Sự phát triển nhận thức ở trẻ 1-3 tuổi thường bao gồm trẻ thích thử nghiệm, suy nghĩ và học cách giải quyết vấn đề mọi lúc mọi nơi. Chính vì thế, việc cho trẻ tham gia vào các hoạt động vui chơi phù hợp sẽ giúp trẻ dễ dàng học hỏi, khám phá, phát triển nhận thức. Đồng thời, việc bố mẹ cùng vui chơi cũng là cơ hội để tăng cường sự gắn bó giữa bố mẹ và con.
Khả năng nhận thức của trẻ 1-3 tuổi
Một số mốc phát triển nhận thức mà trẻ 1-3 tuổi thường trải qua:
- Trước năm 3 tuổi, trẻ vẫn nghĩ rằng bố mẹ biết cả suy nghĩ và cảm xúc của trẻ.
- Không phân biệt được đâu là thật và đâu là giả vờ, ví dụ, trẻ có thể rất sợ hãi quái vật trong phim hoạt hình.
- Luôn tò mò, muốn thử nghiệm hay khám phá những điều mới lạ.
- Biết sử dụng đúng những từ như “nặng”, “tối”, “ồn”… và hiểu được nghĩa của chúng.
- Thích khám phá các giác quan.
- Có khả năng làm theo những yêu cầu đơn giản từ khi 18 tháng tuổi.
- Học cách giải quyết vấn đề bằng cách thử và mắc lỗi. Ví dụ, khi xếp hình, nếu ghép sai vị trí, trẻ sẽ ghép lại vào chỗ khác.
- Ưa thích những quyển sách, câu chuyện và bài hát nhất định, nên thường xuyên bảo bố mẹ đọc hoặc hát lặp đi lặp lại.
Trò chơi thúc đẩy phát triển nhận thức ở trẻ 1-3 tuổi
Để giúp trẻ tăng cường học hỏi và nhận thức, hằng ngày, bố mẹ có thể cùng trẻ tham gia một số hoạt động vui chơi sau:
- Cùng trẻ chơi xếp hình đơn giản.
- Cho nhiều đồ chơi vào chậu tắm để trẻ chơi và tập múc, rót… Bố mẹ cũng có thể giải thích hiện tượng nổi và chìm của những đồ vật khác nhau.
- Cùng trẻ đọc sách, đọc thơ, hát những bài đồng dao… Khi trẻ 2 tuổi, bố mẹ có thể không đọc hết một câu trong cuốn sách ưa thích, mà để trẻ tự nói nốt câu đó.
- Cho trẻ tập phân loại đồ vật, như bóng nhiều màu, hay các cốc, hộp có kích thước khác nhau.
- Cho trẻ chơi những đồ chơi có nút ấn chức năng, để mỗi khi trẻ ấn nút thì lại có âm thanh, đèn nháy…
- Chuẩn bị những nguyên vật liệu như bút màu, giấy, phấn màu, đất sét…, để trẻ tự làm đồ thủ công theo ý thích.
- Cho trẻ chơi xếp tháp.
Bố mẹ nên để trẻ tự đưa ra quyết định về những trò mà mình thích chơi, như vậy sẽ khiến trẻ tự tin hơn. Nếu trẻ gặp khó khăn gì thì bố mẹ có thể gợi ý để giúp trẻ tìm ra giải pháp. Và bố mẹ cũng nhớ khen ngợi trẻ thật nhiều nhé!
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily