Tình trạng trẻ mọc răng bị sốt và đi ngoài khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Vậy lúc này, bố mẹ phải làm sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Theo nghiên cứu, đa số những bố mẹ lần đầu chăm sóc trẻ sơ sinh thường không nhận biết được những biểu hiện ở trẻ khi con lần đầu mọc răng, và cũng không biết nên chăm sóc trẻ như thế nào cho hợp lý. Do đó, khi thấy trẻ mọc răng bị sốt và đi ngoài, thắc mắc chung của nhiều bố mẹ là: “Trẻ em mọc răng bị sốt phải làm sao?” và liệu trẻ vừa sốt vừa đi ngoài có phải là dấu hiệu nguy hiểm?
Răng sữa của trẻ sơ sinh thường sẽ mọc vào thời điểm con được khoảng 6 tháng tuổi, nhưng cũng có những trẻ mọc răng sớm hơn. Tuy nhiên, trẻ khi được 24 tháng tuổi gần như đã có đầy đủ bộ răng sữa hoàn thiện.
Những dấu hiệu đi kèm với tình trạng trẻ bị sốt mọc răng
Khi mọc răng, nhiều trẻ có thể chỉ sốt nhẹ hoặc không sốt. Điều này phụ thuộc vào đặc điểm thể chất của mỗi trẻ. Tuy nhiên, có một vài dấu hiệu mà bố mẹ có thể dễ dàng nhận biết khi trẻ mọc răng như:
- Trẻ chảy nước dãi liên tục.
- Lúc nào trẻ cũng muốn gặm hay cắn một vật gì đó nhằm giảm bớt những cơn khó chịu khi mọc răng.
- Nướu trẻ sưng đỏ hơn so với bình thường. Bố mẹ có thể kiểm tra bằn cách rửa tay sạch sẽ rồi xoa nhẹ lên đầu nướu của trẻ (lúc này sẽ có cảm giác cứng hơn so với mọi ngày).
- Trẻ bú nhiều hơn về đêm. Vào ban đêm, trẻ thường sẽ đau nướu nhiều hơn so với ban ngày nên sẽ muốn cắn và gặm nhiều hơn,
- Trẻ đau tai (đối với trường hợp răng mọc ở vị trí bên trong).
- Thói quen ăn uống của trẻ thay đổi: thích ăn đồ cứng hơn (ví dụ bình thường ăn cháo nhưng bỗng chuyển sang thích ăn cơm hay ăn những đồ ăn cứng hơn).
Trẻ bị sốt mọc răng phải làm sao?
Khi thấy những biểu hiện trẻ mọc răng bị sốt, bố mẹ nên chú ý theo dõi con thật sát sao và thường xuyên cặp nhiệt độ để đo thân nhiệt cho bé. Phần lớn những cơn sốt mọc răng thường không quá nghiêm trọng nên các bác sĩ và chuyên gia không khuyến khích bố mẹ lạm dụng thuốc hạ sốt. Vậy, trẻ bị sốt khi mọc răng phải làm sao?
Những bước cơ bản bố mẹ cần thực hiện khi con bị sốt mọc răng bao gồm:
- Thường xuyên cặp nhiệt độ để kiểm tra thân nhiệt của con.
- Lau người trẻ bằng khăn ướt ở nhiệt độ bình thường để con cảm thấy dễ chịu hơn.
- Với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, hãy tăng cường cho con uống nhiều nước. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ có thể tăng các cữ bú trong ngày của con.
1. Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C
Trong trường hợp trẻ sốt dưới 38,5 độ C, bố mẹ chưa cần cho con uống thuốc hạ sốt. Thay vào đó, hãy thực hiện một số biện pháp giúp hạ nhiệt cơ thể cho con như:
- Chườm người trẻ bằng nước ấm, đặc biệt là lau tại các vị trí cổ, nách và bẹn của trẻ.
- Cởi bỏ bớt quần áo trên người con, thay bằng những bộ quần áo thoáng mát hơn để hơi nhiệt nóng có thể dễ dàng thoát ra bên ngoài.
- Cho trẻ bú nhiều hơn để tránh tình trạng con bị thiếu nước, mệt và đói.
2. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C
Nếu đã thực hiện những biện pháp trên nhưng bố mẹ vẫn chưa thấy sự tiến triển ở trẻ, con vẫn không có những biểu hiện tốt hơn như thân nhiệt tiếp tục tăng (trên 38,5 độ C), quấy khóc nhiều hơn, không chịu bú hay ăn uống… thì hãy đưa trẻ tới khám bác sĩ để được thăm khám và đưa ra phương pháp chữa trị hiệu quả, kịp thời.
3. Những lưu ý khác
Ngoài việc chăm sóc khi trẻ bị sốt như trên, bố mẹ cũng cần lưu ý những điều sau:
- Vệ sinh sạch sẽ tay rồi dùng ngón tay nhẹ nhàng mát xa nướu của trẻ, có thể dùng một số loại ngậm nướu lạnh dành riêng cho trẻ nhỏ để con gặm.
- Nếu trẻ thích đồ ăn cứng, bố mẹ có thể chế biến thức ăn dưới dạng thanh, miếng dài vừa tay trẻ để con có thể tự mình cầm gặm.
- Các chuyên gia và bác sĩ Nhi khoa cũng khuyến cáo bố mẹ cần chú ý giữ gìn vệ sinh răng miệng cho con thật tốt bằng cách thường xuyên dùng khăn mềm đã được giặt sạch để lau sạch nước miếng chảy quanh miệng trẻ.
- Sau khi cho trẻ bú hoặc ăn dặm, hãy lau sạch nướu cho con bằng cách sử dụng miếng gạc hoặc vải mềm nhúng nước sạch, sau đó quấn quanh ngón tay của bố mẹ để nhẹ nhàng lau và mát xa nướu cho trẻ.
- Cho trẻ uống một chút nước lọc sau khi ăn dặm để làm sạch miệng cũng như vùng nướu của con.
- Tuyệt đối không để những loại đồ vật hay đồ chơi có hình dạng vuông và sắc cạnh ở trong tầm với của trẻ vì ở giai đoạn này, con thường rất hiếu động và có thể gặm, nhai bất cứ vật gì con cầm trên tay. Do vậy những loại đồ vật có hình dạng như vậy sẽ dễ làm tổn thương nướu của trẻ.
- Đối với những trẻ đang ăn dặm, hãy cho trẻ ăn những đồ ăn mát, để nguội và dễ nuốt.
Ngoài ra, nếu trẻ uống sữa công thức, bố mẹ cũng nên cho con uống nhiều sữa hơn. Khi pha sữa cho trẻ, bố mẹ nên lưu ý không nên pha quá nóng. Hãy pha nguội một chút để có thể làm mát vùng lợi đang sưng trong miệng của trẻ.
Trẻ mọc răng bị sốt và đi ngoài có nguy hiểm hay không?
Bố mẹ nên theo dõi trẻ trong suốt thời kỳ mọc răng để nhận biết kịp thời các biểu hiện của con, tránh trường hợp con mắc các bệnh lý nguy hiểm khác.
Nếu chỉ sốt do mọc răng, trẻ sẽ có những biểu hiện như:
- Chỉ sốt nhẹ khoảng 37-38 độ C.
- Có cơn sốt nhưng không kèm theo triệu chứng tiêu chảy.
- Có thể quấy hơn bình thường nhưng những cơn quấy khóc và sốt chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn. Phần lớn trẻ sẽ chỉ bị sốt do mọc răng trong vòng 1 ngày, nhiều là 2-3 ngày.
- Không có dấu hiệu mệt lả, mất nước.
Tuy nhiên, nếu con có các biểu hiện như dưới đây thì rất có thể con đã mắc chứng bệnh khác:
- Sốt cao hơn 38 độ trong khoảng thời gian dài (kéo dài trên 2 ngày).
- Trẻ quấy khóc nhiều, không ăn, không chơi.
- Xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, nôn mửa.
- Trẻ bỏ ăn, ngủ li bì.
Lúc này, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán bệnh và chữa trị kịp thời.
Phân biệt trẻ tiêu chảy khi mọc răng với tiêu chảy do nhiễm khuẩn
1. Trẻ bị sốt và tiêu chảy do mọc răng
Trong giai đoạn mọc răng, trẻ thường đi ngoài nhiều lần trong một ngày. Lúc này, bố mẹ sẽ thấy những biểu hiện như phân lỏng, có thể có mùi chua, phân không quá nhầy hay kèm theo máu. Tình trạng trẻ đi ngoài do mọc răng thường kéo dài không quá 4 ngày và sẽ tự khỏi khi răng của con đã nhú lên khỏi nướu.
2. Trẻ tiêu chảy do nhiễm khuẩn
Nếu trẻ bị đi ngoài do nhiễm khuẩn hay mắc chứng rối loạn tiêu hóa không liên quan đến mọc răng, tình trạng tiêu chảy có thể kéo dài tới 1 tuần, thậm chí nhiều tuần. Bố mẹ sẽ thấy các dấu hiệu ở con như đi ngoài phân lỏng, phân có mùi tanh, chua, sủi bọt, có nhầy, thậm chí kèm theo cả máu.
Sốt mọc răng ở trẻ em là tình trạng diễn ra phổ biến ở trẻ nhỏ vào giai đoạn mọc răng. Tuy nhiên, nếu trẻ mọc răng bị sốt và đi ngoài, bố mẹ nên lưu ý về những biểu hiện đi kèm của con để nắm bắt rõ tình hình, từ đó đưa ra phương pháp hỗ trợ phù hợp. Hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích về việc trẻ mọc răng.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily