Nếu bố mẹ động viên, khuyến khích trẻ cư xử tốt hoặc có những hành động tích cực, thì trẻ sẽ càng muốn cố gắng và luôn tìm cách cải thiện hành vi của mình. Những cách động viên tích cực của bố mẹ sẽ khuyến khích trẻ ngày càng tiến bộ và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Vì vậy, bố mẹ nhớ chú ý đến những hành động đẹp và những cách cư xử tốt của con để khen ngợi, thay vì chỉ áp dụng hình phạt cho những hành động sai nhé.
1. Làm gương cho trẻ
Trẻ nhỏ học chủ yếu bằng cách nhìn và bắt chước, nên những việc bố mẹ làm sẽ quan trọng hơn là những lời bố mẹ nói. Ví dụ: Nếu bố mẹ muốn trẻ ăn nói nhỏ nhẹ, thì bản thân bố mẹ hãy nói chuyện nhỏ nhẹ, lịch sự với những người xung quanh và cả với trẻ nữa.
2. Chia sẻ với con về cảm xúc của mình
Bố mẹ nên chia sẻ thật lòng về việc hành vi của trẻ ảnh hưởng tới mình như thế nào. Khi nói, bố mẹ nên đặt mình làm chủ ngữ trong câu, để trẻ nhìn sự việc từ góc độ của bố mẹ nhưng không cảm thấy quá nặng nề khi mang tâm lý tội lỗi “vì mình mà bố mẹ buồn”. Ví dụ, bố mẹ nên nói: “Bố/mẹ thấy hơi buồn vì có nhiều tiếng ồn quá, nên bố/mẹ không nghe thấy bà nói chuyện qua điện thoại con ạ”, thay vì “Con làm ồn khiến bố mẹ buồn quá!”.
3. Khen ngợi mỗi khi con có hành động đẹp
Hãy khen ngợi ngay khi trẻ có một hành động nào đó tốt hoặc hợp ý bố mẹ, để trẻ cảm thấy tự hào và tự tin, cũng như có động lực để trở nên tốt hơn mỗi ngày. Việc này rất hiệu quả để điều chỉnh hành vi, tạo thói quen tốt cho trẻ. Ví dụ: Khi bố mẹ muốn con để đồ chơi chơi gọn gàng, hãy nói: “Con chơi gọn gàng như vậy là giỏi lắm! Bố mẹ rất thích cách con sắp xếp các mảnh lego ở trong hộp đó!” từ lúc con bắt đầu chơi. Như thế sẽ tốt hơn nhiều so với việc chờ con đổ tung tóe ra rồi quát: “Này, cất ngay đi nhé!”.
4. Cúi hoặc ngồi xuống để ngang tầm với con
Khi ở khoảng cách gần với trẻ, thì bố mẹ có thể cảm nhận cảm xúc và suy nghĩ của trẻ dễ hơn, đồng thời, trẻ cũng tập trung hơn để nghe lời nói của bố mẹ. Vì vậy, bố mẹ hãy cúi hoặc ngồi xuống ngang tầm với trẻ mỗi khi khen ngợi, động viên khuyến khích hoặc góp ý nhé.
5. Lắng nghe chủ động
Chủ động lắng nghe trẻ tức là bố mẹ nên gật đầu khi trẻ nói, lặp lại những điều bố mẹ nghĩ về cảm xúc của trẻ. Ví dụ: “Vậy là con buồn vì mảnh ghép cuối cùng bị lạc đâu mất đúng không?”. Việc này giúp trẻ cảm thấy mình được an ủi và tôn trọng, giúp trẻ bớt căng thẳng, thất vọng, tức giận, từ đó giảm khả năng trẻ nổi nóng, khóc lóc, hoặc có những hành vi tiêu cực để giải tỏa.
6. Giữ lời hứa
Khi bố mẹ giữ lời hứa, trẻ sẽ tin tưởng, nể phục và tôn trọng bố mẹ hơn. Trẻ sẽ hiểu rằng, bố mẹ sẽ không bao giờ làm trẻ thất vọng khi đã hứa hẹn điều thú vị gì đó, và cũng sẽ áp dụng đúng những hình phạt đối với các hành vi sai.
7. Tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích trẻ cư xử tốt
Môi trường xung quanh có thể ảnh hưởng đến hành vi của trẻ, nên bố mẹ hãy tạo dựng một không gian an toàn, thuận tiện cho những cách hành xử đúng đắn của trẻ nhé! Ví dụ, cho trẻ một góc riêng để chơi, với nhiều đồ chơi giúp kích thích các giác quan; còn những đồ vật dễ vỡ, sắc nhọn thì phải được cất kỹ, ngoài tầm với.
Xem thêm bài viết:
- 15 bí quyết khuyến khích trẻ cư xử tốt (Phần 2)
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily