Sự phát triển tình cảm giữa bé với gia đình sẽ đem lại niềm tin và tình yêu thương, giúp bé luôn cảm thấy an tâm và có quá trình trưởng thành lành mạnh.
Sự gắn kết giữa bé và bố mẹ theo từng giai đoạn
Trong vòng một tháng kể từ khi chào đời, bé đã bắt đầu biết nhìn và duy trì tiếp xúc bằng ánh mắt với bố mẹ.
1. Bé dưới 3 tháng tuổi
- Biết mỉm cười và ê a đáp lại bố mẹ (4 – 6 tuần tuổi).
- Dần hiểu và tin tưởng rằng bố mẹ sẽ đáp ứng nhu cầu của mình.
2. Bé 4-6 tháng tuổi
- Quen với khuôn mặt, giọng nói và những cái ôm của bố mẹ.
- Cười thành tiếng và bắt đầu bập bẹ.
3. Bé 6-8 tháng tuổi
- Bắt đầu có ý thức đề phòng trước người lạ.
- Tìm kiếm sự vỗ về và che chở từ bố mẹ.
4. Bé 9-12 tháng tuổi
- Có thể bắt đầu nói “me-me”, “ma-ma”, “ba-ba”…
- Cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi khi bố mẹ rời đi (hội chứng lo lắng vì xa cách).
- Hướng về phía bố mẹ sau khi khám phá được điều gì đó, hoặc khi cảm thấy khó chịu và muốn được dỗ dành.
Những thay đổi ở bố mẹ trong giai đoạn này
- Có thể bố mẹ sẽ choáng ngợp với việc phải chăm con, nhưng sau vài tuần, bố mẹ sẽ dần dần tự tin hơn và gắn kết với con hơn.
- Bắt đầu hiểu và phản ứng nhanh trước những tín hiệu và tiếng khóc của con khi con đói, buồn ngủ hay khó chịu.
Những việc bố mẹ nên làm để tăng sự gắn kết trong gia đình
- Thường xuyên bế, ôm ấp và dỗ dành con, để con cảm thấy được yêu thương và an tâm.
- Dành nhiều thời gian quan tâm tới con, cùng trò chuyện, hát, đọc sách và chơi với con, kể cho con nghe về những hoạt động thường ngày, gọi tên các loại đồ vật và cảm xúc.
- Khen ngợi những mốc phát triển của con.
- Để cho con khám phá mọi thứ xung quanh, nhưng cũng đặt những giới hạn để đảm bảo an toàn cho con.
- Dành những khoảng thời gian đặc biệt với từng bé trong gia đình.
- Khuyến khích bé lớn chăm sóc và chơi cùng em nhỏ.
Khi nào thì bố mẹ cần tìm sự giúp đỡ?
Bố mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu bé:
- Không để cho bố mẹ bế, ôm, dỗ dành hoặc không phản ứng lại khi được ôm ấp, cưng nựng…
- Không ê a hóng chuyện, không hứng thú khi bố mẹ trò chuyện hay chơi với mình.
- Có vẻ không biết hoặc không phản ứng với các thành viên khác trong gia đình.
- Hầu như không có phản ứng gì khi bố mẹ rời đi hoặc trở về (trong giai đoạn 6-9 tháng tuổi).
- Không hướng về bố mẹ sau khi khám phá ra gì đó, hoặc khi khó chịu.
Hoặc bố mẹ cũng cần được tư vấn, nếu bố mẹ:
- Thường xuyên cảm thấy rất mệt mỏi, chán nản, buồn phiền, lo lắng và choáng ngợp khi chăm con.
- Không thể nhận biết các dấu hiệu của con khi đói, buồn ngủ, cần được dỗ dành hay muốn được yên tĩnh.
- Không thích dành nhiều thời gian cho con.
- Cảm thấy tính cách của con không hợp với các thành viên khác trong gia đình.
- Thường nghĩ rằng con cố tình hư.
- Không biết làm sao để bé lớn làm quen với em nhỏ.
- Gặp nhiều căng thẳng và xáo trộn trong gia đình (về công việc, tiền bạc, nhà ở, bệnh tật).
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily