Cùng Medplus tìm hiểu về các thủ thuật trong phẫu thuật thay van tim bạn đọc nhé!
1. Phẫu thuật thay van tim làm gì?
Thay van tim là điều vô cùng cần thiết đối với những bệnh nhân có van tim đã bị hư hại nặng, không còn khả năng sửa chữa hoặc bệnh nhân không đáp ứng với việc điều trị bằng thuốc.
Thay thế van tim mới nhằm mục đích giúp giảm các triệu chứng cho người bệnh, ngăn ngừa tiến triển thành suy tim mạn, rối loạn nhịp và các biến chứng khác trong tương lai, giảm thiểu nguy cơ tử vong sớm cho người bệnh.
Có hai loại van tim nhân tạo thường được sử dụng là:
- Van tim cơ học được làm từ các vật liệu như là silicon, titan,… Độ bền của van tim cơ học là từ 20 – 30 năm, thậm chí có thể lâu hơn nữa.
- Van tim sinh học là loại van được tạo ra từ mô của các loài động vật hoặc từ van tim của những người hiến tạng. Loại van này có các đặc điểm sau: Tuổi thọ của loại van này ngắn,tối đa là 10 – 15 năm. Loại van này cũng có nguy cơ tạo huyết khối, song thấp hơn so với van tim cơ học.
Sức khỏe của người bệnh sau phẫu thuật thay van tim có chuyển biến tốt hơn rất nhiều, họ cảm thấy dễ chụi, bớt lo lắng, tinh thần phấn chấn nên đáp ứng với điều trị cũng tốt hơn. Người bệnh có thể trở lại làm việc sau 6 – 8 tuần với công việc nhẹ nhàng. Thời gian có thể lâu hơn đối với công việc nặng nhọc. Với một số người bệnh có thể phải chuyển sang làm các công việc khác phù hợp hơn với sức khỏe.
Tuy nhiên sức khỏe của bạn có thể giữ nguyên, tốt hơn hay xấu đi phụ thuộc vào thể trạng, phương pháp điều trị cùng với việc bạn sử dụng thuốc có đúng đủ theo hướng dẫn của bác sĩ hay không, đặc biệt là việc giữ vệ sinh để tránh biến chứng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng sau thay van.
2. Phẫu thuật thay van tim giúp duy trì sự sống bao lâu?
Khó để tiên đoán chính xác tuổi thọ của một người sau khi thay van tim sống được bao lâu, bởi còn rất nhiều yếu tố, bao gồm: tình trạng bệnh tim, các bệnh mắc kèm, sức đề kháng của cơ thể, chế độ chăm sóc, tập luyện và ăn uống.
Tuy nhiên, nếu theo dõi và chăm sóc tốt sau phẫu thuật bằng cách dùng thuốc theo đúng chỉ định, tái khám thường xuyên, dinh dưỡng hợp lý và điều trị tốt các bệnh mắc kèm thì bệnh nhân hoàn toàn có thể sống thọ gần như người bình thường.
Còn những người trưởng thành trẻ tuổi thường được thay van cơ học, có chất liệu từ hợp kim, van này có ưu điểm là tuổi thọ van dài hơn van sinh học, nhưng nhược điểm lớn nhất là dễ hình thành huyết khối, cho nên người bệnh phải dùng thuốc chống đông máu thường xuyên.
3. Phẫu thuật thay van tim có nguy hiểm gì?
Thay van tim có nguy hiểm không là nỗi băn khoăn của không ít bệnh nhân khi cần phải thực hiện phẫu thuật. Thực tế, trong quá trình thực hiện phẫu thuật thay van tim, người bệnh vẫn có thể có nguy cơ gặp phải một số rủi ro, tuy nhiên, điều này sẽ được hạn chế tới mức thấp nhất nếu như quá trình chuẩn bị, kiểm tra trước khi phẫu thuật và xử lý trong phẫu thuật tốt.
Một số biến chứng trong khi mổ thay van tim có thể gặp:
- Phản ứng với thuốc gây mê: Một số bệnh nhân có thể sẽ có phản ứng tăng nhịp tim, tăng huyết áp khi sử dụng thuốc gây mê trong phẫu thuật.
- Chảy máu trong phẫu thuật: Bệnh nhân có thể chảy máu trong khi phẫu thuật, nếu lượng máu mất đi quá nhiều thì sẽ cần phải truyền máu.
- Chấn thương trong phẫu thuật: Phẫu thuật có thể vô tình gây ra thương tổn khác cho cơ thể người bệnh.
