Thanh long là một loại trái cây thuộc họ Cactaceae – một loài xương rồng. Loại trái cây này có màu hồng tươi và được biết đến với hương vị ngọt ngào, tươi mát với vẻ ngoài độc đáo cùng những chiếc vảy giống những chiếc lá nhỏ rải rác trên vỏ quả. Thịt của chúng có thể có màu hồng hoặc trắng, hạt đen dày đặc và nhỏ như hạt vừng.
Thanh long được trồng chủ yếu ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Tại Việt Nam, chúng được trồng nhiều ở các tỉnh như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang,… Quả thanh long có thể bổ sung lành mạnh và ngon miệng cho chế độ ăn uống của bạn, vì nó chứa vitamin, chất xơ, thậm chí cả sắt và chất béo có lợi (không phổ biến đối với một loại trái cây).
Vậy trong thanh long có những chất dinh dưỡng nào, hãy cùng Medplus tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Thành phần dinh dưỡng của thanh long
1.1. Carbohydrate
Thanh long là một loại thực phẩm tự nhiên ít calo, với hầu hết calo đến từ carbohydrate gồm hai loại: 13g đường tự nhiên và 5g chất xơ cho mỗi khẩu phần 170g tương đương với 18% lượng tiêu thụ hàng ngày được khuyến nghị.
Chỉ số đường huyết (GI) của thanh long chưa được ghi lại một cách chính xác. Tuy nhiên, một nghiên cứu ước tính chỉ số đường huyết của nó tương tự như của chuối – khoảng 48 đến 52,2. Trong khi thực phẩm có GI từ 55 trở lên được coi là thực phẩm có chỉ số đường huyết cao.
1.2. Chất béo
Có một lượng rất nhỏ chất béo trong thanh long. Hạt ăn được chứa axit béo omega-3, axit béo omega 6 và chất béo không bão hòa, tất cả đều là axit béo có lợi.
1.3. Chất đạm
Thanh long cung cấp một lượng nhỏ protein, khoảng 2g cho mỗi khẩu phần 170g.
1.4. Vitamin và các khoáng chất
Thanh long cung cấp vitamin C và vitamin B2, cùng với khoảng 17% lượng magiê được khuyến nghị tiêu thụ hàng ngày – một khoáng chất chịu trách nhiệm hỗ trợ hàng trăm phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Đồng thời chúng cũng chứa sắt, vitamin B3 và canxi.
2. Lợi ích sức khỏe
Giống như nhiều loại trái cây và rau quả, thanh long chứa chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. Dưới đây là một vài lợi ích mà chúng mang lại cho sức khỏe.
2.1. Giúp tạo và chữa lành các tế bào
Vitamin C (axit L-ascorbic) trong thanh long cần thiết cho cấu trúc xương, sụn, cơ và mạch máu tốt. Nó thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương và cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh tật.
Vitamin C phải được tiêu thụ trong chế độ ăn uống vì cơ thể chúng ta không thể tạo ra nó một cách tự nhiên. Vitamin C cũng hỗ trợ hấp thụ sắt, và thanh long là một trong những loại trái cây hiếm hoi có chứa một số chất sắt (khoảng 1mg cho mỗi khẩu phần 170g, hoặc 7% giá trị hàng ngày).
2.2. Giảm viêm
Thanh long rất giàu flavonoid (một chất chuyển hóa trung gian trong thực vật), một trong nhiều loại chất chống oxy hóa có thể giúp sửa chữa các tổn thương tế bào do stress oxy hóa và giảm viêm. Đồng thời, điều này có thể giúp cơ thể tránh khỏi một số bệnh mãn tính.
2.3. Cải thiện hệ tiêu hóa
Chất xơ giúp cải thiện hệ tiêu hóa, đồng thời giúp giảm cholesterol trong máu. Các hướng dẫn hiện tại của FDA khuyến nghị cần tiêu thụ 28g chất xơ mỗi ngày. Chất xơ cũng cung cấp nhiều lợi ích sức khỏe khác, bao gồm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, béo phì, bệnh tim mạch và tiểu đường.
2.4. Giúp quản lý lượng đường trong máu
Trong một vài nghiên cứu, thanh long có thể cải thiện lượng đường trong máu ở những người bị tiền tiểu đường. Nhiều nghiên cứu đã được đưa ra để kết luận rằng nó có khả năng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
3. Thanh long có thể gây dị ứng
Đã có một số báo cáo hạn chế về các phản ứng dị ứng với nước ép hoặc trái cây có chứa thanh long. Các triệu chứng được báo cáo bao gồm ngứa, sưng đỏ da và sưng quanh miệng.
Nếu bạn nghi ngờ bị dị ứng với chúng, hãy nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn để được chẩn đoán chính xác. Sốc phản vệ (một phản ứng dị ứng nghiêm trọng) có thể đe dọa tính mạng, vì vậy điều quan trọng là phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
4. Phản ứng ngược của thanh long đối với thuốc
Có một vài nghiên cứu đặt vấn đề liệu thanh long có gây phản ứng ngược với thuốc hay không. Họ khuyến cáo bệnh nhân nên gặp bác sĩ và trao đổi về phản ứng của thuốc nếu có xảy ra.
5. Các loại thanh long và mùa vụ của nó
Hiện nay có 3 loại thanh long được gieo trồng: ruột trắng vỏ hồng, ruột đỏ vỏ hồng và ruột trắng vỏ vàng. Chúng đều có hương vị và thành phần dinh dưỡng như nhau bất kể màu sắc.
Mùa của thanh long là từ mùa hè đến đầu mùa thu. Hãy tìm mua những quả có màu hồng tươi. Tránh những quả có cuống héo hoặc có những mảng màu nâu.
Nước ép thanh long có chứa các vitamin và khoáng chất quan trọng, nhưng nó không có chất xơ mà loại trái cây này cung cấp. Ngoài ra, một số thức uống từ thanh long thực sự là hỗn hợp của một số loại nước trái cây khác nhau và có thể cung cấp một lượng đường đáng kể.
6. Bảo quản thanh long
Thanh long khi chín có thể để ở nhiệt độ phòng trong vài ngày hoặc bảo quản trong tủ lạnh trong một túi nhựa. Chỉ nên cắt trái cây khi bạn ăn liền; sau khi cắt nên được bảo quản lạnh trong hộp kín. Chúng không nên được sử dụng khi chúng bắt đầu chuyển sang màu nâu hoặc bị nhão.
Thanh long là một loại trái cây không còn xa lạ với người Việt Nam, chúng giàu chất dinh dưỡng và các khoáng chất. Tuy nhiên có một vài lưu ý về thanh long khi sử dụng đã được nêu phía trên. Hãy chắc chắn rằng bạn không gặp phải vấn đề gì khi ăn chúng.
Nguồn tham khảo: Dragon Fruit Nutrition Facts and Health Benefits
Các bài viết liên quan: