Dân gian một số nơi thường cho rằng các vết bầm tím trên da là do yếu tố tâm linh. Tuy nhiên, theo y học, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Các vết bầm tím trên da cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe hơn bạn nghĩ. Bài viết dưới đây Songkhoe.medplus.vn sẽ giúp bạn thay đổi suy nghĩ về các vết bầm xuất hiện trên cơ thể.
Vết bầm tím là gì ?
Vết bầm tím là thường là một chấn thương da phổ biến hoặc là kết quả của các mạch máu vận chuyển máu qua lại giữa tim, các mô và cơ quan của cơ thể bị vỡ. Mạch máu bị vỡ do tổn thương hay suy yếu khiến hồng cầu thoát ra khỏi thành mạch và thoái hóa, gây nên các mảng bầm đen, vàng, xanh mà y học còn gọi là tình trạng xuất huyết trên da. Thông thường, các vết bầm tím dưới da sẽ biến mất sau một vài tuần. Tuy nhiên đây cũng có thể dấu hiệu dễ nhầm lẫn với những chỉ dấu của các bệnh lý nguy hiểm.
Nguyên nhân xuất hiện các vết bầm tím
- Bầm tím có thể xảy ra ở một số người tập thể dục với cường độ mạnh. Chẳng hạn như các vận động viên điền kinh và cử tạ . Những vết bầm tím do hồng cầu thoát ra từ lỗ hỏng nhỏ trong các mạch máu dưới da gây ra.
- Bầm tím còn do rối loạn chảy máu. Đặc biệt nếu các vết bầm tím kèm theo chảy máu cam thường xuyên hoặc chảy máu nướu răng.
- Do va chạm vào cột giường hoặc vật thể gì đó.
- Lão hóa cũng là nguyên nhân gây bầm tím. Người cao tuổi thường xuyên có vết bầm vì da trở nên mỏng hơn vì tuổi tác. Các mô nâng đỡ mạch máu nằm bên dưới trở nên mỏng và yếu hơn.
- Những người sử dụng thuốc kháng đông máu cũng dễ có vết bầm hơn.
- Vết bầm ở mặt sau bàn tay và cánh tay do da mỏng và thường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Nếu cơ thể thường xuyên xuất hiện những mảng da bầm tím, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường tiến triển
- Thiếu chất dinh dưỡng (Vitamin B12,K,C,P) cũng là nguyên nhân gây nên các vết bầm.

Triệu chứng thông thường của các vết bầm tím
Các triệu chứng thường gặp của vết bầm tím bao gồm:
- Vết bầm mới có thể hơi đỏ, sau đó sẽ chuyển sang màu xanh hoặc màu tím đậm trong vòng một vài giờ và sẽ thành màu vàng hoặc xanh lá cây sau vài ngày khi vết bầm chuyển lành.
- Khi bạn chạm vào vết bầm có thể cảm thấy đau. Nó sẽ giảm dần khi các vết bầm mờ đi.

Một số phương pháp điều trị và phòng ngừa các vết bầm tím mà bạn nên biết
Vết bầm thường tự lành, nếu chúng không biến mất trong một vài tuần thì đó là lúc phải lo lắng. Dưới đây là một vài mẹo để giảm đau và tăng tốc quá trình chữa bệnh:
- Chườm lạnh bằng túi nước đá hoặc túi rau đông lạnh ở vùng da bị ảnh hưởng trong 20-30 phút để tăng tốc độ phục hồi và giảm sưng. Tuy nhiên, bạn đừng chườm đá trực tiếp lên da mà hãy quấn túi nước đá trong khăn.
- Sử dụng thuốc tan bầm tím theo chỉ định của bác sĩ. Tránh dùng aspirin hoặc ibuprofen vì chúng làm chậm đông máu và có thể kéo dài thời gian chảy máu;
- Dùng khăn ấm chườm lên vết bầm trong 10 phút hoặc lâu hơn sau khoảng 48 giờ bị thương, thực hiện 2-3 lần một ngày có thể làm tăng lưu lượng máu đến vùng thâm tím, giúp da hấp thu máu nhanh chóng hơn. Cuối cùng, các vết thâm sẽ mờ dần.
- Nâng chân lên cao càng nhiều càng tốt trong 24 giờ đầu tiên sau khi bị thương nếu các vết bầm tím chiếm một vùng da lớn ở chân hoặc bàn chân.

Ngoài các phương pháp điều trị thông thường, những mẹo đơn giản cũng có thể giúp giảm bầm tím. Chẳng hạn như massage vùng bị bầm tím nhẹ nhàng có thể giúp giảm đau và cải thiện lưu thông. Tuy nhiên, tránh xoa bóp vết bầm nếu đau. Nếu đau ở vết bầm tím, có thể dùng một số loại thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc acetaminophen (tylenol). Không uống thuốc khi bụng đói và đọc hướng dẫn cẩn thận trước khi sử dụng.
Bạn cần đến gặp bác sĩ khi
Bạn nên đến khám bác sĩ nếu có những dấu hiệu sau đây:
- Bầm tím khi đang dùng aspirin hoặc các thuốc kháng đông máu khác;
- Sưng và đau ở vùng bầm tím;
- Bầm tím xảy ra sau khi cú va chạm mạnh hoặc té ngã;
- Bầm tím xảy ra cùng với gãy xương;
- Bầm tím không cải thiện trong vòng hai tuần hoặc không cải thiện hoàn toàn sau ba hoặc bốn tuần;
- Bầm tím dưới móng tay và gây đau đớn;
- Bầm tím kèm theo chảy máu nướu răng, mũi hoặc miệng;
- Bầm tím kèm theo máu trong nước tiểu, phân và mắt;
- Bầm tím không rõ nguyên nhân, đặc biệt có tính định kỳ;
- Có bất kỳ vết bầm tím thâm đen trên đôi chân.
Đa phần các vết bầm trên da là lành tính, tuy nhiên, bạn cũng không nên coi thường bởi có thể rơi vào trường hợp bệnh lý nguy hiểm. Để biết nguyên nhân của vết bầm tím, bạn có thể đi khám trực tiếp bác sĩ để được chẩn đoán.
Nguồn: Hello Bacsi, Youmed, Vinmec