4. Biến chứng sau mổ thay van tim
Nếu người bệnh sau thay van tim có lối sống, sinh hoạt khoa học, điều độ, thể trạng tốt và tuân thủ điều trị, thì vẫn có một số yếu tố sau đây có thể làm ảnh hưởng tới tuổi thọ của bệnh nhân sau khi thay van tim, đó là:
Huyết khối
Những người thay van tim cơ học sẽ có nguy cơ hình thành cục máu đông hay còn gọi là huyết khối cao hơn so với thay van sinh học. Máu đông có thể làm tắc các mạch (như mạch chi, mạch máu não,,…), đặc biệt nguy hiểm nếu làm kẹt van tim (hay gặp với thay van cơ học) hoặc rách lá van (hay gặp với thay van sinh học), rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ (do cục máu đông di chuyển lên não làm tắc mạch máu não).
Huyết khối là biến chứng chính gây tử vong ở bệnh nhân có van tim nhân tạo, chiếm khoảng 0,6 – 2,3% bệnh nhân mỗi năm.
Triệu chứng của huyết khối gây kẹt van là bệnh nhân có khó thở hoặc mệt tăng lên trong thời gian ngắn từ vài ngày đến 1 tuần.
Điều này đặc biệt hay gặp ở những bệnh nhân đột ngột dừng thuốc chống đông, có thay đổi liều chống đông. Những bệnh nhân có triệu chứng này cần phải được làm siêu âm tim sớm để chẩn đoán. Khi có chẩn đoán huyết khối gây kẹt van nhân tạo mà kích thước huyết khối nhỏ, có thể điều trị bằng các thuốc tiêu sợi huyết như urokinase hoặc streptokinase.
Nếu kích thước huyết khối lớn gây kẹt van nhân tạo, di động hoặc bệnh nhân trong tình trạng huyết động không ổn định, cần phẫu thuật cấp cứu để lấy huyết khối hoặc thay lại van. Bệnh nhân mổ lại do kẹt van nhân tạo có tỷ lệ tử vong cao.
Xuất huyết
Ở bệnh nhân dùng thuốc chống đông lâu dài (thuốc kháng vitamin K), nguy cơ chảy máu là 1%. Theo dõi INR (International Normalized Ratio – chỉ số đông máu) chặt chẽ sẽ làm giảm nguy cơ chảy máu.
Thoái hóa van
Van cơ học thường có độ bền rất tốt và hiếm khi bị hỏng.
Van sinh học có tỷ lệ thoái hóa tăng lên theo thời gian. Thời gian bắt đầu xuất hiện thoái hóa van thường vào năm thứ 7 hoặc thứ 8 sau khi mổ. Van sinh học sẽ thoái hoá từ 50 – 60% ở năm thứ 10 và 70 – 90% ở năm thứ 15.
Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng
Tỷ lệ viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trên van nhân tạo khoảng 0,5% mỗi năm, ngay cả ở những bệnh nhân dự phòng kháng sinh đúng.
Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trên van nhân tạo là tình trạng bệnh lý nặng nề với tỷ lệ tử vong cao (từ 30 – 50%).
Chẩn đoán viêm nội tâm mạc nhiễm trùng thường dựa trên cấy máu dương tính và trên siêu âm tim có bằng chứng của nhiễm khuẩn van nhân tạo như có mảnh sùi, áp-xe cạnh van hoặc có dòng hở cạnh chân van mới xuất hiện.
Điều trị nội khoa đơn độc có thể được nếu viêm nội tâm mạc nhiễm trùng xuất hiện muộn sau thay van (trên 6 tháng sau phẫu thuật).
Phẫu thuật chỉ nên được làm trong các trường hợp: thất bại khi điều trị nội khoa, huyết động bị ảnh hưởng do dòng hở lớn, mảnh sùi lớn và có dòng chảy mới xuất hiện trong tim.
Hở cạnh vòng van
Hở cạnh vòng van điển hình là do nhiễm khuẩn, tuột chỉ, xơ hóa và canxi hóa vòng van tự nhiên dẫn đến vòng van nhân tạo không áp chặt vào vòng van tự nhiên của bệnh nhân.
Hở cạnh vòng van mức độ nhẹ: Thường là lành tính, chỉ có một số lượng rất ít bệnh nhân (<1%) là cần thiết phải phẫu thuật lại, nguyên nhân là do hở cạnh chân van tăng lên sau 1 – 2 năm theo dõi.
Tìm hiểu từ nguồn: Verywell Health
Như vậy, Medplus đã cung cấp cho bạn đọc đầy đủ thông tin hữu ích về phẫu thuật thay van tim là gì, hy vọng bài đọc sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích, giúp bạn nâng cao tầm hiểu biết mà hạnh phúc hơn.
Bên cạnh đó, Medplus cũng cung cấp một số thông tin liên quan :