Giun đũa là một loại bệnh nhiễm trùng mà chúng ta thường mắc phải thông qua thói quen sinh hoạt hằng ngày. Vậy nguyên nhân nhiễm giun đũa là gì? Cách điều trị bệnh giun đũa ra sao? Cùng Songkhoe.medplus.vn tìm hiểu bài viết dưới đây nhé!
Giun đũa là gì?
Giun đũa người có tên khoa học là Ascaris lumbricoides. Đây là loài giun có kích thước lớn nhất. Chiều dài có thể lên tới 35 cm (gần bằng 2 gan tay người lớn). Nhiễm giun đũa là một bệnh nhiễm trùng do một loại giun ký sinh ở ruột người. Loại giun tròn có kích thước lớn này có thể nhìn thấy dễ dàng mà không cần kính hiển vi.
Nguyên nhân tại sao khiến bạn nhiễm giun đũa?
Nguyên nhân nhiễm giun đũa có thể do trứng giun đũa lây lan khi người bệnh. Do tiếp xúc với nước, thức ăn hoặc tay nhiễm bẩn.
Sau khi con người nuốt trứng giun vào, ấu trùng chui ra, xuyên thành ruột và theo hệ mạch từ ruột lên đến phổi. Sự xuất hiện của chúng kích thích hệ miễn dịch cơ thể sản sinh nhiều bạch cầu ái toan. Những phản ứng miễn dịch này tại phổi gây nên các triệu chứng hô hấp được gọi là hội chứng Loeffler. Ấu trùng đi qua thành phế nang vào phế quản, ngược lên khí quản, thực quản rồi được nuốt xuống lại ruột non. Tại đây, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành.
Giun gây các triệu chứng bệnh tại ruột tùy thuộc vào mức độ nhiễm nặng hay nhẹ. Trong quá phát triển, ấu trùng hay giun trưởng thành có thể sang các cơ quan khác. Hiện tượng này được gọi là giun đi lạc chỗ, gây các triệu chứng cấp tính tại nơi giun đến.
Các triệu chứng của giun đũa thường gặp
Biểu hiện của nhiễm giun đũa không đặc trưng, dễ nhầm lẫn vào các bệnh lý khác. Ở trẻ em, triệu chứng có thể là trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, suy dinh dưỡng, còi cọc, cân nặng chậm phát triển. Nếu có quá nhiều giun trong ruột, trẻ sẽ có biểu hiện của tắc ruột. Cụ thể là trẻ bị đau bụng quặn từng cơn kèm chướng bụng, táo bón. Nếu giun từ ruột non đi qua ống mật sẽ gây tắc mật, viêm đường mật, sỏi đường mật, giun xuống ruột thừa gây viêm ruột thừa cấp.
Nếu giun đi lạc chỗ lên phổi, người bệnh có thể đến khám vì lý do khò khè, khó thở mạn tính hay biểu hiện cấp tính như đau ngực dữ dội, ho khan, sốt cao. Một số trường hợp hiếm gặp là thấy được giun sống chui ra từ phân khi trẻ đi tiêu hay bắt gặp giun chui ra từ miệng, mũi khi trẻ ngủ hay ho, sặc.
Nguy cơ nào khiến bạn nhiễm giun đũa
Những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm giun đũa gồm:
- Tuổi tác. Hầu hết trẻ em ở độ tuổi 10 tuổi trở xuống có nguy cơ nhiễm giun đũa cao. Bởi vì chúng thường xuyên chơi đùa trong điều kiện bẩn.
- Khí hậu ẩm. Loại giun đũa thường phát triển trong điều kiện khí hậu ẩm. Đặc biệt là các nước khí hậu nóng ẩm như Việt Nam.
- Tình trạng vệ sinh kém. Loài giun đũa thường phát tan rộng ở các khu vực vệ sinh kém như khu ổ chuột hoặc ở gần cống rãnh.
Chẩn đoán bị nhiễm giun đũa như thế nào?
Việc chẩn đoán được tiến hành bằng cách xét nghiệm mẫu phân, xét nghiệm máu hoặc các kiểm tra hình ảnh để tìm giun hoặc trứng giun.
Xét nghiệm phân
Để chẩn đoán bệnh nhiễm giun đũa, bác sĩ sẽ kiểm tra phân để xem có trứng hay ấu trùng giun hay không. Trứng giun sẽ không xuất hiện trong phân ít nhất 40 ngày sau khi bạn bị nhiễm giun đũa.
Xét nghiệm máu
Giun đũa có thể làm tăng cao lượng bạch cầu ái toan. Do đó, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm máu của bạn để kiểm tra sự gia tăng của bạch cầu ái toan (là một loại tế bào máu trắng), từ đó chẩn đoán được bạn có nhiễm giun đũa hay không.
Kiểm tra hình ảnh
Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ thực hiện chụp X-quang, siêu âm hay CT scan và MRI. Bằng các phương pháp này, bác sĩ có thể phát hiện giun đũa chặn các ống dẫn trong gan hay tuyến tụy của bạn, hoặc trong phổi và bụng.
Phương pháp điều trị bệnh giun đũa hiệu quả
Điều trị chỉ có kết quả khi giun ở giai đoạn trưởng thành.
- Thuốc được sử dụng là Mebendazole, Albendazole hoặc Pyrantel pamoate. Liều dùng tùy thuộc vào nhiễm giun đũa đơn thuần hay nhiễm kèm các loại giun sán khác.
- Một số thuốc có chống chỉ định cho trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai 3 tháng đầu hay cho con bú… Vì vậy, cần đến khám và sử dụng thuốc theo y lệnh của bác sĩ.
- Bên cạnh đó, cần điều trị các biến chứng tại chỗ do giun gây ra trong quá trình di trú. Viêm phổi do giun đáp ứng tốt với thuốc kháng viêm. Giun gây viêm, tắc đường mật, tắc ruột được điều trị với thuốc giảm đau, giảm co thắt và các thuốc hỗ trợ khác.
- Thuốc tẩy giun được sử dụng sau khi hết các triệu chứng đau cấp và chức năng ruột được hồi phục.
Nếu trường hợp của bạn nghiêm trọng hơn, bạn có thể cần điều trị khác. Bác sĩ của bạn có thể đề nghị phẫu thuật để kiểm soát một sự phá hoại lớn hơn. Bạn sẽ cần phẫu thuật nếu giun tròn chặn hoàn toàn ruột của bạn.
Một số cách phòng ngừa bệnh giun đũa mà bạn nên biết
- Tẩy giun định kỳ.
- Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống, xây dựng hố xí hợp vệ sinh.
- Giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của việc rửa tay.
- Tuyên truyền, giáo dục và nâng cao ý thức người dân về cách dùng phân bón, tập tục ăn uống ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Rửa tay bằng xà phòng trước trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc môi trường hoặc vật dụng bẩn.
- Thực phẩm, rau củ phải được rửa sạch, gọt vỏ hoặc nấu chín trước khi ăn, hạn chế ăn rau sống.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với nền đất, mang đầy đủ phương tiện bảo hộ khi làm công việc liên quan tới đất như nghề nông. Đặc biệt là ở những vùng có thói quen dùng phân người bón cho cây trồng.
Bệnh giun đũa là bệnh giun sán phổ biến ở tất cả mọi người . Phần lớn người nhiễm bệnh do chính thói quen sinh hoạt, vệ sinh kém gây ra. Vì vậy, mỗi người cần nâng cao ý thức và kiến thức về giữ gìn vệ sinh cho bản thân và gia đình mình. Phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” là cách tối ưu để giảm thiểu và đẩy lùi bệnh giun sán! Hãy tiếp tục theo dõi và tìm hiểu các bài viết của Songkhoe.medplus.vn để luôn cập nhật thông tin hữu ích nhé!
Các bài viết liên quan:
- Bà bầu bị giun đũa có sao không? Có ảnh hưởng đến thai nhi không?
- Trẻ nhỏ bị nhiễm giun có sao? Những điều bố mẹ cần biết
Nguồn: Healthline.com, Vinmec.com, Hellobacsi.com