Bệnh dại là gì?
Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại là một bệnh do virus gây ra. Hầu như luôn gây tử vong sau khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Khoảng 99% trường hợp dại là do chó nhà lây truyền bệnh sang người.
Thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại (thường là chó, mèo, khỉ…). Đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người 100% đều dẫn đến tử vong.
Hiện tại không có cách điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm.
Bệnh dại là nguyên nhân gây khoảng hơn 70 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm, hầu hết các trường hợp bệnh dại ở Việt Nam do chó dại cắn.
Nguyên nhân gây ra bệnh dại
Nguyên nhân gây ra bệnh dại là do một loại vi khuẩn có tên là Rhabdovirus có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. Động vật nhiễm bệnh sẽ lây nhiễm bệnh dại cho động vật khác hoặc con người thông qua vết cắn.
Trong một vài trường hợp, bệnh dại có thể được lây nhiễm thông qua sự tiếp xúc nước bọt với vết thương hở, niêm mạc như niêm mạc mắt, mũi. Chẳng hạn như động vật bị nhiễm bệnh dại nhưng vẫn còn trong giai đoạn ủ bệnh liếm lên vết thương trên da bạn là bạn đã có thể bị nhiễm bệnh.
Có 2 chủng virus dại:
- Virus dại đường phố là virus dại tồn tại trên động vật bị bệnh
- Virus dại cố định (cố định thời gian ủ bệnh trên thỏ)
Yếu tố nguy cơ khác có thể gây bệnh dại ở người
Bạn đi đến hoặc sinh sống ở những đất nước kém phát triển, nơi bệnh dại phổ biến, bao gồm các quốc gia ở châu Phi và Đông Nam Á.
Những hoạt động tiếp xúc với động vật hoang dã mang mầm bệnh dại như thám hiểm hang động nơi có nhiều loài dinh sinh sống, hoặc đi cắm trại nhưng lại không đề phòng việc chỗ ở có nhiều động vật hoang dã sinh sống hay không.
Làm việc trong môi trường có nhiều vi khuẩn dại như nhân viên phòng thí nghiệm, bác sĩ thú ý, huấn luyện động vật hoang dã.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh dại
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000 – 70.000 người và hàng triệu loài động vật. Dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, 100% cả người bị cắn và vật cắn đều tử vong. Những người có nguy cơ mắc bệnh dại có thể bao gồm:
- Người tiếp xúc nhiều với động vật như nhân viên thú y, kiểm lâm, nhân viên làm việc trong phòng thí nghiệm có vi rút dại…
- Những người có sở thích du lịch thám hiểm ở các vùng có bệnh lưu hành cao như Đông Nam Á, Mexico, Trung và Nam Mỹ, Châu Phi.
Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh dại
Sau khi bị súc vật dại cắn, sẽ rơi vào thời kỳ ủ bệnh. Tức là thời gian không triệu chứng sau khi tiếp xúc với virus. Thời gian này trung bình từ 20 – 60 ngày, nhưng có thể chỉ vài ngày hoặc kéo dài hằng năm.
Vết cắn gần mặt sẽ nguy hiểm hơn, thời gian ủ bệnh sẽ ngắn hơn. Khi bệnh khởi phát, sẽ bước vào các giai đoạn sau:
Tiền triệu
Gồm nhiều triệu chứng tương đối mơ hồ: .
- Sốt.
- Mệt mỏi.
- Chán ăn.
- Đau đầu, đau cơ.
- Cảm giác đau, châm chích ở vết cắn.
- Thay đổi tâm thần kinh: lo lắng, mất ngủ, dễ cáu gắt, kích thích,…
Bùng phát
Có thể biểu hiện hai thể: Thể hung dữ (viêm não) và thể bại liệt.
Thể hung dữ
- Triệu chứng rầm rộ và tử vong nhanh chóng:
- Sợ nước, sợ âm thanh, dễ bị kích động.
- Co thắt cơ, co thắt hầu họng, co giật toàn thân.
- Ảo giác, mất định hướng …
- Cuối cùng sẽ dẫn đến hôn mê, ngưng tim ngưng thở và tử vong.
Thể bại liệt
- Bệnh nhân liệt tiến triển, dần ra toàn thân.
- Bí tiểu tiện, đại tiện,…
- Liệt các cơ hô hấp, cuối cùng cũng dẫn đến tử vong, tuy có chậm hơn thể hung dữ.
Bệnh dại có lây không?
Bệnh dại được lây nhiễm qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách. (hoặc qua màng niêm mạc còn nguyên vẹn) vào cơ thể. Từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương. Khi đến thần kinh trung ương, vi rút sinh sản rất nhanh rồi lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt. Tại thời điểm này, thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể vì thế nhìn bề ngoài con vật vẫn bình thường nhưng nước bọt đã có vi rút dại. Sau đó, vi rút dại hủy hoại dần các tế bào thần kinh làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh dại.
Bệnh dại có thể lây truyền từ người mắc sang người lành. Các nguy cơ do có tiếp xúc với nước bọt của người mắc bệnh thông qua vết cắn, hôn, qua da bị tổn thương. Qua niêm mạc, do sử dụng chung đồ ăn, vật dụng ăn uống có dính nước dãi của người mắc bệnh dại…
Lây nhiễm từ người sang người là không phổ biến. Và trên thế giới chỉ có 1 vài báo cáo mô tả tình huống mắc bệnh từ người sang người thông qua vết cắn.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh dại như thế nào?
Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Đặc biệt là các chứng sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng với các yếu tố dịch tễ học có liên quan.
Chẩn đoán xác định: xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (IFA) từ mô não. Hoặc phân lập vi rút trên chuột hay trên hệ thống nuôi cấy tế bào. Ngày nay, với kỹ thuật mới có thể phát hiện được ARN của vi rút dại bằng phản ứng PCR hoặc phản ứng RT-PCR.
Cách điều trị bệnh dại
Những người bị chó, mèo cắn phải thực hiện nghiêm ngặt nội dung sau:
- Rửa sạch vết thương bằng nước sạch hoặc xà phòng đặc 20%
- Bôi chất sát khuẩn: cồn iod đậm đặc để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn
- Không khâu vết thương. Chỉ khâu vết thương trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày
- Gây tê tại vết thương để ngăn cản sự tiến triển của virus.
- Tiêm vắc xin uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần.
- Sử dụng miễn dịch đặc hiệu để điều trị dự phòng tùy theo tình trạng súc vật, tình trạng vết cắn, tình hình bệnh ở súc vật trong vùng:
- Dùng vắc xin dại tế bào: Vắc xin phòng ngừa có tác dụng bảo vệ sau 2-8 tuần. Vắc xin dại tế bào là tốt nhất, đây là vắc xin an toàn và hiệu lực bảo vệ cao. Nước ta từ năm 1992 đã đưa vắc xin dại tế bào Verorab vào sử dụng.
- Dùng huyết thanh kháng dại (HTKD): Virus dại nhân lên trong cơ gần nơi bị nhiễm cho đến khi có đủ nồng độ nhiễm vào hệ thần kinh trung ương. Huyết thanh kháng dại có tác dụng trung hòa bớt virus, làm giảm nồng độ virus.
Hiệu quả điều trị dự phòng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: loại vắc xin, kỹ thuật tiêm, bảo quản sinh phẩm, đáp ứng miễn dịch của người bệnh. Việc giám sát, kiểm soát để thực hiện các nội dung chuyên môn là hết sức cần thiết.
Các phương pháp phòng ngừa bệnh dại
Trong điều kiện môi trường thuận lợi, virus gây bệnh dại có thể “ngủ đông” từ 3 đến 4 năm. Do đó, chúng ta cần phải chủ động ngăn ngừa từ trong trứng nước với những việc làm như sau:
- Chủ động tuyên truyền giáo dục sức khỏe: Cung cấp những thông tin cần thiết và cách phòng chống bệnh dại. Đặc biệt là việc phát hiện súc vật bị bệnh dại, cách xử lý sau khi bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc.
- Báo cáo với cơ quan thú y nơi có động vật bị bệnh dại.
- Thực hiện đăng ký, cấp giấy phép cho chủ nuôi chó, mèo; tiêm vắc xin dại có hiệu lực cho đàn chó, mèo đạt trên 85% trong quần thể súc vật nuôi.
- Những người có nguy cơ bị nhiễm vi rút dại như nhân viên thú y, kiểm lâm, làm việc trong phòng thí nghiệm có vi rút dại… cần được gây miễn dịch bằng vắc xin dại tế bào có hiệu lực bảo vệ cao và tiêm nhắc lại theo chỉ định của y tế.
- Tránh cho trẻ nhỏ chơi với động vật, nhất là chó, mèo đi lạc.
- Dạy trẻ tránh xa các động vật hoang dã như mèo, dơi, gấu trúc, chồn hôi, khỉ, cáo…
- Nhà có vật nuôi như chó, mèo cần chủ động tiêm chủng cho chúng, không cho chúng chạy rông bên ngoài vì rất dễ lây lan mầm bệnh.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Bệnh dại là một bệnh không điều trị được, vô cùng nguy hiểm và tử vong là chắc chắn. Nên quan trọng nhất là phòng ngừa bệnh và xử trí đúng đắn khi có nguy cơ bị nhiễm. Một điều khác quan trọng không kém là cần quản lý thú nuôi hợp lý, rọ mõm. Tránh thả rông và tiêm chủng cho chúng đầy đủ để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc căn bệnh tử thần này nhé.
Bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin cơ bản về bệnh dại. Hy vọng giúp bạn có thể bổ sung kiến thức nhằm phát hiện được bệnh sớm hoặc phòng tránh các nguy cơ tiềm ẩn. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể bằng lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn đang có các dấu hiệu trên hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời bạn nhé.
Các bài viết liên quan:
Nguồn tham khảo: Tổng hợp