A. Thông tin về Trúc nhự
Trúc nhự, hay còn gọi là trúc nhị thanh, đạm trúc nhự, trúc nhự. Trúc nhự có thể được lấy từ việc cưa thân tre thành từng đoạn bỏ đốt, sau đó cạo bỏ vỏ xanh, rồi cạo lấy lớp ở dưới gọi là nhị thanh trúc. Ngoài ra lá tre cũng có thể được dùng làm thuốc.
Tên khoa học: Caulis bambusae in Taeniam
Họ: Poacaea (Lúa)
1. Đặc điểm của cây
- Thân rạ hoá mộc có thể cao tới 10-18m, ít phân nhánh, rỗng trừ ở các mấu. Mỗi cây có chừng 30 đốt hay hơn. Lá có cuống dài chừng 5mm, phiến lá hình mác dài 7-16cm, rộng 1-2cm, mép nguyên, trên có gân song song, màu xanh nhạt.
- Cây tre cả đời chỉ ra hoa kết quả một lần. Hoa có 6 nhị. Sau khi ra hoa kết quả cây sẽ chết. Cho nên nhiều người thấy cây tre nhà mình ra hoa thì cho là độc. Sự thực đó chỉ là một hiện tượng sinh lý bình thường của cây tre.
2. Phân bố, thu hái và chế biến
- Cây tre mọc hoang và được trồng để lấy thân làm nhà, đan lát, lá dùng cho ngựa ăn hay làm thuốc.
- Lấy thân cây tre, cưa thành từng đoạn bỏ đốt, sau đó cạo bỏ vỏ xanh, rồi cạo lấy lớp ở dưới gọi là nhị thanh trúc nhự được coi là tốt nhất; sau lớp này có thể cạo lớp trắng vàng thành dải nữa nhưng người ta cho là chất lượng kém hơn. Có thể thu hoạch quanh năm, nhưng người ta cho hái vào thu đông tốt hơn cả.
- Lá tre cũng dùng làm thuốc: Hái tươi quanh năm.
3. Thành phần hoá học
Năm 1958, hệ dược thuộc Viện y học Bắc Kinh Trung Quốc có nghiên cứu trúc nhự của Trung Quốc nhưng cũng chưa tìm thấy chất gì đặc biệt cả; không thấy có phản ứng của ancaloit, của glucozit hay tanin.
B. Công dụng và liều dùng
1. Tính vị
Theo như ghi chép trong các sách cổ, trúc nhự vị ngọt, tính hơi lạnh, vào 3 kinh phế, vị và can.
2. Công dụng
Trúc nhự là một vị thuốc được dùng trong nhân dân từ lâu đời. Trúc nhự được ghi trong bộ “Thần nông bản thảo” (bộ sách thuốc cổ nhất cùa Trung Quốc) và trong bộ Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh Việt Nam (thế kỷ 14).
Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, trừ phiền, hết nôn, an thai. Dùng chữa vị nhiệt sinh nôn mửa, thượng tiêu phiền nhiệt, động thai. Thường dùng chữa sốt, buồn bực, nôn mửa, nôn ra máu, chảy máu cam, băng huyết, thanh nhiệt, mát huyết.
3. Liều dùng
Dùng thường: Tẩm nước gừng sao lên rồi mới dùng.
Ngày dùng 10 – 20g dưới dạng thuốc sắc. Dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
C. Đơn thuốc có trúc nhự, trúc diệp dùng trong nhân dân
1. Trúc diệp thạch cao thang
Trúc diệp 3g, thạch cao 12g, bán hạ 4g, nhân sâm 2g, cam thảo 1,5g, ngạnh mễ 7g, mạch môn đồng 8g, nuớc 600ml. Sắc còn 200ml, chia là 3 lần uống trong ngày. Chữa triệu chứng sốt cấp tính, miệng khô khát (Đơm thuốc của Trương Trọng Cảnh).
2. Chữa kinh nguyệt ra mãi không ngừng
Trúc nhự sao qua tán nhỏ, mồi lần dùng 12g, dùng nước nóng chiêu thuốc.
3. Chữa cảm, phù
Lá tre 30-50g sắc uống. Ngoài ra còn dùng rửa vết thương, trị viêm nhiễm.
D. Chú thích về Trúc nhự
Ngoài vị trúc nhự, cây tre, cây vầu còn cho ta vị trúc diệp là lá tre hay lá vầu non, còn cuộn tròn, có khi người ta còn gọi là trúc diệp quyển tâm (búp tre). Dùng tươi hay khô đều được, nhưng tươi thì tốt hơn. Dùng như trúc nhự hay có khi còn dùng nấu nước xông để giải cảm, giảm sốt.
Theo tài liệu cổ trúc diệp vị cay, nhạt, ngọt tính hàn, vào 2 kinh tâm và phế. Có tác dụng thanh thượng tiêu, phiền nhiệt, tiêu đòm chữa ho. Dùng chữa sốt khát nước, ho, suyễn, thổ huyết, trẻ con kinh phong.
Theo lài liệu cổ trúc lịch vị ngọt, tính đại hàn. Vào 3 kinh tâm, vị và đại tràng. Có tác dụng hoạt đờm, thanh hoả, nhuận táo, chi khát. Dùng chữa trúng phang cấm khẩu, đờm mê đại nhiệt, điên cuồng, kinh phong.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn cũng như một số công dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn tham khảo
Tracuuduoclieu.vn và các nguồn uy tín khác.