Cây Bình Vôi rất quen thuộc với chúng ta. Nhất là đối với người dân ở các vùng có nhiều rừng, núi đá vôi. Cây có nhiều công dụng trị bệnh. Cùng Medplus tìm hiểu về vị thuốc thần kỳ này nhé!
Thông tin cơ bản
Tên tiếng Việt: Bình vôi
Tên khoa học: Stephania rotunda Lour.
Tên đồng nghĩa: Stephania glabra (Roxb.) Miers
Họ: Menispermaceae (Tiết dê)
Đặc điểm cây
- Dây leo, thường xanh, sống lâu năm, dài 2-6 m. Thân nhẵn, hơi xoắn vặn.
- Rễ củ to, có thể nặng đến 50 kg, vỏ ngoài xù xì, màu nâu đen.
- Lá mọc so le, có cuống dài dính vào trong phiến khoảng 1/3, phiến lá mỏng, gần hình tròn có cạnh hoặc tam giác tròn, gân lá xuất phát từ chỗ dính ở cuống lá, hình chân vịt, nổi rõ ở mặt dưới lá, 2 mặt nhẵn, mép hơi lượn sóng.
- Cụm hoa mọc thành xim tán ở kẽ lá hoặc những cành già đã rụng lá; hoa đực và hoa cái khác gốc; hoa đực có 5-6 lá đài; 3-4 cánh hoa màu vàng cam, nhị 3-6, thường là 4; hoa cái có 1 lá đài, 2 cánh hoa, bầu hình trứng.
- Quả hạch, hình cầu, hơi dẹt màu đỏ khi chín; hạt cứng, hình móng ngựa có những hàng vấn ngang dạng gai, 2 mặt bên lõm, ở giữa không có lỗ thủng.
- Mùa hoa: tháng 4-6, mùa quả: tháng 8-10.
Nơi sống, thu hái và chế biến
Nơi sống
Cây phân bố rộng, ở châu Á cây có ở một số nước như Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc…
Tại Việt Nam, chúng ta có thể được bắt gặp ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, nhưng nhiều nhất là các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Ninh Bình, Lạng Sơn, Thanh Hóa…
Nó thường mọc ở rừng cây bụi hoặc có khi mọc ở hỏm đá. Ngoài ra, cây cũng được lựa chọn trồng trong nhiều gia đình do quan niệm phong thủy.
Cách thu hái, chế biến
Bộ phận dùng: Phần gốc thân phình thành củ của cây bình vôi.
- Rửa sạch củ, cạo vỏ, ngâm với rượu. Ngâm trong khoảng 1-2 tháng để các các dưỡng chất ngấm ra rượu. Dùng rượu để điều trị bệnh.
- Rửa sạch củ, cạo vỏ. Phơi khô củ hoặc tán thành bột để dùng làm thuốc.
- Dùng củ tươi ép lấy nước. Sau khi ép thì thêm nước vôi trong hoặc dung dịch cacbonat để kết tủa. Tiến hành lọc và sấy kết tủa thu được Rotudin thô. Pha Rotundin thô với dung dịch cồn hoặc axit sunfuric 5-10% nóng rồi lọc cặn. Bước tiếp theo là kết tinh dung dịch, thực hiện nhiều lần như vậy ta sẽ thu được Rotudin tinh khiết.
Bảo quản: Dược liệu sau khi bào chế cần bảo quản tại nơi thoáng mát, khô ráo để tránh ẩm mốc, mối mọt.
Thành phần hoá học và tác dụng dược lý
Rễ củ chứa alcaloid L – tetrahydropalmatin, cepharantin, cepharanolin, cepharamin… Ở Việt Nam có nhiều loài bình vôi khác nhau, do đó ở mỗi loài lại cho một số thành phần alcaloid khác nhau.
Trên thực nghiệm, chất L – tetrahydropalmatin của bình vôi và hỗn hợp alcaloid chiết xuất từ một số loài bình vôi có tác dụng an thần, chống co giật, hạ huyết áp, hạ sốt…
Tính vị: Dược liệu có vị đắng, tính lương, được quy vào hai kinh là Tỳ và Can.
Công dụng và những bài thuốc
Công dụng
Tác dụng chính của vị thuốc là trấn kinh, an thần, tuyên phế nên thường chủ trị các bệnh như: đau đầu, mất ngủ, ho ra đờm, ho lao, ho khan lâu ngày, hen suyễn, khó thở, trấn áp những cơn co thắt do tăng nhu động ruột, viêm dạ dày.
Bên cạnh đó, khi kết hợp với các loại dược liệu khác, cây bình vôi còn có tác dụng với những trường hợp bị mụn nhọt, lở loét, gout, cao huyết áp…
Những bài thuốc từ cây bình vôi
1. Nước sắc củ bình vôi khô có thể cải thiện các triệu chứng mất ngủ, đau đầu, suy nhược:
- Nguyên liệu: 3 – 6g Củ bình vôi phơi khô
- Cách làm: Rửa sạch củ bình vôi khô, đem sắc cùng 1 lít nước sạch trong 20 – 25 phút. Đun đến khi còn khoảng 500ml thì tắt bếp. Chia thuốc thành 2 phần dùng để uống trong ngày vào buổi sáng khi vừa thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Nên dùng ấm sẽ dễ uống hơn.
Lưu ý: với điều trị bệnh động kinh người bệnh nên dùng vào trưa và tối sau bữa ăn để thấy hiệu quả điều trị tốt nhất.
2. Ngâm rượu uống bồi bổ khí huyết:
- Nguyên liệu: Củ bình vôi đem phơi khô và rượu trắng 40 độ. Dùng với với tỉ lệ 1:5 tức 1kg bình vôi tương đương 5 lít rượu)
- Cách làm: Bình vôi đem rửa sạch, để ráo cho vào bình thuỷ rồi rượu vào đậy nắp kín. Để nơi thoáng mát. Nếu không định lượng được nguyên liệu bạn chỉ cần đảm bảo rượu đổ ngập hoặc gấp đôi củ bình vôi là được. Ngâm ít nhất 20 ngày thì đem ra sử dụng. Mỗi ngày dùng 3-4 lần, mỗi lần 1-2 chén 30ml.
Lưu ý: rượu bình vôi để càng lâu càng tốt. Nếu thấy rượu gần cạn bạn có thể bỏ thêm một đợt rượu mới, tiếp tục như vậy cho tới khi rượu không còn mùi từ củ bình vôi thì làm đợt rượu thuốc mới.
3. Trị mất ngủ:
- Nguyên liệu: Long nhãn, Hạt sen, Nhân hạt táo chua mỗi thứ 15g, lá vông 12g, củ bình vôi khô 8g
- Cách làm: Các nguyên liệu đem rửa hoặc ngâm lại với nước sạch rồi để ráo. Đem tất cả sắc dùng 1 lít nước sạch trong 20-25 phút. Đun trên lửa nhỏ đến khi chỉ còn khoảng 500ml nước thì tắt bếp.Chia thuốc thành 2 phần, dùng uống hết trong ngày vào buổi sáng hoặc tối.
4. Trị viêm loét dạ dày, tá tràng:
- Nguyên liệu: Củ bình vôi, lá khổ sâm, dạ cẩm, xa tiền tử mỗi nguyên liệu dùng 12g.
- Cách làm: Các nguyên liệu đem rửa sạch, sắc cùng 1 lít nước lọc đun trên lửa nhỏ cho đến khi cạn còn 1 nửa thì tắt bếp. Chia thuốc ra làm 2 phần dùng uống trong ngày để thấy những hiệu quả tốt nhất trong cải thiện bệnh.
5. Hỗ trợ điều trị gout
- Nguyên liệu: 2-3g bột tán từ củ bình vôi khô
- Cách làm: Dùng trực tiếp bột pha cùng nước ấm, ngày 2 lần. Kiên trì sử dụng mỗi ngày để thấy những hiệu quả điều trị tốt nhất.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo.
- Người bệnh không tự ý áp dụng.
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn: Tracuuduoclieu.vn