Phan tả diệp là vị thuốc được sử dụng khá rộng rãi trong y học hiện đại cũng như y học cổ truyền với các tác dụng như thông tiện, nhuần tràng, hỗ trợ thống tiêu hóa, điều trị táo bón,… Hôm nay medplus xin giới thiệu đến bạn đọc các công dụng cũng như bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé!
Thông Tin Dược Liệu
Tên tiếng Việt: Hiệp diệp, Phan tả diệp, Tiêm diệp, Séné
Tên khoa học: Cassia angustifolia Vahl
Họ: Caesalpiniaceae (Vang)
1. Đặc điểm sinh thái
Phan tả diệp hay Hiệp diệp là cây bụi, thân nhỏ, có thể cao đến 1 mét. Thân cây mảnh, nhỏ, phần thành nhiều cành, có màu xanh nhạt hoặc được bao phủ bởi một lớp lông mịn.
Hiệp diệp lá nhọn (có nguồn gốc từ Ai Cập), lá cây mọc so le, lá kép, hình trứng hoặc hình mác, chiều dài từ 2 – 4 cm, mũi lá nhọn ở đỉnh. Lá có màu xanh nhạt, màu xanh xám. Bề mặt lá có một lớp lông mịn và dễ rơi ra khi chạm vào. Hiệp diệp lá hẹp (có nguồn gốc từ Ấn Độ), lá có hình bầu dục, hơi cong, mũi lá ngắn hoặc lồi ra. Lá thường không đối xứng, mỗi cành có khoảng 5 – 8 đôi chét lá, lá dài khoảng 3 – 5 cm.
Hoa Hiệp diệp có màu vàng, hoặc vàng nhạt, xanh nhạt, cánh hình bầu dục dài. Hoa thường mọc ở chùm nách lá, có 10 nhị trong đó có 3 nhị lép. Quả loại đậu, có hình trứng, hơi dẹt, dài khoảng 4 – 6 cm. Mỗi quả chứa khoảng 6 – 8 hạt, hình trứng, có màu lục pha nâu.
2. Bộ phận sử dụng dược liệu
Lá và hạt Phan tả diệp được sử dụng để làm dược liệu.
3. Phân bố
Phan tả diệp thường mọc hoang ở các khu vực nhiệt đới như châu Phi, Ai Cập và Ấn Độ (phía Tây Bắc và Nam). Do đó, Phan tả diệp thường được chia thành 2 loại: Phan tả diệp Ai Cập (lá nhọn) và Phan tả diệp lá hẹp (Ấn Độ).
Ở nước ta, Hiệp diệp được trồng và phát triển tốt ở Ninh Thuận, Phú Yên, Hà Nội, SaPa (Lào Cai) để ứng dụng làm thuốc.
4. Thu hái – Sơ chế
Lá Phan tả diệp thường được thu hoạch vào mùa nắng. Sau đó phơi lá dưới ánh sáng mặt trời, thường xuyên đảo lá để lá có thể khô đều. Không nên phơi lá quá dày, tránh để lá bị úa vàng, chuyển màu trước khi khô hoàn toàn.
Ngoài ra, nếu không muốn phơi nắng, lá Hiệp diệp có thể được sấy khô ở nhiệt độ 40 – 50 độ C. Sau đó đóng gói, bảo quản, dùng dần.
5. Bảo quản
Bảo quản vị thuốc Phan tả diệp trong bao bì kín, lưu trữ ở nơi thoáng mát, tránh độ ẩm cao và có nhiều côn trùng.
Công dụng và Liều dùng
1. Tính vị
Phan tả diệp tính hàn, vị ngọt, đắng
2. Thành phần hóa học
Một số thành phần có trong lá Phan tả diệp bao gồm:
- Sennosid A, B, C, D, G
- Aloe – emodin dianthron glycoside
- Rhein
- Chrysophanol
- Kaempferol
- Isorhamnetin
- Chất nhựa
3. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu hiện đại
Tùy theo liều lượng sử dụng, Phan tả diệp có tác dụng nhuận tràng (sau 5 – 7 giờ) hoặc tẩy mạnh (điều trị đau bụng đi ngoài phân lỏng). Nếu sử dụng liều mạnh có thể gây nôn mửa kéo dài trong 3 – 4 giờ, tẩy kéo dài 1 – 2 ngày, sau đó người bệnh sẽ không bị táo lại.
Theo dõi trên phim X – quang, công dụng của Hiệp diệp như sau:
- Ít khi gây cử động dạ dày
- Không có tác dụng lên ruột non, chỉ tác dụng lên ruột già và tăng nhu động ruột.
- Có thể lấy đi phần tủy sống vùng lưng và hông. Có nghĩa là có loại bỏ kích thích của hệ thống thần kinh trung ương.
- Sử dụng với liều cao có thể tác dụng lên cơ trơn của bàng quang và tử cung.
- Hoạt chất của Phan tả diệp có thể bài tiết qua nước tiểu và sữa ở phụ nữ cho con bú.
Theo y học cổ truyền
Phan tả diệp tả nhiệt, tiêu tích trệ, hỗ trợ thông đại tiện. Thường được sử dụng để điều trị đại tràng táo kết, phân khô cứng kèm theo tiết dịch nhầy, tiêu hóa thức ăn kém gây chướng bụng đầy hơi, khó tiêu.
4. Cách dùng – Liều lượng
Cách sử dụng khuyến cáo
Lá Phan tả diệp dùng hãm với nước sôi uống như trà. Khi hãm lá, chỉ cần hãm với nước đun sôi trong 5 phút, gạn lấy phần nước. Thực hiện lại như vậy 3 lần, hòa trộn phần nước hãm, dùng uống khi còn ấm.
Không nên đun sôi trong thời gian lâu. Điều này có thể làm phân hủy các Sennosid, khiến dược tính được hấp thu ngay ở ruột nôn và làm mất khả năng tác dụng lên ruột già và thông tiện.
Liều dùng khuyến cáo
- Sử dụng nhuận tràng, thông tiện, làm mềm phần, phòng chống táo bón: Mỗi lần hãm 3 – 4 g, ngày uống một lần vào buổi sáng, trước bữa ăn.
- Sử dụng gây xổ mạnh, điều trị đại tràng thực nhiệt, táo bón mãn tính, phân táo kết nhiều: Dùng 5 – 7 g, hãm nước uống, mỗi ngày một lần, trước bữa ăn sáng.
- Dùng tăng nhu động ruột, hỗ trợ tiêu hóa, phòng chống đầy hơi chướng bụng, khó tiêu: Dùng 1 – 2 g, hãm nước uống một lần trong ngày. Sau 6 – 7 tiếng sẽ có tác dụng điều trị.
Các bài thuốc tiêu biểu từ Dược Liệu
1. Điều trị viêm tụy cấp, viêm túi mật, bệnh sỏi đường mật và xuất huyết tiêu hóa
Sử dụng 4 viên nang chiết xuất Phan tả diệp (mỗi viên chứa 2.5 g thuốc thô), dùng uống 3 lần mỗi ngày. Trong 24 giờ nếu như chưa đại tiện được thì dùng thêm một viên.
2. Chữa ruột khô gây phân cứng, táo bón
Dùng 12 g Phan tả diệp, 16 – 20 g Quyết minh tử, 12 g Nhân trần, 6 g Cam thảo sắc nước, dùng uống như trà.
3. Chữa thấp nhiệt kết ở tạng phủ gây mụn nhọt
Dùng Phan tả diệp 12 g hãm với nước sôi, để nguội, lọc bỏ phần bã, dùng uống hết một lần. Mỗi ngày sử dụng 2 thang cho đến khi đại tiện thông lợi thì dừng thuốc
4. Chữa đầy bụng, rối loạn tiêu hóa
Dùng 2 g Phan tả diệp, Đại hoàng, Binh lang, mỗi vị 3 g, Sơn tra 10 g sắc thành thuốc, dùng uống mỗi ngày một lần.
5. Hỗ trợ chức năng ruột sau phẫu thuật
Sử dụng 4 g Hiệp diệp hãm nước, dùng uống mỗi ngày một lần.
Lưu Ý khi sử dụng Dược Liệu để trị bệnh
Kiêng kỵ
- Người có thể chất yếu và phụ nữ mang thai không được sử dụng.
- Phụ trong chu kỳ kinh nguyệt, đang cho con bú thận trọng khi sử dụng. Trao đổi với thầy thuốc về độ an toàn và rủi ro trước khi sử dụng.
Độc tính
- Lá Phan tả diệp được cho là có một lượng độc tính nhẹ. Do đó, sử dụng quá liều có thể gây buồn nôn, đau bụng, chóng mặt và gây ra rối loạn tiêu hóa hoặc viêm ruột.
- Một số người sau khi uống nước hãm Phan tả diệp có thể có cảm giác tê mặt, chóng mặt, có cảm giác ngứa và đau khi đi tiểu.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé !
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn , tham khảo
Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam