Mẹ đau đầu vì không biết thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng như thế nào? Hãy đọc bài viết dưới đây của chúng tôi để cho bé ăn dặm đúng cách và tham khảo một số thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi nhé!
6 tháng tuổi là giai đoạn bé bắt đầu đón nhận nguồn dinh dưỡng từ các loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều thay đổi cả về thể chất lẫn nhu cầu dinh dưỡng.
Ăn dặm chính là một tiến trình mới trong quá trình phát triển và hoàn thiện khả năng ăn uống của trẻ. Chính vì vậy, ở giai đoạn này, mẹ nên chú trọng tới việc lên thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi, từ khâu chọn nguyên liệu, cách chế biến cho đến cách cho trẻ ăn dặm như thế nào để bé hấp thu được nhiều dinh dưỡng có lợi nhất.
1. Ăn dặm cho bé 6 tháng: như thế nào là đúng cách?
Khi chuyển qua giai đoạn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi, mẹ cần đảm bảo thực đơn đúng chuẩn dinh dưỡng, cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất cần thiết trong bữa ăn hàng ngày, bao gồm: tinh bột (gluxid/carbonhydrat), chất đạm (protein), chất béo (lipid), vitamin và khoáng chất.
Đồng thời, trong thời gian ăn dặm, bé vẫn tiếp tục bú sữa mẹ để đảm bảo đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ. Mẹ nên chú ý cho trẻ làm quen với việc ăn dặm bằng cách cho trẻ thích nghi dần, bắt đầu với những món mềm, dễ ăn, cho ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều để trẻ quen dần với hình thức ăn uống mới và đón nhận việc ăn dặm một cách hào hứng và dễ dàng.
Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi cũng nên đa dạng để bé không cảm thấy chán ăn, bố mẹ có thể linh hoạt chế biến các loại rau củ quả nhiều màu sắc để món ăn trở nên hấp dẫn hơn với bé.
2. Ăn dặm cho bé 6 tháng: bao nhiêu bữa/ngày?
Ăn dặm là một việc mới mẻ và lạ lẫm với trẻ, bởi trẻ đang quen với việc bú sữa mẹ hàng ngày. Chính vì thế, bố mẹ không nên quá vội vàng cho trẻ ăn nhiều ngay từ những lần đầu tiên. Trong 3 bữa ăn đầu, trẻ chỉ nên ăn khoảng từ 5 đến 10 ml thức ăn, sau đó bố mẹ từ từ tăng dần lượng thức ăn lên để dạ dày và hệ tiêu hóa của bé có cơ hội thích nghi với các loại đồ ăn mới.
Thời gian đầu, bố mẹ chỉ nên cho bé ăn dặm 1 bữa/ngày, sau khi bé đã tỏ ra quen dần, bố mẹ có thể đẩy lên 2 bữa/ngày, đồng thời cho bé ăn thêm bữa phụ như hoa quả mềm, sữa chua…
Để bé không bị quá bất ngờ khi chuyển qua ăn dặm, bố mẹ nên bắt đầu với thực đơn là những món dạng bột loãng, nhất là trong những ngày đầu. Sau khi bé đã đón nhận và quen với việc ăn dặm, thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng sẽ gồm những món có độ thô cao hơn, bố mẹ có thể chuyển từ bột sang cháo nghiền, cơm nát… Ngoài ra, bố mẹ có thể bổ sung thêm bánh ăn dặm cho bé 6 tháng để đa dạng khẩu phần ăn cho bé.
3. Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng
Tùy vào điều kiện và sở thích của bé mà mẹ có thể linh hoạt, sáng tạo nhiều công thức khác nhau, miễn là đảm bảo đem lại đầy đủ dinh dưỡng cho bé. Mỗi bữa ăn có thể bao gồm nhiều loại thực phẩm chế biến khác nhau nhưng phải đảm bảo đủ ít nhất 4 nhóm dưỡng chất cần thiết cho bé.
Ngoài ra, các loại hoa quả cũng rất tốt và cần thiết cho trẻ. Bố mẹ nên bổ sung hoa quả mỗi ngày, bé chưa ăn được hoa quả cứng thì bố mẹ cắt nhỏ các loại hoa quả mềm, trộn sữa chua hoặc làm nước ép để cung cấp chất xơ và vitamin cho bé.
Đặc biệt, mẹ vẫn phải duy trì việc cho bé bú sữa mẹ thường xuyên bởi các món ăn dặm không thể thay thế được sữa mẹ mà chỉ đóng vai trò bổ sung thêm các dưỡng chất cần thiết để bé phát triển một cách toàn diện. Trong sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và nhiều yếu tố kháng khuẩn giúp cho khả năng đề kháng của bé tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh. Trường hợp mẹ ít sữa, có thể pha thêm sữa công thức để bé uống thêm, đảm bảo mỗi ngày uống khoảng từ 500 đến 700 ml.
Dưới đây là một số gợi ý cho các mẹ về thực đơn các món bột ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi:
Bột tôm:
- Tôm tươi (bóc vỏ, say nhỏ): 15g (khoảng 3 thìa cà phê)
- Bột gạo tẻ: 20g (khoảng 4 thìa cà phê)
- Bột đậu xanh: 10g (khoảng 2 thìa cà phê)
- Dầu ăn/mỡ (loại cho trẻ): 1 thìa cà phê
- Nước: 1 bát ăn cơm
Bột đậu xanh:
- Bột đậu xanh: 10g (2 thìa cà phê)
- Bột gạo tẻ: 15g (3 thìa cà phê)
- Bí đỏ: cắt 4 miếng nhỏ, say nhuyễn
- Dầu ăn/mỡ (loại cho trẻ): 1 thìa cà phê
- Nước: 1 bát ăn cơm
Bột thịt:
- Thịt nạc: 10g (2 thìa cà phê)
- Bột gạo tẻ: 20g (4 thìa cà phê)
- Dầu ăn/mỡ (loại cho trẻ): 1 thìa cà phê
- Nước: 1 bát ăn cơm
- Rau xanh: xay nhỏ (2 thìa cà phê)
Bột trứng:
- Trứng gà: 1 lòng đỏ (có thể thay bằng 4 lòng đỏ trứng chim cút), khoảng 10g
- Bột gạo tẻ: 20g (4 thìa cà phê)
- Rau xanh: giã/xay nhỏ (2 thìa cà phê)
- Nước: 1 bát con
Bột cá:
- Cá quả (bỏ hết xương): 10gam (tương đương 2 thìa cà phê)
- Bột gạo tẻ: 20gam (tương đương 4 thìa cà phê)
- Mỡ (dầu ăn): 1 thìa cà phê.
- Rau xanh giã nhỏ: 2 thìa cà phê.
- Nước: 1 bát con
4. Nấu bột ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi: các lưu ý dành cho bố mẹ
- Bắt đầu việc ăn dặm cho bé với các loại rau củ như súp lơ, cà chua, khoai tây…, đồng thời quan sát phản ứng của bé để tránh trường hợp bé bị dị ứng thức ăn mà bố mẹ không biết.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau khi chế biến
- Đảm bảo thức ăn đủ chín, không chín quá để tránh mất chất dinh dưỡng
- Nên sử dụng vải lọc hoặc rây thay vì máy xay để đảm bảo nguyên vẹn vị tươi ngon của đồ ăn
- Hạn chế sử dụng bột ăn dặm cho bé 6 tháng ở dạng đóng hộp, vì có thể dễ khiến bé bị nhiễm độc chì
- Đa dạng các loại bột trong thực đơn ăn dặm hàng ngày của bé
- Trộn các loại hạt xay nhuyễn, nấu chín cùng bột để cung cấp thêm dinh dưỡng cho bé
Mong rằng bài viết này của chúng tôi sẽ mang đến cho bố mẹ những thông tin bổ ích, giúp bố mẹ có thêm nhiều kiến thức trước khi cho con bước vào giai đoạn mới mang tên “ăn dặm”. Bố mẹ hãy tìm hiểu và chịu khó đa dạng thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi để đảm bảo bé ăn đủ no, đủ chất và ngon miệng nhé!
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily