Chúng ta biết đến Xoài là một loại cây ăn trái rất phổ biến. Tuy nhiên, ít ai biết xoài có nhiều công dụng chữa bệnh hữu ích. Cùng Medplus tìm hiểu về những công dụng mà cây này đem lại nhé!
Thông tin cơ bản
Tên tiếng Việt: Xoài, Mãng quả, Mác moang (Tày)
Tên khoa học: Mangifera indica L.
Họ: Anacardiaceae (Đào lộn hột)
Đặc điểm cây
- Cây gỗ lớn, cao 10-20m, có tán rậm. Lá đơn, nguyên, mọc so le, phiến lá hình thuôn mũi mác, nhẵn, thơm.
- Hoa họp thành chùm kép ở ngọn cành. Hoa nhỏ, màu vàng, có 5 lá đài nhỏ, có lông ở mặt ngoài, 5 cánh hoa có tuyến mật, 5 nhị nhưng chỉ có 1-2 nhị sinh sản. Bầu trên, thường chỉ có một lá noãn chứa 1 noãn.
- Quả hạch chín màu vàng, thịt vàng, ngọt, thơm, nhân có xơ. Hạt rất to.
Nơi sống và thu hái
Gốc ở Ấn Độ, được trồng nhiều ở các xứ nhiệt đới. Ở nước ta, Xoài được trồng ở nhiều nơi. Có nhiều thứ khác nhau như Xoài tượng, Xoài cát, Xoài cơm, Xoài thanh ca, v.v.. có thể thu hái các bộ phận của cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Bộ phận dùng
Quả, hạch của quả, lá, vỏ thân – Fructus, Nux, Folium et Cortex Mangiferae Indicae.
Thành phần hoá học, tính vị
Thành phần hoá học
Quả chứa nhiều caroten và vitamin B1, B2 và C. Hạch quả chứa nhiều tinh bột, dầu và tanin. Lá chứa tanin và một hợp nhất flavonoid là mangiferin. Vỏ thân chứa 3% tanin và mangiferin.
Tính vị, công năng
- Quả, vỏ, lá có vị chua, ngọt, tính mát; hạch quả có vị chua, chát, tính bình.
- Quả có tác dụng thanh nhiệt tiêu trệ, ích vị, chỉ thổ, giải khát, lợi niệu.
- Hạt quả có tác dụng chỉ khái, kiện vị. Lá có tác dụng chỉ dương, hành khí sơ trệ, khu sa tích, lợi tiểu và có thể kháng nham.
- Vỏ thân có tác dụng thu liễm, sát trùng.
- Nhựa từ vỏ cây rỉ ra không mùi, có ví chát, đắng, hơi cay cũng có tác dụng như vỏ.
Công dụng và những bài thuốc
Công dụng
- Quả Xoài và hạch quả dùng trị ho, tiêu hóa không bình thường, sán khí. Thịt quả dùng trị bệnh hoại huyết và loạn óc. Hạch quả còn dùng trị giun, kiết lỵ và ỉa chảy. Vỏ quả dùng trị kiết lỵ.
- Lá dùng trị các bệnh phần trên đường hô hấp như ho, viêm phế quản mạn tính hay cấp tính, thủy thũng và dùng ngoài trị viêm da, ngứa ngáy ngoài da.
- Vỏ thân thường được dùng trị ho, đau sưng họng và đau răng. Nhựa từ vỏ dùng trị kiết lỵ, ỉa chảy và bệnh ngoài da, cũng dùng trị bạch đới, kinh nguyệt quá nhiều.
Những bài thuốc về xoài
1. Vỏ thân dùng chữa đau răng
Lấy 1 miếng vỏ bằng bàn tay, cạo vỏ ngoài rồi thái mỏng.
- Nếu dùng vỏ tươi thì giã nhỏ, vắt lấy nước, thêm tí muối để ngậm rồi nhổ nước, mỗi ngày 4-5 lần.
- Nếu dùng vỏ khô thì sắc lấy nước: đổ 2 bát nước đun sôi, giữ nước sôi kỹ trong nửa giờ, gạn lấy nước sắc, thêm vài hạt muối rồi ngậm. Mỗi lần ngậm chừng một chén con. Ngậm trong 10 phút, thỉnh thoảng súc sang hai bên má rồi nhổ đi. Ngậm 3-4 lần trong ngày, liên tiếp vài ba ngày
2. Tẩy giun
Nhân hạt xoài phối hợp với hạt chanh giã nát (mỗi thứ 10 – 20g) sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm một lần vào sáng sớm lúc đói để tẩy giun.
Có thể đùng dạng bột với liều uống mỗi ngày 1,5 – 2g.
3. Trị ghẻ lở
Nhựa trích từ vỏ thân cây xoài già, có vị chát, đắng, hơi cay, không mầu, trộn với dịch quả chanh với lượng bằng nhau, dùng bôi ngoài chữa ghẻ, hắc lào.
4. Trị ho, viêm họng; giải độc, hạ sốt
- Lá xoài chứa tanin và hoạt chất magiferin. Dùng loại lá bánh tẻ, thái nhỏ, phơi khô, sắc uống chữa ho, viêm họng.
- Lá và hạt xoài (lượng mỗi thứ 20g) giã nhỏ, rồi ủ đến khi chuyển mầu nâu, nấu nước uống lại là thuốc giải độc, hạ sốt, tiêu sưng.
5. Chữa cảm mạo, bạch đới, kinh nguyệt không đều; sưng lợi, lở loát chân răng
- Vỏ thân xoài được thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa xuân – hè.
- Đem vỏ cạo sạch lớp bẩn bên ngoài, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô, lấy 10-20g sắc uống làm hai lần trong ngày chữa sốt, cảm mạo, bạch đới, kinh nguyệt nhiều.
- Nếu sắc đặc để ngâm rửa lại chữa bệnh ngoài da hoặc ngậm rồi nhổ nước chữa sưng lợi, lở loét chân răng.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo.
- Người bệnh không tự ý áp dụng.
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn: Tracuuduoclieu.vn
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam