Khi chăm sóc trẻ sơ sinh, hẳn nhiều bố mẹ sẽ thắc mắc không biết bé 3 tháng tuổi biết làm gì, những lưu ý khi chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi là gì? Vậy bố mẹ hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
Khi được 3 tháng tuổi, bé bắt đầu cứng cáp hơn và đang trong giai đoạn làm quen dần với cuộc sống và môi trường ở bên ngoài bụng mẹ. Đây cũng là lúc bé bắt đầu quá trình phát triển của mình về nhiều mặt, bởi bé lúc này có vẻ trở nên năng động và tinh nghịch hơn. Do vậy, “Bé 3 tháng tuổi biết làm gì?” là mối quan tâm của hầu hết bậc bố mẹ đang nuôi con ở giai đoạn này. Lúc này, bố mẹ cũng nên lưu ý một vài điều quan trọng trong quá trình chăm sóc trẻ để con có cơ hội được phát triển nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Bé 3 tháng tuổi biết làm gì?
Bố mẹ có thể dễ dàng nhận thấy sự phát triển của bé 3 tháng tuổi thông qua những việc mà con có thể làm ở giai đoạn này. Cụ thể hơn, bé biết:
1. Bắt đầu thể hiện cảm xúc của bản thân
Vào thời điểm 3 tháng tuổi, bé đã bắt đầu giao tiếp nhiều hơn với bố mẹ thông qua ngôn ngữ cơ thể như cử chỉ hoặc ánh mắt.
Bố mẹ có thể dễ dàng nghe thấy những âm thanh ê a của bé, thậm chí là tiếng cười của con khi có điều gì đó khiến con cảm thấy thú vị. Không chỉ vậy, khi cảm thấy không thoải mái về điều gì đó, bé cũng biết khóc to, thậm chí gào thét với mong muốn bố mẹ chú ý tới mình hơn. Khi sợ hãi, bé cũng có thể đòi bố hoặc mẹ ở bên cho bằng được.
2. Phản ứng với đồ chơi
Giai đoạn này, bé 3 tháng tuổi thậm chí còn biết tương tác với cả đồ chơi. Con có thể đưa tay về phía đồ chơi trước mắt để cầm, nắm hay lắc, đặc biệt là những món đồ chơi có thể tạo ra âm thanh như lục lạc.
3. Tập chờ đợi
Khi lên 3 tháng tuổi, vào những lúc đói, bé không còn quấy rầy mẹ quá nhiều như 2 tháng đầu đời nữa. Lúc này, con bắt đầu trở nên kiên nhẫn hơn và nằm chờ mẹ thêm một lúc nữa. Ngoài ra, có những bé còn biết ê a như muốn trò chuyện với mẹ trong lúc ăn hoặc bú.
4. Nhận biết khuôn mặt
Não bộ của bé 3 tháng tuổi giờ đây đã đạt những bước phát triển nhất định. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng bé 3 tháng tuổi có khả năng ghi nhớ và nhận diện các khuôn mặt khác nhau. Vì vậy, bé có thể phân biệt được đâu là mặt của người quen và đâu là mặt của người lạ. Đặc biệt là đối với những người thân trong gia đình và thường xuyên được tiếp xúc như bố, mẹ, ông, bà, bé có thể phân biệt tương đối rõ ràng.
5. Biết ghi nhớ
Lúc này, bé có trí nhớ khá tốt. Khi con đói và khóc quấy, mẹ chỉ cần vén áo chuẩn bị cho con bú hoặc cầm bình sữa trước mặt bé, con sẽ nín khóc nhanh chóng và tỏ thái độ vui vẻ hơn để sẵn sàng cho việc ăn.
6. Tập lẫy
Ở giai đoạn 3 tháng tuổi, cơ thể của bé đã bắt đầu cứng cáp để con tập lẫy và ngước đầu lên mà không cần tới sự giúp đỡ từ bố mẹ. Khi nằm sấp, nhiều bé thậm chí còn có thể nâng cả đầu và ngực của mình lên.
Những lưu ý khi chăm sóc bé 3 tháng tuổi?
Trong quá trình chăm sóc bé 3 tháng tuổi, bố mẹ cũng nên lưu ý những điều sau đây:
1. Nuôi con bằng sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng dồi dào nhất, là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do vậy, mẹ nên cố gắng cho trẻ bú sữa mẹ trong vòng ít nhất là 6 tháng đầu đời. Bé 3 tháng tuổi có hệ tiêu hóa còn non nớt và đang trong quá trình phát triển, vậy nên ngoài sữa, bé sẽ không thể hấp thụ thêm bất kỳ loại thực phẩm nào khác.
“Bé 3 tháng tuổi bú bao nhiêu là đủ?” là thắc mắc của rất nhiều bậc bố mẹ. Ở giai đoạn này, mẹ nên cho bé bú trung bình khoảng 900ml sữa, chia đều ra 5 lần, mỗi lần khoảng 170 đến 200 ml.
2. Chú ý tới giấc ngủ của bé
Thông thường, mỗi ngày bé 3 tháng tuổi có thể ngủ trong vòng khoảng 15 tiếng, chia làm nhiều giấc vào ban ngày (thường là 3 đến 4 giấc) và mỗi giấc kéo dài khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng. Vào ban đêm, bé sẽ có thể ngủ được nhiều hơn, nhưng giấc ngủ của bé có thể không kéo dài suốt đêm. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng phần lớn những trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi đều thức giấc ít nhất là 3 lần mỗi đêm.
3. Một số lưu ý khác
Ngoài những vấn đề về bữa ăn và giấc ngủ của trẻ, bố mẹ cũng nên chú ý một số điều sau:
- Không để ánh sáng mạnh chiếu trực tiếp vào mắt của con, ví dụ như đèn pin, đèn flash điện thoại…
- Dành thời gian để trò chuyện với bé càng nhiều càng tốt. Nhiều bố mẹ có thể sẽ nghĩ rằng bé ở thời điểm này còn quá nhỏ để lắng nghe và hiểu ngôn ngữ. Tuy nhiên, việc trò chuyện với bé sơ sinh lại có thể đem đến hiệu quả bất ngờ, đặc biệt là đối với sự phát triển ngôn ngữ của con.
- Thường xuyên mát-xa cho bé. Việc này sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển của hệ miễn dịch, giúp hệ tiêu hóa của con hoạt động tốt hơn, từ đó ngăn ngừa táo bón ở bé sơ sinh hiệu quả.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily