Cảm cúm là bệnh truyền nhiễm do virus cúm gây ra. Đặc biệt, bệnh cảm cúm ở người lớn tuổi thường diễn tiến nghiêm trọng hơn do hệ thống miễn dịch của người bệnh bị suy giảm trong quá trình lão hóa.
Cùng tìm hiểu các đặc điểm của bệnh cảm cúm ở người cao tuổi và cách phòng ngừa tình trạng này trong bài viết sau.
Triệu chứng của bệnh cảm cúm: Cần phân biệt với cảm lạnh
Các triệu chứng của bệnh cúm thường xuất hiện nhanh chóng sau 1 – 4 ngày tiếp xúc với virus. Một số triệu chứng của cảm cúm có thể bị nhầm lẫn với cảm lạnh. Do đó, bạn cần phân biệt hai căn bệnh này với nhau.
Cảm cúm và cảm lạnh đều có thể gây ra những vấn đề sau:
- Sổ mũi
- Nghẹt mũi
- Đau họng.
Tuy nhiên, nếu bị cảm cúm, bạn có thể gặp thêm một số triệu chứng dưới đây:
- Sốt
- Nhức mỏi cơ thể
- Ớn lạnh
- Mệt mỏi
- Đuối sức
- Khó chịu ở ngực
- Đau đầu.
Nếu bạn trên 65 tuổi và gặp phải bất kỳ triệu chứng cúm nào ở trên, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Các biến chứng của bệnh cảm cúm ở người cao tuổi
Người trẻ tuổi và người có hệ miễn dịch khỏe mạnh thường ít gặp biến chứng của cảm cúm. Ngược lại, người lớn tuổi lại rất dễ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng của căn bệnh này. Theo thống kê, có đến khoảng 85% các ca tử vong liên quan đến bệnh cúm xảy ra ở những người từ 65 tuổi trở lên.
Hai biến chứng thường gặp khi người cao tuổi bị cảm cúm là viêm phế quản và viêm phổi.
Viêm phế quản
Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản. Các triệu chứng của viêm phế quản có thể bao gồm:
- Ho ra đờm màu vàng, xám hoặc xanh lá cây
- Mệt mỏi
- Khó thở
- Sốt
- Đau ngực.
Biến chứng viêm phổi do cúm
Viêm phế quản có thể dẫn đến viêm phổi. Đây là tình trạng nhiễm trùng gây viêm các túi khí ở một hoặc cả hai bên phổi. Viêm phổi có thể gây đau ngực, khó thở và ho dữ dội.
Ở người lớn tuổi và có hệ miễn dịch yếu, viêm phổi cũng có thể khiến người bệnh cảm thấy buồn nôn, nôn, lú lẫn và thân nhiệt thấp hơn bình thường.
Nếu viêm phổi không được điều trị, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu và gây suy tạng. Tình trạng nhiễm trùng phổi cũng có thể gây áp xe phổi.
Ngoài hai biến chứng trên, khi bị cảm cúm, người già cũng có thể bị viêm xoang, nhiễm trùng tai, viêm ở tim, não và cơ. Nếu bạn đang mắc phải hen suyễn hoặc bệnh tim, virus cúm có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng mãn tính này.
Cách điều trị bệnh cảm cúm ở người cao tuổi
Người cao tuổi nên đi khám ngay trong vòng 48 giờ đầu tiên sau khi có các triệu chứng cảm cúm. Lúc này, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc kháng virus để rút ngắn thời gian của bệnh và giảm triệu chứng của nhiễm trùng. Sau 48 giờ, điều trị kháng virus sẽ ít có hiệu quả hơn nhưng vẫn có thể được chỉ định cho người bệnh có nguy cơ biến chứng cao.
Bên cạnh đó, một số loại thuốc chữa cảm cúm không kê đơn cũng có thể giúp bạn giảm nhẹ triệu chứng. Bạn có thể dùng ibuprofen (Advil, Motrin) theo chỉ dẫn của bác sĩ để giảm đau và hạ sốt.
Điều quan trọng là bạn phải nghỉ ngơi nhiều để tăng cường hệ miễn dịch và giúp cơ thể chống lại virus tốt hơn. Tham khảo 9 cách điều trị cảm cúm tại nhà nhanh khỏi để sớm khỏe lại bạn nhé.
Nếu bạn gặp phải các biến chứng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh cho bạn. Thuốc kháng sinh giúp điều trị nhiễm trùng thứ cấp, chẳng hạn như nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang, viêm phế quản hoặc viêm phổi. Bạn cũng có thể cần thuốc giảm ho theo toa khi cơn ho trở nên nặng và thường xuyên hơn.
Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh cúm?
Người già từ 65 tuổi trở lên nên cân nhắc việc tiêm phòng cúm hàng năm. Ngoài chủng ngừa, một số lưu ý sau đây có thể giúp bạn bảo vệ bản thân chống lại bệnh cúm:
- Tránh những khu vực đông đúc
- Đeo khẩu trang và tránh xa người có biểu hiện đau ốm khi ở nơi công cộng
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng
- Không dùng tay chạm vào mặt, miệng hoặc mũi.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn bằng cách xây dựng chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và quản lý căng thẳng.
- Thường xuyên khử trùng các bề mặt trong nhà và các vật dụng thường xuyên chạm vào như công tắc đèn, tay nắm cửa, điện thoại, đồ chơi…
Bệnh cảm cúm ở người lớn tuổi có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, bạn cần đi khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng ban đầu của bệnh. Bên cạnh đó, hãy luôn chú ý giữ gìn sức khỏe và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa đúng cách để phòng tránh bệnh hiệu quả.
Như vậy, qua những thông tin Medplus đã tổng hợp, hy vọng sẽ giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về bệnh cảm cúm ở người cao tuổi. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Flu in Older Adults
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: