Khi trẻ sơ sinh liên tục quấy khóc và bố mẹ không thể dỗ dành, rất có thể đó là vì con đang bị đau bụng. Vậy nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh đau bụng quấy khóc là gì và bố mẹ nên hỗ trợ trẻ ra sao?
Triệu chứng của trẻ sơ sinh đau bụng quấy khóc
Mặc dù trẻ sơ sinh khóc quấy là tình trạng diễn ra khá phổ biến nhưng vẫn luôn khiến bố mẹ cảm thấy lo lắng. Nếu trẻ chỉ khóc hờn bình thường thì tình trạng này thường không kéo dài, lâu nhất chỉ khoảng 3 giờ mỗi ngày đối với trẻ khoảng 6 tuần tuổi và sau đó giảm xuống 1-2 giờ vào giai đoạn trẻ 3-4 tháng tuổi. Sau khi hết khóc hờn, trẻ sẽ chơi ngoan và đây không phải là điều gì đáng lo ngại.
Tuy nhiên, nếu trẻ khóc nhiều hơn bình thường thì rất có thể con đang cảm thấy không thoải mái hay gặp phải những tổn thương hoặc bệnh lý. Một trong số đó là đau bụng. Tình trạng trẻ sơ sinh bị đau bụng quấy khóc thường xuất hiện trong 3 tháng đầu đời. Khi trẻ bị đau bụng, bố mẹ sẽ có thể nhận thấy các triệu chứng sau:
- Trẻ gắt gỏng, khóc to và như thét lên vì đau đớn chứ không phải hờn dỗi.
- Trẻ có xu hướng khóc nhiều hơn vào buổi chiều tối hoặc buổi tối.
- Trẻ khóc ít nhất 3 giờ mỗi ngày, tình trạng kéo dài trong 3 ngày hay thậm chí là 1-3 tuần.
- Bố mẹ thường không thể dỗ dành trẻ khi con quấy khóc.
- Bụng trẻ cứng, căng phồng đầy hơi, tay nắm chặt hoặc cong người, có thể xì hơi khi khóc. Ngoài ra trẻ cũng có thể vặn vẹo và trên khuôn mặt tỏ rõ sự đau đớn, ví dụ như nhăn nhó, nhắm nghiền mắt…
- Trẻ ăn và ngủ kém hơn bình thường.
- Trẻ bị tiêu chảy.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh đau bụng
Dưới đây là một vài bệnh lý đường tiêu hóa có thể gây đau bụng ở trẻ sơ sinh:
Đầy hơi
Đối với trẻ sơ sinh, tình trạng đau bụng và đầy hơi thường đi đôi với nhau. Lý do khiến trẻ đầy hơi có thể là do trẻ:
- Bị vi khuẩn đường ruột.
- Vô tình nuốt không khí vào bụng trong khi bú mẹ.
- Không tiêu hóa hết lượng đường lactose từ sữa mẹ hoặc sữa công thức.
- Ảnh hưởng từ chế độ ăn uống của mẹ: Trẻ dễ bị đầy hơi chướng bụng hơn nếu mẹ ăn quá nhiều thực phẩm gây đầy hơi như các loại đậu, bắp cải, súp lơ, yến mạch, quả bơ… Nếu đang cho con bú, mẹ nên tham khảo lời khuyên từ bác sĩ về chế độ ăn uống của mình để tránh những thực phẩm có thể gây ảnh hưởng tới trẻ sơ sinh. Nếu trẻ uống sữa công thức, hãy hỏi ý kiến về loại sữa công thức phù hợp hơn.
Táo bón
Táo bón là một trong những loại rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất ở cả trẻ em và người lớn. Khi bị táo bón, trẻ đại tiện khó, thường vặn mình, đỏ mặt khi đại tiện, bụng đầy chướng và hơi phình, 3-5 ngày hoặc hơn con mới đại tiện. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị táo bón bao gồm:
- Nhu động ruột của trẻ còn kém.
- Ảnh hưởng từ chế độ ăn uống và sinh hoạt của mẹ (mẹ ăn quá nhiều đồ cay nóng, đồ khó tiêu, nhiều đạm, ăn ít chất xơ và ăn uống thiếu dinh dưỡng, chế độ ăn ngủ không hợp lý).
- Trẻ gặp vấn đề về đường tiêu hóa hoặc có các dị tật bẩm sinh, ví dụ như đại tràng bị phình to (bệnh Hipschsprung) hoặc bệnh suy giáp trạng (bệnh Myxoedeme).
Trào ngược dạ dày
Đối với trẻ sơ sinh, vòng cơ giữa thực quản và dạ dày (cơ thắt thực quản dưới) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Do đó, các chất cũng như thức ăn trong dạ dày dễ bị chảy ngược hơn. Trẻ có thể bị trào ngược dạ dày nếu có các dấu hiệu sau:
- Thở khò khè trong khoảng thời gian dài.
- Thường xuyên nôn.
- Nghẹn hoặc bịt miệng khi ăn dặm.
- Thường xuyên quấy khóc khi ăn, có triệu chứng đầy hơi, đau bụng.
Đau dạ dày
May mắn là đau dạ dày thường không xuất hiện bởi nguyên nhân nghiêm trọng nào đó. Tuy nhiên, bệnh đau dạ dày có thể gây đau đớn cho trẻ nên bố mẹ cần sớm đưa con tới gặp bác sĩ để sớm được khắc phục tình trạng.
Bố mẹ nên làm gì để xoa dịu cơn đau bụng của trẻ sơ sinh?
Đau bụng thường xảy ra phổ biến hơn khi trẻ bắt đầu ăn thức ăn đặc. Khi trẻ sơ sinh bị đau bụng, bố mẹ nên lưu ý không tự ý cho trẻ uống thuốc. Lúc này, hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt nên bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được đưa ra lời khuyên và phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể giúp xoa dịu cơn đau bụng của trẻ bằng cách:
- Loại bỏ các thực phẩm dễ gây táo bón ra khỏi chế độ ăn của mẹ và chế độ ăn dặm của trẻ.
- Cho trẻ tắm nước ấm.
- Thường xuyên mát-xa bụng cho trẻ (bố mẹ có thể đặt trẻ nằm sấp trên đầu gối của bố mẹ và xoa nhẹ nhàng lên lưng con).
- Bọc khăn giữ ấm cho trẻ, bố mẹ có thể quấn ủ trẻ trong một tấm chăn lớn và mỏng để bé cảm thấy an toàn và ấm áp.