Cây Tầm bóp hay còn gọi là cây thù lu hay cây lồng đèn, một cái tên không là xa lạ với người dân miệt vườn. Là một trong những loại rau mọc hoang bổ dưỡng, mang đến nhiều món ăn ngon. Không chỉ thế, nhiều nghiên cứu cho thấy, đây là loại dược liệu rất tốt cho sức khoẻ góp mặt trong nhiều bài thuốc Đông Y chữa bệnh hữu hiệu.
Tầm bóp
Tên tiếng Việt: Tầm bóp, Thù lu cái, Lu lu cái, Toan tương, Lồng đèn, Phiắc tèng (Tày)
Tên khoa học: Physalis angulata L.
Họ: Solanaceae
Công dụng: Giải nhiệt, ho, tiêu đờm, mụn nhọt, lợi tiểu (cả cây).
Mô tả
- Cây thảo mọc hằng năm, cao 50-90cm, phân nhiều cành.
- Thân cây có góc, thường rũ xuống. Lá mọc so le, hình bầu dục, chia thùy hay không, dài 30-35mm, rộng 20-40mm; cuống lá dài 15-30mm.
- Hoa mọc đơn độc, có cuống mảnh, dài khoảng 1cm. Ðài hình chuông, có lông, chia ra từ phía giữa thành năm thùy. Tràng hoa màu vàng tươi hay màu trắng nhạt, có khi điểm những chấm màu tím ở gốc, hơi chia 5 thùy.
- Quả mọng tròn, nhẵn, lúc non màu xanh, khi chín màu đỏ, có đài cùng lớn với quả, dài 3-4cm, rộng 2cm, bao trùm lên ở ngoài như cái túi. Hạt nhiều, hình thận.
- Ra hoa kết quả quanh năm.
Bộ phận dùng
Toàn cây – Herba Physalis Angulatae.
Nơi sống và thu hái
Gốc ở Mỹ châu nhiệt đới, trở thành liên nhiệt đới, mọc hoang ở khắp nơi trên các bờ ruộng, bãi cỏ, đường làng, đất hoang, ven rừng từ vùng thấp đến độ cao 1500m. Thu hái cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Tính vị, tác dụng
Toàn cây có vị đắng, tính mát, không độc; có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, khư đàm chỉ khái, nhuyễn kiên tán kết. Quả có vị chua, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, tiêu đờm.
Công dụng của cây lồng đèn
Theo các nghiên cứu khoa học, cây tầm bóp mang lại các tác dụng như:
- Hỗ trợ và điều trị bệnh Gout: có chứa nhiều chất xơ, các axit béo và alkaloid giúp làm giảm đau kháng viêm, hấp thụ bớt axit uric có trong máu, nước tiểu, tốt cho bệnh Gout.
- Hỗ trợ và điều trị tiểu đường: cây có tính mát, lợi tiểu, ngăn ngừa sỏi thận, bí tiểu, tốt cho đường tiết niệu.
- Ngoài ra, cây tầm bóp cũng giúp hỗ trợ các bệnh ho, viêm họng, ho khan, khàn tiếng, giúp tiêu đờm. Hỗ trợ ngăn ngừa sự hình thành bệnh Scorbut do thiếu vitamin C làm nướu kém, chảy máu chân răng; các vết thâm tím rộng, cầm máu kém,…
Mẹo chữa trị với cây Tầm bóp
- Thường dùng trị cảm sốt, yết hầu sưng đau; ho nhiều đờm, phiền nhiệt nôn nấc. Dùng 20-40g khô sắc uống.
- Dùng ngoài trị nhọt vú, đinh độc, đau bìu dái. Dùng 40-80g cây tươi giã vắt lấy nước cốt uống, bã thì dùng đắp; hoặc nấu nước rửa.
- Quả Tầm bóp ăn được và dùng chữa đờm nhiệt sinh ho, thủy thũng và đắp ngoài chữa đinh sang,
- Chữa chứng đái đường rễ tươi nấu với tim lợn, chu sa dùng ăn.
- Trị tiểu đường: Dùng 30g rễ tầm bóp tươi hoặc 15g rễ khô đem đi đun nước uống hằng ngày.
- Ở Ấn Độ, toàn cây được sử dụng làm thuốc lợi tiểu; lá được dùng trị các rối loạn của dạ dày.
Thận trọng khi dùng cây tầm bóp chữa bệnh
Có một loại cây thuộc họ cà có tên là cây lu lu đực rất giống với cây tầm bóp nên bạn cần cẩn thận để không bị nhầm lẫn. Cây lu lu đực là loài cây có quả hình tròn như quả cà, thân cây mỏng hơn tầm bóp, lá không có vị đắng nhưng lại có độc khi dùng tươi. Chính vì vậy khi thu hái nên cẩn thận và phân biệt được hai loại cây này.
Xin lưu ý:
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo.
- Không tự ý áp dụng mà chưa tìm hiểu kỹ về bài thuốc cũng như nguyên nhân gây bệnh.
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Đừng quên ghé thăm Medplus hàng ngày để cập nhật những tin tức mới nhất về sức khỏe bạn nhé!
Nguồn tham khảo: