Trẻ bị suy giảm miễn dịch có sao không?
Trẻ bị suy giảm miễn dịch khi cơ thể giảm khả năng chống lại tác nhân gây hại từ bên ngoài. Hệ miễn dịch gồm nhiều thành phần như bạch cầu, lympho, hạch, tủy xương và lá lách. Chúng phân chia nhiệm vụ để tạo đề kháng bảo vệ cơ thể trước yếu tố gây hại như virus hay vi khuẩn. Nếu một hoặc nhiều trong số các thành phần này bị tổn thương sẽ khiến hệ miễn dịch suy giảm.
Trẻ sau sáu tháng, khi bắt đầu cai sữa, là thời điểm dễ bị suy giảm miễn dịch nhất. Lúc này, bé rất dễ bị những căn bệnh nguy hiểm tấn công. Vì vậy, bài viết này sẽ giới thiệu đến bạn đọc cách chăm sóc trẻ khi hệ miễn dịch bị suy giảm.
Nguyên nhân khiến trẻ bị suy giảm miễn dịch
Trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh
Rối loạn di truyền
Những bất thường trong bộ gen được thừa hưởng từ cha hoặc mẹ có suy giảm hệ miễn dịch cũng khiến đứa trẻ sinh ra dễ mắc nhiễm trùng hơn những đứa trẻ sinh ra từ cha mẹ bình thường.
Các rối loạn trong việc sản xuất các tế bào miễn dịch
- Sự thiếu thiếu hụt tế bào B
- Thiếu hụt tế bào T
- Thiếu hụt kết hợp cả hai loại tế bào B và tế bào T
- Khiếm khuyết thực bào
- Thiếu hụt bổ thể
- Giảm gamma globulin trong máu
- Không xác định (vô căn)
Trẻ bị suy giảm miễn dịch mắc phải
Nhiễm HIV/AIDS
Virus HIV kí sinh và gây tổn thương trực tiếp trên hệ miễn dịch của con người. Số lượng tế bào miễn dịch suy giảm nghiêm trọng. Cơ thể không chống đỡ được các bệnh nhiễm trùng thông thường nên dễ suy kiệt, tử vong.
Dùng corticoid, thuốc chống thải ghép, thuốc hóa trị ung thư
Các loại thuốc này làm ức chế khả năng hoạt động của các tế bào miễn dịch cũng như khả năng kích hoạt xảy ra phản ứng chống lại quá trình viêm nhiễm.
Mắc bệnh đái tháo đường
Tình trạng tăng đường huyết kéo dài hoặc bệnh lý đái tháo đường không kiểm soát tốt là yếu tố thuận lợi gây nhiễm trùng kéo dài.
Hội chứng thận hư, sau phẫu thuật cắt lách, suy dinh dưỡng, suy kiệt
Đây là các tình trạng làm suy giảm nghiêm trọng số lượng tế bào miễn dịch trong máu. Cơ chế không được tạo ra, tạo ra không đủ số lượng, không hiệu quả, không đảm bảo chức năng hoặc bị thất thoát mất ra ngoài.
Dấu hiệu trẻ bị suy giảm miễn dịch
Nhiễm trùng là biểu hiện nổi bật nhất của hội chứng suy giảm miễn dịch. Bởi đây là chức năng cơ bản của hệ miễn dịch mà nay không còn giữ vững được. Đặc điểm của nhiễm trùng trên người bị suy giảm miễn dịch khác biệt so với người bình thường là tần suất cao hơn, thời gian ủ bệnh ngắn hơn, thời gian toàn phát kéo dài hơn và mức độ luôn nặng nề hơn.
Nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất cứ hệ thống cơ quan nào và đôi khi xảy ra cùng lúc trên nhiều hệ cơ quan. Nó dễ khiến cơ thể suy sụp nhanh chóng. Các triệu chứng nhiễm trùng theo hệ cơ quan là:
- Hệ hô hấp: sốt cao, khó thở, đau ngực, khò khè, ho khạc đờm kéo dài…
- Hệ tim mạch: đau ngực, khó thở khi nằm đầu thấp hoặc khi gắng sức, hồi hộp, tim đập nhanh…
- Hệ tiêu hóa: tiêu chảy, tiêu phân sống, tiêu máu, đau bụng, buồn nôn – nôn ói…
- Hệ bài tiết: tiểu buốt, tiểu đục, tiểu mủ, đau hạ vị, đau hông lưng…
- Hệ thần kinh: lừ đừ, chậm chạp, yếu liệt tay chân, co giật, hôn mê…
- Da niêm: sang thương da, bóng nước, viêm loét, chảy mủ…
Ngoài ra, tình trạng nhiễm trùng kéo dài làm bé cảm thấy
- Xanh xao
- Thiếu máu
- Nổi hạch toàn thân
- Mệt mỏi
- Gầy ốm
- Suy kiệt
- Không thể tự sinh hoạt, chăm sóc được cho bản thân mình.
Nếu tình trạng này không khống chế được, nhiễm trùng gây ức chế hoạt động các cơ quan và cuối cùng dẫn đến tử vong.
Chăm sóc và điều trị cho trẻ bị suy giảm miễn dịch
Khi cơ thể bị nhiễm trùng với các đặc điểm như trên cần nghi ngờ bé đã bị suy giảm miễn dịch. Đưa bé đến các trung tâm chăm sóc y tế chuyên sâu để được khám và điều trị kịp thời.
Việc sử dụng kháng sinh là bắt buộc. Bác sĩ sẽ chỉ định loại kháng sinh thích hợp, liều cao và dùng đường tiêm truyền để nhanh chóng đạt nồng độ điều trị trong máu. Đôi khi cần phối hợp hai hay nhiều nhóm kháng sinh cùng lúc, với các cơ chế khác nhau nhằm tiêu diệt bao phủ các chủng vi trùng.
Bên cạnh đó, bé cũng được điều trị nâng đỡ như đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ năng lượng, bù nước và điện giải, vệ sinh cơ thể và nghỉ dưỡng hợp lý. Mọi hoạt động sống và chữa bệnh của các đối tượng này cần diễn ra trong môi trường sạch khuẩn. Thức ăn, trang phục cho bé cũng được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi dùng. Thực hiện được như vậy mới mong diệt được tận gốc vi trùng, khôi phục sức khỏe.
Phòng ngừa trẻ bị suy giảm miễn dịch
Suy giảm miễn dịch có thể với cả những trẻ khỏe mạnh. Tuy nhiên, tỷ lệ những trẻ này mắc phải là không cao. Vì vậy bố mẹ cần chú ý tăng cường và duy trì sức đề kháng cho bé luôn trong trạng thái tốt nhất. Những điều bố mẹ có thể giúp bé như:
- Bổ sung các thực phẩm giảu vitamin như thịt, cá, trứng, sữa, rau sinh, hạt nguyên cám, đậu.
- Cho trẻ vận động ngoài trời tối thiểu 15 phút mỗi ngày. Lưu ý nên chọn khung giờ từ 6h-8h hoặc 16h-18h.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các chất có hại như khói xe, khói thuốc, chất kích thích,…
- Tập cho trẻ ngủ sớm trước 10h giờ. Trẻ nhỏ cần ngủ từ 8-9h mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe toàn diện.
- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho bé theo tư vấn của bác sĩ.
- Cho bé khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi 3 năm nhằm ngăn ngừa những bệnh tiềm ẩn.
Lời kết
Trẻ bị suy giảm miễn dịch rất cần sự chăm sóc chu đáo từ gia đình. Bảo vệ trẻ trước các tác nhân gây bệnh khác là việc vô cùng quan trọng. Chỉ một cái ho của cảm cúm thông thường lúc này cũng sẽ rất nguy hiểm với trẻ. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên chú ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho bé. Chúc bé và gia đình khỏe mạnh.
Đừng quên ghé thăm Medplus.vn thường xuyên để cập nhật những kiến thức về sức khỏe dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhé.
Xem thêm các bài viết khác về sức khỏe trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh tại:
- Trẻ bị suy nhược cơ thể có sao không? – Những điều phụ huynh cần biết
- Trẻ nhỏ bị sốt rét có sao không? – Những điều phụ huynh cần biết
- Trẻ nhỏ bị đau đầu có sao không? – Những điều bố mẹ cần biết
Nguồn: Tham khảo