Khi hệ thống thoát nước ở vùng mắt của bé bị tắc nghẽn một phần hoặc toàn phần thì sẽ dẫn đến bệnh tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh. Căn bệnh này xảy ra khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, với tình trạng nước mắt không thoát được xuống đường mũi như bình thường, trẻ có thể bị chảy nước mắt sống và nếu kéo dài thì sẽ gây kích thích khiến cho vùng mắt bị nhiễm trùng mãn tính.
Tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh là căn bệnh khá khó để hiểu được cơ chế và nhận biết triệu chứng, vì vậy bố mẹ hãy cùng tham khảo thông tin về bệnh này qua bài viết dưới đây để có được cái nhìn tổng quan nhất về bệnh nhé!
1. Bệnh tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh là gì?
Nước mắt sẽ được tiết ra từ tuyến lệ suốt cả ngày với vai trò làm chất bôi trơn cho nhãn cầu, đồng thời rửa sạch các chất bụi bẩn. Thông thường, nước mắt sẽ được tiết liên tục để làm ẩm bề mặt nhãn cầu, rồi sau đó sẽ dồn về góc trong của mắt và được dẫn đi xuống mũi thông qua một hệ thống ống có cấu trúc vô cùng phức tạp được gọi là lệ đạo.
Bố mẹ có thể thấy rằng, thời điểm ngay khi trẻ vừa mới sinh ra, vì tuyến lệ của trẻ chưa hoạt động, ống lệ đạo chưa lưu thông hoàn toàn, nên khi ấy trẻ khóc mà không có nước mắt. Sau khi sinh từ 7-10 ngày, tuyến lệ của trẻ sẽ bắt đầu hoạt động bài tiết và lúc này trẻ khóc mới có nước mắt trào ra.
Trẻ bị tắc tuyến lệ bẩm sinh thường xảy ra trong giai đoạn mới sinh, khi đường dẫn lưu nước mắt (lệ đạo) của trẻ chưa hoàn chỉnh.
Nguyên nhân gây tắc tuyến lệ trẻ sơ sinh là do xuất hiện lớp màng mỏng che lấp đường ra của ống lệ đạo trong mũi, khiến cho nước mắt không thể lưu thông xuống mũi được.
Thông thường, nước mắt chỉ chảy ra khi chúng ta trải qua những cảm xúc cao độ như quá hạnh phúc hoặc đau khổ buồn bã, giận dữ hay khi có vật thể lạ bay vào mắt,… Còn nếu trẻ không trải qua sự kiện hay cảm xúc gì đặc biệt mà nước mắt vẫn tuôn ra, thậm chí rơi từng giọt lã chã nhiều quá mức và liên tục (chảy nước mắt sống) thì rất có thể trẻ bị mắc bệnh tắc tuyến lệ.
Hầu hết những trẻ bị tắc tuyến lệ bẩm sinh có thể tự khỏi bệnh khi trẻ được một tuổi.
2. Dấu hiệu tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Tắc tuyến lệ là bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, từ bé sơ sinh đến người lớn tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ sinh non thì nguy cơ mắc bệnh tắc tuyến lệ bẩm sinh cao hơn những trẻ sinh đủ tháng nhiều, do quá trình hình thành đường lệ đạo từ khi bé còn là bào thai chưa có sự hoàn thiện, thế nên ở phía đầu dưới của ống lệ trong mũi còn vương lại màng mỏng gây tắc nghẽn.
Bệnh tắc tuyến lệ ở trẻ nhỏ sẽ khiến trẻ bị chảy cả nước mũi khi khóc, bất kỳ vị trí nào trong ống lệ đạo cũng có thể bị tắc, từ lệ quản, điểm lệ,… Khi bé bị tắc tuyến lệ, nước mắt của bé không được dẫn lưu xuống mũi và bị chảy trào ra ngoài từ góc trong của mắt. Bệnh tắc tuyến lệ nếu kéo dài thì nước mắt sẽ bị ứ đọng ở vị trí túi lệ, gây ra nhiễm khuẩn lệ đạo, có nhầy mủ đùn ra, đặc biệt là khi ấn vào vùng góc trong mắt.
Nguyên nhân gây ra bệnh tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bao gồm:
- Trẻ không có điểm lệ.
- Trẻ bị rò túi lệ bẩm sinh.
- Trẻ bị tắc ống lệ đạo mũi bẩm sinh.
Những biểu hiện tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
- Trẻ bị nhiều gỉ mắt và chảy nhiều nước mắt dù không có cảm xúc cao độ, hiện tượng này đặc biệt gia tăng khi nhiệt độ ngoài trời lạnh, nắng to hoặc nhiều gió.
- Buổi sáng mỗi khi thức dậy trẻ thường có hành động dụi mắt, xung quanh mí mắt và khóe mắt có nhiều gỉ vàng.
- Mắt trẻ luôn ướt (trông như khóc) do hiện tượng bị đọng nước mắt ở khóe mi.
- Do dụi mắt nhiều nên trẻ có thể bị đỏ da bờ mi mắt và có hiện tượng giả viêm kết mạc.
Dấu hiệu của bệnh tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh có thể khó nhận biết hơn nếu trẻ chỉ bị tắc một phần và có ít biểu hiện bệnh, do đó sẽ phải mất một thời gian sau khi mắc bệnh mới có thể phát hiện và việc chữa trị có thể gặp khó khăn hơn.
3. Trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ phải làm sao?
Việc đưa ra phương pháp chữa tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh phù hợp còn phải phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân và độ tuổi mà trẻ mắc bệnh.
Chữa trị theo nguyên nhân gây bệnh
- Trường hợp trẻ có màng ngăn ở điểm lệ thì có thể thực hiện phương pháp rạch để làm thông tuyến lệ.
- Trường hợp trẻ bị rò túi lệ thì có thể điều trị bằng phẫu thuật để đóng lỗ rò.
- Trường hợp trẻ bị tắc tuyến lệ bẩm sinh thì sẽ phải có phương pháp điều trị phù hợp theo độ tuổi của trẻ.
Chữa trị theo độ tuổi của trẻ
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi: Cần day mắt, đặc biệt là vùng túi lệ và không cần phải phẫu thuật thông tuyến lệ, mỗi ngày bố mẹ có thể vệ sinh mí mắt cho trẻ tại chỗ bằng nước muối nhỏ mắt chuyên dụng.
- Trẻ từ 3 đến 8 tháng tuổi: Cách điều trị bệnh của trẻ trong giai đoạn này là bơm thông lệ đạo hoặc tra thuốc, day vùng túi lệ.
- Trẻ sau 8 tháng tuổi: Điều trị bệnh bằng cách đặt ống thông lệ đạo được khuyến khích cho trẻ trong giai đoạn này.
Thực tế, có nhiều trường hợp trẻ bị tắc tuyến lệ bẩm sinh tự cải thiện được tình trạng trong vòng vài tháng khi hệ thống dẫn thoát nước mắt của trẻ trở nên hoàn thiện hơn.
Trong quá trình phát hiện bệnh và chờ chữa bệnh tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì bố mẹ cần chú ý vệ sinh mắt cho bé thật cẩn thận bằng nước muối nhỏ mắt chuyên dụng và đưa bé đến khám chữa tại các bệnh viện chuyên khoa uy tín nhé!
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily