Cùng Medplus tìm hiểu về nguyên nhân và triệu chứng của bệnh dịch hạch bạn đọc nhé!
1. Bệnh dịch hạch là gì?
Bệnh dịch hạch là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người, nó chỉ đứng sau bệnh đậu mùa. Trong hàng trăm năm, nguyên nhân gây ra bệnh dịch hạch vẫn là điều bí ẩn và thậm chí nó bị che giấu trong những điều mê tín dị đoan. Nhưng dưới sự phát triển của khoa học, sự ra đời của kính hiển vi cuối cùng đã làm tiết lộ thủ phạm thực sử của căn bệnh chết người này. Năm 1894, Alexandre Yersin đã phát hiện ra loài vi khuẩn gây bệnh dịch hạch đó là Yersinia pestis.
Yersinia pestis là một loại vi khuẩn hình que cực kỳ độc hại, nó vô hiệu hóa hệ thống miễn dịch của vật chủ bằng cách tiêm chất độc vào trong các tế bào miễn dịch như đại thực bào, có nhiệm vụ phát hiện vi khuẩn xâm nhập. Một khi các tế bào này bị loại bỏ, vi khuẩn có thể nhân lên một cách nhanh chóng mà không bị cản trở.
2. Nguyên nhân bệnh dịch hạch là gì?
Nhiều loài động vật có vú nhỏ đóng vai trò là vật chủ của loại vi khuẩn này, bao gồm: chuột, sóc, sóc chuột, chó thảo nguyên, và thỏ. Trong một chu kỳ, Yersinia pestis có thể lưu hành với tốc độ thấp trong quần thể động vật gặm nhấm, hầu như nó không bị phát hiện vì không tạo ra dịch.
Từ lâu, chuột đã được coi là véc tơ chính của dịch hạch, vì nó có mối liên hệ mật thiết với con người. Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một con bọ chét sống trên chuột có tên là Xenopsylla cheopis, là nguyên nhân chủ yếu gây ra các trường hợp mắc bệnh dịch hạch ở người.
Khi loài gặm nhấm bị chết vì bệnh dịch hạch, bọ chét sẽ nhảy sang một vật chủ mới, có thể là con người và nó truyền vi khuẩn Y.pestis cho họ. Sự lây truyền bệnh cũng có thể xảy ra qua việc xử lý mô hoặc máu của động vật bị nhiễm bệnh dịch hạch hoặc hít phải những giọt dịch tiết bị nhiễm bệnh trong không khí.
3. Triệu chứng của bệnh dịch hạch
Bệnh dịch hạch gồm các thể bệnh: Thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và thể màng não. Trong đó thể thể hạch là thể hay gặp nhất lên tới 90% các trường hợp bệnh. Sau khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và có thời gian ủ bệnh trong khoảng từ 3-7 ngày.
Sau đó xuất hiện các triệu chứng khác nhau tương ứng với từng thể bệnh.
- Thể hạch: Sau thời gian ủ bệnh xuất hiện các triệu chứng giống như cúm bao gồm sốt cao đột ngột, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau bụng, mệt mỏi, ói mửa, tiêu chảy. Sau đó xuất hiện các dấu hiệu của nhiễm trùng, nhiễm độc và sưng hạch; Hạch sưng to bằng ngón tay hoặc hơn, rất đau, lúc đầu cứng chắc sau đó hạch mềm hóa mủ.
- Thể nhiễm khuẩn huyết: Đường xâm nhập có thể trực tiếp vào máu với các biểu hiện nhiễm khuẩn huyết ngay khi chưa có dấu hiệu sưng hạch hay từ thể hạch chuyển sang nếu không được điều trị.
- Biểu hiện người bệnh sốt cao đột ngột trên 40 độ C, kèm theo rét run, tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, vật vã, rối loạn tinh thần, hôn mê, là thể rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao, thường bệnh nhân chết trong vòng 3 – 5 ngày.
- Thể phổi: Đây là thể bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao do biến chứng phù phổi cấp, do lây nhiễm trực tiếp từ dịch tiết đường hô hấp của người bệnh và có thể lây lan thành dịch do đường lây qua đường hô hấp hoặc gặp trong giai đoạn tiến triển của thể hạch.
- Biểu hiện bệnh: Sốt cao, trên 40 độ, rét run kèm mệt mỏi, nhức đầu, mạch nhanh, huyết áp giảm, khó thở, thở nhanh nông. Ho nhiều, có đờm và máu, trong đờm người bệnh có chứa nhiều vi khuẩn là nguồn lây bệnh nguy hiểm.
- Thể viêm màng não: Xảy ra khi vi khuẩn vượt được qua hàng rào máu não vào gây bệnh, sau khi xuất hiện các biểu hiện của dịch hạch thể hạch, người bệnh có các biểu hiện như đau đầu, nôn vọt, tiêu chảy hoặc táo bón.
Bệnh dịch hạch có biểu hiện cấp tính, rất nguy hiểm do nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có nguy cơ tử vong rất cao.
4. Phòng ngừa bệnh dịch hạch
Phương pháp phòng bệnh dịch hạch được đẩy mạnh do tính chất nguy hiểm của bệnh và khả năng lây lan thành ổ dịch lớn. Các biện pháp phòng bệnh dịch hạch bao gồm:
- Đảm bảo an toàn thực phẩm, đồ ăn và nước uống phải được che đậy an toàn và được nấu chín trước khi ăn.
- Thường xuyên vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ tránh chuột chui rúc và làm tổ.
- Thực hiện các biện pháp diệt vật chủ trung gian gây bệnh bao gồm: Diệt chuột, bọ chét, phá hủy nơi sinh sản của chuột. Nhất là ở những địa phương có dịch hạch lưu hành.
- Không diệt chuột và bọ chét khi đang xảy ra dịch ở chuột và ở người.
- Khi phát hiện người bệnh dịch hạch: Cần đảm bảo tránh tiếp xúc với dịch tiết từ đường hô hấp của người bệnh qua đường hô hấp hay qua vết thương trên da.
- Vắc-xin phòng bệnh dịch hạch được dùng rộng rãi, tuy nhiên không thấy có chứng minh phòng được bệnh nên chỉ được dùng cho những người có nguy cơ cao như đi vào vùng dịch hoặc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh.
Tìm hiểu từ nguồn: Verywell Health
Như vậy, Medplus đã cung cấp cho bạn đọc đầy đủ thông tin hữu ích về bệnh dịch hạch, hy vọng bài đọc sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích, giúp bạn nâng cao tầm hiểu biết mà hạnh phúc hơn.
Bên cạnh đó, Medplus cũng cung cấp một số thông tin liên quan :