Tập cho bé tự ngủ bằng phương pháp Cry It Out (Để bé khóc) liệu có phải là cách nên làm hay không? Bố mẹ cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Khi áp dụng phương pháp Cry It Out để luyện cho bé tự ngủ, bố mẹ sẽ không phải thức dậy vào giữa đêm để dỗ cho bé ngủ lại nữa. Tuy nhiên, phương pháp này lại có thể đem lại những tác động tiêu cực đối với bé sơ sinh.
Phương pháp ngủ Cry It Out là gì?
Phương pháp Cry It Out, hay còn được gọi là “Để bé khóc” là phương pháp luyện cho bé tự ngủ được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1985 bởi bác sĩ nhi Richard Ferber trong cuốn sách của mình mang tên “Giải quyết các vấn đề về giấc ngủ của trẻ em”.
Theo quan điểm của bác sĩ Richard Ferber, tự ngủ là kỹ năng mà bé có thể học được trong quá trình phát triển, miễn là được tạo cơ hội. Trong quá trình tập cho bé tự ngủ, việc bé la hét hoặc khóc là điều không thể tránh khỏi. Do đó, khi bố mẹ áp dụng phương pháp Cry It Out, khóc không phải là “điểm đến” cuối cùng, mà chỉ là “điểm dừng chân” trên con đường luyện ngủ của bé.
Nếu áp dụng phương pháp tự ngủ Cry It Out thành công, bố mẹ sẽ không còn phải thức dậy giữa đêm vào mỗi lần bé thức giấc để dỗ con ngủ lại nữa, bởi vì chính bé sẽ tự dỗ dành và xoa dịu chính mình để quay lại với giấc ngủ.
Phương pháp luyện ngủ Cry It Out hoạt động ra sao?
Đây là phương pháp được áp dụng với những bé từ 3 tháng tuổi trở lên. Trước hết, bố mẹ để cho bé khóc trong vòng 5 phút, sau đó mới đến gần để dỗ dành và vỗ về, giúp bé trấn an, nhưng lưu ý không được bế bé lên.
Tiếp theo, bố mẹ rời khỏi phòng và để bé khóc thêm 10 phút nữa rồi mới quay lại để dỗ dành bé lần nữa. Sau đó, bố mẹ lại để bé khóc thêm 15 phút. Hãy tiếp tục quy luật này thêm một lần nữa.
Trong trường hợp bé nôn trớ, bố mẹ có thể lau dọn cho bé, nhưng luôn để bé nằm trên giường hoặc cũi. Vào mỗi lần rời bé, bố mẹ cũng nên lưu ý canh khoảng thời gian lâu hơn một chút trước khi quay lại.
Nếu có tính cách quyết liệt, bé thậm chí có thể khóc cả đêm. Tuy nhiên, thường thì việc khóc nhiều sẽ khiến bé kiệt sức và ngủ thiếp đi sau vài tiếng đồng hồ. Khi bé thức giấc giữa đêm khuya, quá trình này lại tiếp tục.
Trên thực tế, không phải bé nào cũng có thể tự ngủ bằng phương pháp Cry It Out. Có những bé sẽ khóc liên tục đến cả tuần. Trong trường hợp bé mắc các bệnh lý như viêm tai giữa và khóc nhiều, bố mẹ nên tạm ngưng phương pháp này trong giai đoạn điều trị bệnh cho bé.
Những tác hại tiềm ẩn mà phương pháp Cry It Out có thể đem lại
1. Gây cảm giác căng thẳng, lo âu cho bé
Những nghiên cứu mới đây cho rằng việc để cho bé khóc mà không vỗ về, xoa dịu con có thể sẽ gây những tổn thương lâu dài cho bé về sau. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu bố mẹ thường xuyên để cho bé khóc một mình, hàm lượng cortisol của con sẽ tăng cao. Việc này gây ra cảm giác lo âu, sợ hãi và đau buồn cho bé.
Hơn thế nữa, vào những đêm tiếp theo, kể cả khi bé không khóc khi được đặt vào giường hay cũi, thì hàm lượng cortisol này vẫn sẽ tiếp tục tăng lên. Đó là dấu hiệu cho thấy rằng bé đang bị lo âu và căng thẳng. Lúc này, bé không khóc là bởi con đã được “huấn luyện” để biết rằng sẽ không có ai đến nếu mình tiếp tục khóc.
2. Ảnh hưởng tới sự phát triển não bộ của trẻ
Theo nghiên cứu, nếu bố mẹ để mặc cho bé khóc lặp đi lặp lại nhiều lần thì việc này có thể sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới não bộ của bé. Hơn nữa, việc để bé khóc như vậy còn có thể dẫn đến những thay đổi vĩnh viễn trong hệ thống não bộ của bé, ví dụ như các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống sau này của con.
Trong cuốn sách mang tên “The Science of Parenting” (Khoa học nuôi dạy con), Margot Sunderland đã trích dẫn nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc để cho trẻ nhỏ khóc một mình thường xuyên có thể làm giảm khả năng phát triển tối ưu của não bộ.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard cũng tiến hành những cuộc khảo sát về cảm xúc và chức năng não bộ của trẻ sơ sinh. Nghiên cứu đó đã chỉ ra rằng, những bé thường xuyên bị bố mẹ bỏ mặc cho khóc đến khi tự ngủ thường phải chịu nhiều tổn thương lâu dài lên hệ thần kinh. Hơn nữa, những em bé này khi lớn lên cũng dễ mắc các chứng rối loạn lo âu và dễ bị hoảng loạn.
3. Tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất
Nếu không được dỗ dành và xoa dịu, bé sẽ khóc rất lâu. Việc này có thể đem lại hậu quả khôn lường: khiến nhịp tim và huyết áp của con tăng lên, hàm lượng oxy trong máu cũng giảm xuống, áp lực máu trong não tăng lên cao, khiến cạn kiệt nguồn oxy và năng lượng dự trữ, gây áp lực lên hệ tim mạch.
Lúc này, hàm lượng cortisol, adrenalin và các hooc-môn gây stress tăng lên nhanh chóng, làm gián đoạn việc vận hành của hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa.
Phương pháp Cry It Out vẫn là cách tập cho bé tự ngủ gây nhiều tranh cãi. Hy vọng qua bài viết trên, bố mẹ đã hiểu thêm về phương pháp này và có thể đưa ra cho mình câu trả lời phù hợp nhất khi tập cho bé tự ngủ bằng phương pháp Cry It Out.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily