Dược liệu Uy linh tiên hay dây ruột gà thường được sử dụng để điều trị đau nhức xương khớp, chân tay tê bại, nấc cụt, vàng da do viêm gan ….Hôm nay medplus xin giới thiệu đến bạn đọc các công dụng cũng như bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé!
A. Thông tin Dược Liệu
Tên tiếng Việt: Uy linh tiên, Dây móc thông, Dây ruột gà
Tên khoa học: Clematis sinensis Osbeck
Họ: Mao lương (Ranunculaceae)
1. Đặc điểm thực vật
Uy linh tiên là loài thực vật thân nhỡ, nửa thân hóa gỗ và có xu hướng mọc trườn ra mặt đất hoặc bám vào các cây khác. Lá có hình trái xoan, tù ở cuống và nhọn ở mũi, lá thường có 3 phiến.
Hoa của cây mọc ở nách lá, màu trắng, quả hình bầu dục, bên ngoài có lông mềm. Cây ra hoa và sai quả vào tháng 6 – 10 hằng năm.
2. Bộ phận dùng
Rễ của cây được thu hái làm thuốc.
3. Phân bố
Uy linh tiên phân bố chủ yếu ở Trung Quốc. Hiện nay một vài địa phương phía Bắc ở nước ta có trồng loại cây này.
4. Thu hái – sơ chế
Có thể thu hái quanh năm vì uy linh tiên mọc rất nhiều rễ, mỗi cụm rễ có khoảng vài trăm sợi và chiều dài có khi lên đến 60cm. Tuy nhiên chỉ dùng loại rễ rậm dài, bề ngoài đen sẫm, bên trong có màu trắng và rắn chắc. Các loại rễ không đủ chất lượng thường không có đặc tính dược lý nên ít khi được sử dụng để làm thuốc.
Rễ sau khi hái về thường được rửa sạch, thái mỏng và đem phơi khô. Ngoài ra dược liệu còn được bào chế theo các cách sau:
- Rửa sạch rễ, loại bỏ rễ con và tạp chất. Sau đó ngâm rễ với nước cho đến khi mềm, vớt rễ ra để cho ráo rồi cắt thành từng khúc (dài khoảng 2cm). Đem rễ phơi khô dùng dần hoặc tẩm rượu, sao nhỏ với lửa cho khô hoàn toàn (theo Trung Y).
- Rễ sau khi rửa sạch đem ủ kín trong nửa ngày (khoảng 12 giờ đồng hồ), sau đó cắt khúc và đem phơi khô (theo kinh nghiệm Việt Nam).
- Ngoài ra có thể dùng rễ tẩm mật, gừng, giấm hoặc rượu, sao qua và để dùng dần.
5. Bảo quản
Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo, tránh nơi ẩm thấp và mối mọt.
B. Công Dụng và Cách Dùng Dược Liệu
1. Thành phần hóa học
Uy linh tiên chứa các thành phần hóa học như đường, phenol, saponin, oleanolic acid, sterol, anemonol, acid chrysophanic, anemonin, tannin, acid amin, acid hữu cơ…
2. Tính vị
- Vị mặn, cay, tính ôn.
- Vị đắng, tính ôn, không độc (theo Sách Khai bảo bản thảo).
- Vị cay, độc ít, tính ôn (theo Sách Bản kinh phùng nguyên).
3. Tác dụng dược lý
1. Theo Đông Y:
- Tác dụng thông kinh lạc, trừ phong thấp, chỉ tý thống và hành khí.
- Chủ trị: Đau nhức xương khớp, tiểu khó, tê bì chân tay,…
2. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng kháng histamine đối với cơ ruột ruột thỏ và có tác dụng lợi mật.
- Tác dụng bảo vệ tuyến yên, hạn chế tình trạng thiếu oxy và giảm nguy cơ thiếu máu cơ tim.
- Dược liệu có khả năng thư giãn nhờ vào khả năng kháng histamine.
- Thực nghiệm ở chó cho thấy nước sắc uy linh tiên có tác dụng tăng nhu động thực quản.
- Hoạt chất Anemonin trong dược liệu có tác dụng xung huyết niêm mạc và gây mụn phỏng ngoài da.
- Nước sắc từ rễ uy linh tiên có tác dụng ức chế trực khuẩn lị Shigella, tụ cầu vàng, nấm, vi khuẩn gram dương và gram âm.
4. Cách dùng – liều lượng
Uy linh tiên được dùng ở dạng điều trị tại chỗ, sắc uống, tán bột làm hoàn,… Có thể sử dụng dược liệu đơn lẻ hoặc phối hợp với các vị thuốc khác để gia tăng tác dụng. Mỗi ngày chỉ nên sử dụng từ 6 – 12g.
C. Các Bài thuốc trị bệnh từ Dược Liệu
1. Trị hóc xương cá với uy tinh tiên
- Cách 1: Dùng 30g dược liệu sắc đặc và uống với giấm.
- Cách 2: Chuẩn bị sa nhân 3g và uy linh tiên 10g, đem sắc và dùng nước uống.
2. Bài thuốc trị nấc cụt
- Chuẩn bị: Mật ong và uy linh tiên mỗi thứ 30g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc uống.
3. Bài thuốc trị táo bón, đại tiện khó và hỗ trợ điều trị bệnh trĩ
- Chuẩn bị: Nhũ hương, uy linh tiên và chỉ xác mỗi thứ 40g.
- Thực hiện: Tán bột và vo thành hoàn. Mỗi ngày dùng 12 – 16g uống cùng với nước cơm.
4. Bài thuốc trị lưng đau gối mỏi và đau nhức xương khớp do phong thấp
- Cách 1: Dùng 3 – 6g bột uy linh tiên uống với rượu ấm, ngày dùng 2 lần.
- Cách 2: Sử dụng quế tâm, đương quy và uy linh tiên sắc uống, giúp giảm đau lưng do té ngã hoặc phong thấp.
- Cách 3: Chuẩn bị khương hoạt, quế chi, phụ tử và uy linh tiên mỗi thứ 6g. Đem sắc uống hằng ngày để giảm đau lưng mỏi gối và viêm khớp mãn tính.
5. Bài thuốc trị sỏi mật
- Chuẩn bị: 30 – 60g uy linh tiên
- Thực hiện: Đem sắc uống hằng ngày
6. Bài thuốc trị chân tay co rút, viêm đa khớp và đau nhức xương khớp
- Chuẩn bị: Hoàng bá, hải phong đằng, uy linh tiên, phòng kỷ, đào nhân, nhũ hương, bạch chỉ, xuyên khung, độc hoạt và tần giao mỗi thứ 12g.
- Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày.
7. Bài thuốc trị vàng da do viêm gan cấp
- Chuẩn bị: Một lượng bột uy linh tiên.
- Thực hiện: Mỗi lần dùng 12g trộn với trứng gà, thêm dầu vừng và rán lên ăn. Ngày ăn 3 lần liên tục trong 3 ngày.
8. Bài thuốc trị ngứa da, chốc lở, chàm và hắc lào
- Cách 1: Dùng uy linh tiên giã nát, sau đó ngâm với rượu/ giấm trong 10 ngày và dùng nước thoa lên da.
- Cách 2: Dùng cành non của uy linh tiên giã nát, ngâm với cồn 700 và dùng nước bôi.
D. Lưu ý khi dùng Dược Liệu
Khi sử dụng dược liệu, bạn nên lưu ý những thông tin sau:
- Không nên dùng cho người huyết hư gân co và không phong thấp thực tả.
- Lá của cây có thể gây sưng da, sẹo tím và nổi mụn phỏng.
- Người suy nhược khí, huyết hư nên thận trọng khi dùng.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Uy Linh Tiên cũng như một số bài thuốc hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn , tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam