiều hơn bình thường.
- Không nên nhịn tiểu, luôn đi hết nước tiểu để tạo điều kiện làm rỗng bàng quang hoàn toàn, vì nước tiểu còn sót lại có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Lau từ trước ra sau sau khi đi tiêu, để tránh chuyển vi khuẩn từ hậu môn lây lan sang đường tiết niệu.
- Tránh dùng chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh các khu vực nhạy cảm xung quanh bộ phận sinh dục, vì nó có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh vật ở vùng này và kích ứng đường tiết niệu.
- Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi muốn dùng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm bổ sung nào.
Bạn không nên:
- Không uống nhiều đồ uống có ga, cà phê, rượu hoặc đồ uống có đường.
- Không ăn nhiều tỏi, măng tây hoặc các loại thực phẩm có thể gây mùi trong nước tiểu.
- Không dùng quá 10mg vitamin B6 mỗi ngày
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Nước tiểu có mùi thường không phải là tình trạng quá nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu mùi hôi trong nước tiểu kéo dài, không thể tìm ra nguyên nhân, đồng thời còn xuất các triệu chứng sau đây:
- Đi tiểu ít hoặc nhiều hơn bình thường
- Mắc tiểu gấp
- Tiểu đêm thường xuyên
- Bị đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Nước tiểu vàng đục và có mùi hôi nặng
Ngoài ra, cần phải khám bác sĩ gấp nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, bởi bạn có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu:
- Tiểu ra máu
- Đau bụng dưới
- Đau ở lưng, dưới xương sườn
- Mệt mỏi
- Sốt, ớn lạnh
- Thân nhiệt xuống thấp
Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về tình trạng nước tiểu có mùi và cách khắc phục hiệu quả nhé!
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Smelly urine
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: