Nấm thực quản là bệnh lý rất phổ biến ở những người bị suy giảm miễn dịch, nhưng cũng có thể gặp phải ở người bình thường. Tuy bệnh khá dai dẳng nhưng vẫn có thể điều trị khỏi dứt điểm, quan trọng là sớm phát hiện, tránh để nấm lây lan thêm sang những vùng khác hoặc khiến thực quản bị tổn thương nhiều hơn.
Nếu bạn thắc mắc nấm thực quản có nguy hiểm không và điều trị như thế nào thì có thể tìm hiểu thông tin qua bài viết sau của MedPlus.
Tìm hiểu chung
Nấm thực quản là bệnh gì?
Bệnh nấm thực quản là một loại bệnh nhiễm trùng do chủng nấm Candida gây ra tại thực quản. Bệnh còn có tên khác là nấm Candida thực quản hoặc viêm thực quản do nấm Candida. 50% bệnh nhân có mắc đồng thời nấm miệng.
Đây là loại nấm có hình ảnh điển hình qua xét nghiệm nội soi là các mảng nhầy màu trắng hoặc vàng. Candida thường dễ sinh sôi ở những vị trí như khoang miệng, thực quản, ruột và âm đạo khi có điều kiện thuận lợi.
Triệu chứng
Triệu chứng của bệnh nấm thực quản
Trong số những bệnh nhân bị viêm thực quản nhiễm trùng, 88% là do Candida albicans. Họ có thể không có bất kỳ triệu chứng nào nhưng đôi khi gặp hàng loạt các biểu hiện khác nhau. Trong đó phổ biến nhất là đau khi nuốt và khó nuốt, đau ngực sau xương ức.
Nấm thực quản có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị, viêm thực quản do nấm có thể có biến chứng loét, dò thực quản, hẹp thực quản… Ngoài ra, nấm có thể tấn công vào nội tạng và toàn thân rất nguy hiểm.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh nấm thực quản
Nấm Candida có thể là một phần của hệ vi sinh khoang miệng và không gây hại đối với người trưởng thành khỏe mạnh. Tuy nhiên, đối với người có hệ miễn dịch suy yếu thì đây chính điều kiện giúp nấm Candida sinh sôi, tấn công khoang miệng, họng, thực quản… Một số đối tượng dễ bị viêm thực quản do nhiễm nấm Candida bao gồm:
- Người cao tuổi (Tuổi trung bình của một người bị nhiễm nấm thực quản là 55,5 tuổi)
- Bệnh nhân HIV/AIDS
- Bệnh nhân ung thư, hóa trị, xạ trị vùng cổ
- Bệnh nhân ghép tạng, điều trị thuốc ức chế miễn dịch
- Người bị tiểu đường.
- Người bị suy tuyến thượng thận.
- Người dùng kháng sinh và hoặc corticosteroid, bao gồm cả corticosteroid dạng hít để kiểm soát bệnh hen suyễn.
Bên cạnh đó, bệnh nhân điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton, uống rượu bia, hút thuốc lá cũng có nguy cơ cao bị nấm thực quản dù khả năng miễn dịch hoàn toàn bình thường.
Chẩn đoán và điều trị
Phương pháp chẩn đoán nhiễm nấm thực quản
Để chẩn đoán miệng hoặc thực quản của bạn có bị nhiễm nấm hay không, bác sĩ có thể tiến hành theo một số cách sau đây:
Nội soi thực quản
Trước tiên, bác sĩ sử dụng thiết bị nội soi có gắn camera ở đầu để thu được hình ảnh bên trong thực quản. Nhiễm nấm Candida cho thấy các đám hoặc mảng nhầy trắng bám trên thành thực quản không bị rửa trôi bằng nước rất điển hình. Khi phát hiện tổn thương, mức độ nhiễm nấm sẽ được phân loại Kodsi theo 4 độ, bao gồm:
- Độ I: nhầy trắng kích thước < 2mm với số lượng ít, gây xung huyết nhưng không gây phù nề hoặc loét.
- Độ II: nhầy trắng kích thước ≥2mm với số lượng nhiều, gây phù nề, xung huyết nhưng không có loét.
- Độ III: các mảng trắng bám dọc thực quản hoặc thành đám gây phù nề, xung huyết và loét.
- Độ IV: tổn thương giống như độ III nhưng niêm mạc nhầy có thể có chít hẹp.
Nuôi cấy bệnh phẩm để định danh nấm
Phương pháp này cũng sử dụng kỹ thuật nội soi bằng kìm sinh thiết để lấy mẫu bệnh phẩm ở trong thực quản ra ngoài.
Những mẫu soi tươi cho kết quả dương tính được đem nuôi cấy và định danh loài nấm. Sau khi có kết quả chẩn đoán thì bác sĩ sẽ có cơ sở để đưa ra biện pháp can thiệp và điều trị phù hợp với mỗi bệnh nhân.
Phương pháp điều trị nhiễm nấm thực quản
Phác đồ điều trị nấm thực quản chỉ gồm thuốc kháng nấm fluconazole uống, nếu nặng cần truyền tĩnh mạch.
Nếu bệnh nhân không thuyên giảm sau khi dùng fluconazole hoặc chống chỉ định với thuốc này, bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc kháng nấm khác.
Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu ở Việt Nam thì một phác đồ điều trị nấm thực quản khác có thể áp dụng hiệu quả đó là kết hợp 2 loại thuốc fluconazol toàn thân với nystatin tại chỗ. Liều lượng và thời gian dùng thuốc tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh. Đồng thời, bệnh nhân được hướng dẫn hạn chế ăn đồ ngọt, không uống nước có ga hoặc đồ uống có cồn trong quá trình điều trị.
Phòng ngừa
Nấm thực quản có lây không? Phòng ngừa thế nào?
Do tác nhân của bệnh là nấm Candida, do đó có thể lan sâu vào nội tạng và thường xuất hiện ở cả miệng, họng. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều có nấm ở trên bề mặt niêm mạc và nó chỉ có thể gây vấn đề nếu hệ miễn dịch của chúng ta suy giảm. Do vậy mà khi hôn, ăn uống hay tiếp xúc cùng bệnh nhân cũng không lây nấm thực quản.
Một trong những cách để giảm nguy cơ bị nấm chính là cải thiện tình trạng sức khỏe thông qua lối sống và ăn uống lành mạnh nhằm tăng cường miễn dịch.
Đối tượng nhiễm nấm Candida thường gặp nhất là người nhiễm HIV giai đoạn nặng. Do đó cần phòng ngừa nhiễm HIV, nếu nhiễm HIV cần điều trị đúng phác đồ theo dõi bệnh thường xuyên để tránh bệnh tiến triển nặng.
Bên cạnh đó, bạn chỉ sử dụng các loại thuốc gây ức chế miễn dịch khi được bác sĩ kê đơn và cần sử dụng đúng theo chỉ định (như bệnh nhân ung thư đang điều trị, bệnh nhân ghép tạng). Ngoài ra, thuốc kháng nấm tại chỗ hoặc toàn thân có thể dùng phòng ngừa cho nhóm đối tượng này.
Hãy dùng thuốc kháng sinh (Antibiotics), thuốc steroid có tác dụng với toàn thân đúng chỉ định và sử dụng hợp lý steroid dạng hít để hạn chế nguy cơ nhiễm nấm Candida thực quản. Sau xịt thuốc có chứa corticosteroid bạn cần phải súc miệng lại bằng nước sạch.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Candida infections of the mouth, throat, and esophagus
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: