Có nên hút mũi cho trẻ sơ sinh không là vấn đề được nhiều bố mẹ quan tâm và thắc mắc, bởi mỗi khi thời tiết thay đổi, trẻ thường hay gặp những triệu chứng bệnh về đường hô hấp dẫn đến nghẹt mũi khó thở. Tuy nhiên, việc hút mũi cho bé phải được thực hiện đúng cách thì mới có hiệu quả và không làm tổn hại đến bé. Vậy hút mũi cho trẻ sơ sinh có sao không và khi nào thì nên hút mũi cho trẻ sơ sinh? Bố mẹ hãy cùng tham khảo những lời khuyên bổ ích trong bài viết dưới đây để chăm sóc mũi cho bé nhé!
Khi nào thì nên hút mũi cho trẻ sơ sinh?
1. Những trường hợp trẻ sơ sinh cần được hút mũi
Khi mắc các bệnh về đường hô hấp, bé dễ bị khó thở do các dịch nhầy và đờm tràn đầy trong khoang mũi và miệng. Các bé dưới 2 tuổi chưa biết cách để hỉ mũi để đẩy các loại dịch này ra bên ngoài nên việc hút mũi cho bé là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn cần chú ý nhận biết tình huống xem có nên hút mũi cho trẻ sơ sinh hay không, cụ thể:
- Trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi không có khả năng tự hỉ mũi, khạc đờm;
- Bé bị sốt cao, ở trong tình trạng co giật, có biểu hiện bị khó thở;
- Bé gặp vấn đề hô hấp nặng: ho có đờm, ngạt mũi, nhiễm khuẩn hô hấp trên,…
- Bác sĩ chỉ định hút mũi cho bé.
Hầu hết các bé lớn hơn 2 tuổi có thể tự ý thức và biết cách hỉ mũi cũng như khạc đờm theo hướng dẫn của bố mẹ. Thế nên bố mẹ chỉ nên hút mũi khi trẻ không ở trong trạng thái tỉnh táo, không thể tự làm những việc này để làm thoáng sạch đường thở.
2. Những dụng cụ hỗ trợ hút mũi ở trẻ sơ sinh
Ở bệnh viện, y tá thường sử dụng máy hút đờm cho các bệnh nhân bị viêm mũi. Tuy nhiên, lực hút của máy khá mạnh và có thể gây ra xuất huyết niêm mạc mũi sau khi sử dụng. Do đó, việc sử dụng máy hút mũi đờm cho trẻ phải có sự giám sát của nhân viên y tế.
Nếu trẻ không nhập viện thì có nên hút mũi cho bé sơ sinh tại nhà không? Câu trả lời là có nên, nhưng chỉ được thực hiện việc này với sự hướng dẫn của bác sĩ. Bố mẹ có thể sử dụng các dụng cụ chuyên dụng như ống bơm, dụng cụ hút mũi hình chữ U,…để hút mũi cho trẻ.
Vậy có nên hút mũi thường xuyên cho trẻ sơ sinh hay không? Câu trả lời là không. Bởi vì lạm dụng việc hút mũi cho trẻ có thể gây ra tổn thương ở niêm mạc mũi vốn đã rất mong manh của bé.
Cách hút mũi an toàn cho trẻ sơ sinh tại nhà
1. Hút mũi bằng ống bơm hút chuyên dụng
Bước 1
- Giữ đầu trẻ nghiêng sang một bên rồi nhỏ 1-2 giọt dung dịch nước muối sinh lý loãng vào mũi trẻ và cố gắng giữ dung dịch ít nhất khoảng 10 giây ở trong mũi trẻ.
Bước 2
- Trong 2-3 phút tiếp theo bố mẹ tiếp tục giữ đầu bé thấp xuống một chút để dung dịch nước muối có thể vào sâu trong mũi và làm loãng dịch nhầy để mũi trở nên thông thoáng và bé cảm thấy dễ thở hơn.
Bước 3
- Nhẹ nhàng bóp ống bơm hút để đẩy không khí ra ngoài ống và giữ nguyên, sau đó đặt ống bơm vào mũi bé sao cho bịt kín lỗ mũi rồi thả tay để tạo lực hút kéo dịch nhầy vào bụng ống bơm hút.
Bước 4
- Sau khi hút xong một bên mũi, bố mẹ làm sạch ống bơm hút rồi thực hiện tương tự với bên còn lại.
2. Hút mũi cho bé bằng dụng cụ hút hình chữ U
Bước 1
- Đặt đầu vòi hút lớn vào trong mũi bé. Đầu hút thon còn lại được ngăn cách với đầu hút trực tiếp từ mũi bằng một thân ống trụ để chứa chất nhầy sau khi hút ra.
Bước 2
- Bố mẹ hút đầu nhỏ còn lại và không cần lo lắng về việc dịch nhầy bị hút vào miệng do thiết kế đặc biệt của dụng cụ. Lượng dịch hút được phụ thuộc vào lực hút của bố mẹ.
Bước 3
- Sau khi hút mũi cho bé xong, bố mẹ cần vệ sinh dụng cụ bằng dung dịch sát khuẩn để đảm bảo sạch sẽ.
Một số lưu ý trước khi cân nhắc việc có nên hút mũi cho trẻ sơ sinh
Niêm mạc mũi của trẻ sơ sinh còn rất nhạy cảm, mỏng manh và dễ bị tổn thương. Thế nên trong quá trình hút mũi cho bé thì bố mẹ cần lưu ý những vấn đề sau đây:
- Trước và sau khi hút mũi cho trẻ, bố mẹ cần vệ sinh sát khuẩn vô trùng cho dụng cụ hút mũi bằng cách sử dụng nước muối pha loãng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Thực hiện các thao tác hút mũi và vệ sinh mũi cho bé thật nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương niêm mạc mũi của bé, dẫn đến các hiện tượng sưng đỏ và chảy máu mũi.
- Bố mẹ không nên hút mũi cho bé sơ sinh quá thường xuyên mà chỉ nên hút tối đa 2-3 lần/ngày.
- Không nên sử dụng dung dịch nước muối sinh lý trong 4 ngày liên tục bởi vì sử dụng quá nhiều nước muối sẽ khiến cho niêm mạc mũi của bé bị khô và vô tình khiến cho tình trạng viêm mũi trở nên trầm trọng hơn.
Mong rằng bài viết trên đã đem lại lời giải đáp cho thắc mắc rằng có nên hút mũi cho trẻ sơ sinh hay không. Hút mũi cho bé là việc khá đơn giản và có thể làm ở nhà, thế nhưng trong nhiều trường hợp, bố mẹ nên làm theo chỉ dẫn của bác sĩ là tốt nhất để có thể đảm bảo an toàn và hiệu quả cho bé.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily