Tìm hiểu chung
Thải ghép là gì?
Thải ghép hay còn gọi là thải trừ trong ghép tạng là một quá trình trong đó hệ thống miễn dịch của người nhận cấy ghép từ chối, tấn công phá hủy cơ quan hoặc mô được cấy ghép.
Có 3 cấp độ thải ghép:
-
Thải bỏ tối cấp: Tình trạng này thường ít gặp nhưng nếu xảy ra thì thường là ngay lập tức sau khi ghép, nhanh đến mức mô ghép chưa kịp hình thành các mạch máu tân tạo. Phản ứng tối cấp xảy ra là do trong huyết thanh của vật chủ có sẵn các kháng thể đặc hiệu với các kháng nguyên của mô ghép.
Phức hợp kháng nguyên – kháng thể được hình thành sẽ hoạt hóa hệ thống bổ thể gây ra thâm nhiễm bạch cầu trung tính vào trong mô ghép. Một phản ứng viêm cấp tính sẽ dẫn đến hình thành các cục máu đông (huyết khối) rải rác trong các mao mạch làm tắc dòng máu, ngăn cản việc sinh các mạch máu trong mô ghép, vì vậy mô ghép sẽ bị hoại tử nhanh chóng.
-
Thải bỏ cấp: Phản ứng thải bỏ mô ghép khác gene cùng loài được xem như là thải bỏ cấp khi xuất hiện trong tuần đầu tiên đến 3 tháng sau ghép.
-
Thải bỏ mạn tính: Thải ghép được xem là thải bỏ mạn tính khi xảy ra nhiều tháng hay nhiều năm sau ghép. Trước đó cơ thể thường có các thải bỏ cấp tính. Thông thường khó có thể điều chỉnh được phản ứng thải bỏ mạn tính bằng các thuốc ức chế miễn dịch mà thường phải tiến hành ghép lại.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của thải ghép là gì?
Các triệu chứng có thể bao gồm:
-
Chức năng của cơ quan cấy ghép có thể bắt đầu suy giảm
-
Tình trạng khó chịu, không thoải mái hoặc có cảm giác ốm bệnh
-
Đau hoặc sưng ở khu vực của cơ quan cấy ghép (hiếm gặp)
-
Sốt (hiếm gặp)
-
Các triệu chứng giống cúm (ớn lạnh, đau nhức cơ thể, buồn nôn, ho và khó thở)
Các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào cơ quan hoặc mô cấy ghép, chẳng hạn như phản ứng thải ghép ở người ghép thận sẽ có triệu chứng tiểu ít, người ghép tim sẽ có triệu chứng suy tim.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của thải ghép là gì?
Khi có tác nhân lạ xâm nhập, cơ thể sẽ tạo ra một đáp ứng miễn dịch. Có 2 loại gồm đáp ứng miễn dịch dịch thể (tạo các kháng thể trung hòa vật lạ) và đáp ứng miễn dịch tế bào (tạo các tế bào miễn dịch đến tiêu diệt vật lạ). Vật lạ được nhận diện qua các dấu ấn bề mặt gọi là kháng nguyên.
Trong trường hợp 2 người có quan hệ huyết thống càng gần thì kháng nguyên bề mặt của tế bào càng ít khác biệt, khác loài thì mức độ khác biệt càng lớn. Khi ghép tạng, cơ thể người được ghép có khả năng tạo ra những phản ứng thải trừ mô ghép do hệ miễn dịch nhận định bộ phận cấy ghép là “tác nhân lạ”.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán thải ghép?
Để xác định thải ghép, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết cơ quan cấy ghép. Sinh thiết thường quy thường được thực hiện định kỳ để phát hiện sớm thải ghép, trước khi các triệu chứng tiến triển.
Ngoài ra, khi nghi ngờ tình trạng thải trừ trong ghép tạng, bác sĩ có thể chỉ định 1 hoặc nhiều xét nghiệm sau đây trước khi sinh thiết nội tạng:
- Chụp CT bụng
- Chụp X-quang ngực
- Siêu âm tim
- Siêu âm thận
- Chụp động mạch thận
- Xét nghiệm chức năng thận hoặc gan.
Những phương pháp điều trị thải ghép
Mục tiêu của điều trị là đảm bảo cơ quan hoặc mô cấy ghép hoạt động tốt và ngăn chặn phản ứng của hệ thống miễn dịch từ cơ thể. Thuốc ức chế đáp ứng miễn dịch có thể ngăn ngừa thải ghép. Liều lượng và lựa chọn thuốc phụ thuộc vào tình trạng của người được ghép tạng. Trong giai đoạn thải cấp, liều lượng thuốc có thể rất cao. Sau khi cơ thể không còn dấu hiệu từ chối cấy ghép, liều lượng có thể được hạ xuống.
Tiên lượng
Tiên lượng của thải ghép là gì?
Một số loại nội tạng và mô nếu cấy ghép sẽ có tỷ lệ thành công cao hơn những loại khác. Nếu quá trình từ chối tạng ghép bắt đầu xảy ra, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc chống thải ghép (thuốc ức chế miễn dịch). Các đợt thải ghép cấp tính hiếm khi dẫn đến suy nội tạng, chính mức độ mạn tính mới là nguyên nhân hàng đầu. Cơ quan dần mất chức năng và các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Loại thải ghép này không thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc. Một số trường hợp người bệnh có thể cần thực hiện lại 1 ca phẫu thuật ghép tạng khác.
Biến chứng
Thải ghép có những biến chứng gì?
Phần lớn các phương pháp điều trị ức chế miễn dịch có nhược điểm ở tính không đặc hiệu của chúng, vì vậy nó thường dẫn đến việc ức chế miễn dịch lan tỏa và đặt cơ thể nhận vào tình trạng có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, rất nhiều biện pháp ức chế miễn dịch làm chậm quá trình tăng sinh của tế bào lympho đã được hoạt hóa. Tuy nhiên các phương pháp này cũng làm ảnh hưởng đến các tế bào khác có khả năng phân chia nhanh chóng như tế bào biểu mô ruột, tế bào gốc tạo máu ở tủy xương, vì vậy có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra do cấy ghép hoặc từ chối cấy ghép bao gồm:
-
Một số bệnh ung thư (ở một số người dùng thuốc ức chế miễn dịch liều mạnh trong một thời gian dài)
-
Nhiễm trùng
-
Các cơ quan hoặc mô cấy ghép bị mất chức năng
-
Tác dụng phụ của thuốc (có thể nghiêm trọng)
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa thải ghép?
Để hạn chế tối đa phản ứng thải ghép, cần cố gắng lựa chọn người hiến tạng càng ít có sự khác biệt kháng nguyên ghép với người nhận càng tốt. Điều này có thể thực hiện thông qua việc phân loại nhóm máu theo hệ thống ABO và phân loại hệ thống kháng nguyên bạch cầu người HLA trước khi cấy ghép. Hầu hết người ghép tạng cần dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, người bệnh cần thận trọng về việc dùng thuốc sau ghép và cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Immunology of Transplant Rejection
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: