Cách chữa táo bón lâu ngày tưởng chừng như rất khó nhưng lại vô cùng đơn giản. Chỉ với một vài sự thay đổi trong chế độ ăn uống và sinh hoạt thường ngày cũng có thể mang lại hiệu quả đáng kể.
Táo bón kéo dài không chỉ khiến người bệnh cảm thấy phiền toái, mà đôi khi còn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không có biện pháp xử lý thích hợp. Hãy cùng tham khảo một số cách chữa táo bón dưới đây để có thể sớm khắc phục tình trạng này nhé.
1. Cách chữa táo bón lâu ngày: Ăn nhiều chất xơ
Bổ sung thêm nhiều chất xơ vào chế độ ăn hằng ngày chính là việc đầu tiên nên làm đối với những người bị táo bón lâu ngày. Do chất xơ có vai trò quan trọng trong việc làm tăng khối lượng phân, đồng thời kéo nước vào phân để làm mềm và cải thiện độ đặc giúp phân đi qua hệ tiêu hóa nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Có nhiều loại chất xơ khác nhau, nhưng nhìn chung chúng được chia thành hai loại chính là chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Để ngăn ngừa táo bón, tổng lượng chất xơ được khuyến nghị mỗi ngày là khoảng 25g đối với nữ và 38g đối với nam.
Chất xơ có nhiều trong các loại thực phẩm như cám lúa mì, rau quả, trái cây, khoai lang, ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch, quả hạch, các loại hạt và các loại đậu,… Ngoài ra, người bị táo bón cũng có thể bổ sung lượng chất xơ cần thiết từ một số loại thực phẩm chức năng.
2. Uống nhiều nước
Hệ tiêu hóa của cơ thể cần phải có nước để đào thải mọi thứ ra bên ngoài. Mất nước thường xuyên có thể gây ra tình trạng táo bón. Vì vậy, một trong những cách chữa táo bón lâu ngày là nên duy trì thói quen uống đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày để bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể và nhanh chóng cải thiện tình trạng táo bón.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nước có ga có hiệu quả hơn so với nước lọc trong việc giảm chứng táo bón và khó tiêu. Tuy nhiên, uống nhiều thức uống có ga như nước ngọt có đường không phải là một ý kiến hay, vì chúng có thể gây hại cho sức khỏe.
3. Tập thể dục
Thường xuyên tập thể dục cũng là một cách chữa táo bón lâu ngày hiệu quả vì lối sống ít vận động là một trong những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc chứng táo bón. Tập thể dục sẽ giúp các cơ bên trong hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, từ đó phân có thể di chuyển trơn tru hơn.
Mặc dù tập thể dục không đảm bảo làm tăng số lần đi vệ sinh, tuy nhiên nó có thể hỗ trợ làm giảm một số triệu chứng của táo bón, giúp cho người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Bạn có thể thử tham gia một số bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đạp xe hoặc chạy bộ để khắc phục tình trạng táo bón. Hãy cố gắng duy trì việc luyện tập mỗi ngày sẽ nhanh chóng thấy được hiệu quả.
4. Dùng thuốc
Tương tự như hầu hết các bệnh lý tiêu hóa khác, táo bón cũng có thể điều trị bằng phương pháp dùng thuốc. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc để có thể lựa chọn được loại thuốc phù hợp.
Cách chữa táo bón lâu ngày bằng thuốc trị táo bón kê đơn
Nếu nguyên nhân bạn bị táo bón lâu ngày là do hội chứng ruột kích thích hoặc trường hợp táo bón vô căn mạn tính, bác sĩ có thể chỉ định một chất kích hoạt kênh clorua như lubiprostone để làm tăng lượng chất lỏng đi vào đường tiêu hóa. Điều đó có thể giúp giảm đau bụng, làm mềm phân và tăng số lần đi vệ sinh. Thuốc chủ vận guanylate cyclase-C cũng được dùng cho những bệnh nhân bị táo bón vô căn mạn tính để giúp việc đi vệ sinh diễn ra đều đặn hơn. Những thuốc này bao gồm linaclotide và plecanatide.
Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân gây táo bón mà bác sĩ có thể đề nghị một trong những loại thuốc sau:
- Misoprostol. Hoạt động như một chất kích thích để ruột hoạt động nhanh hơn, không nên dùng cho phụ nữ đang mang thai.
- Colchicine / probenecid. Giúp bạn đi vệ sinh nhiều hơn, những người có vấn đề về thận không được khuyến khích sử dụng thuốc này.
- OnabotulinumtoxinA. Hỗ trợ làm mềm phân và giảm đau khi đi ngoài, thường dùng để điều trị cho những người bị rối loạn chức năng sàn chậu.
Thuốc trị táo bón không kê đơn
Bên cạnh đó, một số loại thuốc nhuận tràng không kê đơn cũng là cách chữa táo bón lâu ngày hiệu quả:
- Thuốc nhuận tràng tạo khối hay còn gọi là thuốc bổ sung chất xơ: có tác dụng kéo nước từ ruột vào phân để làm mềm phân. Thông thường, các thuốc dạng bổ sung chất xơ sẽ mất tới vài ngày để phát huy được tác dụng, tuy nhiên chúng được xem là an toàn khi uống trong một thời gian dài. Một số loại có thể dùng là: canxi polycarbophil (fibercon), psyllium (metamucil, konsyl), sợi methylcellulose (citrucel), lúa mì dextrin (benefiber).
- Thuốc nhuận tràng làm trơn: giúp bao phủ một lớp bôi trơn lên phân để chúng dễ dàng di chuyển qua đường ruột và đào thải ra ngoài. Chất nhuận tràng bôi trơn phổ biến nhất là dầu khoáng dưới dạng thuốc xổ hoặc dung dịch uống.
- Thuốc nhuận tràng thẩm thấu. Có khả năng giữ nước trong ruột giúp bạn đi ngoài thường xuyên, đồng thời giữ cho phân mềm hơn. Một số chất thẩm thấu bao gồm: magie hydroxit (sữa magie), magie citrat, lactulose, sorbitol, polyethylene glycol, glycerin. Nên sử dụng cẩn thận ở những bệnh nhân bị suy tim hoặc suy thận vì nhóm thuốc này có thể gây mất nước và mất cân bằng khoáng chất.
- Thuốc nhuận tràng kích thích. Nếu các biện pháp khác không hiệu quả, có thể dùng loại thuốc này để kích thích các cơ quanh ruột co bóp và đẩy phân đi qua đại tràng. Thường dùng nhất là bisacodyl.
Mặc dù không thể phủ nhận hiệu quả mang lại, tuy nhiên sử dụng thuốc không phải là cách chữa táo bón lâu ngày được khuyến nghị. Bạn chỉ nên dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ và dùng trong thời gian ngắn. Tránh sử dụng các loại thuốc nhuận tràng quá lâu vì có thể dẫn đến tình trạng phụ thuộc thuốc hoặc làm mất đi các vitamin quan trọng của cơ thể.
5. Bổ sung probiotic
Probiotic (men vi sinh) theo định nghĩa là các vi khuẩn sống có lợi, chúng bao gồm bifidobacteria và lactobacillus. Khi lượng probiotics được đưa vào cơ thể đầy đủ sẽ tạo ra những tác động có lợi đối với sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hoá.
Trong quá trình tiêu hóa chất dinh dưỡng ở ruột, lợi khuẩn làm tăng độ nhớt cho khuôn phân nên khi nhu động ruột co bóp, phân dễ dàng bị đẩy ra ngoài. Probiotic còn có thể giúp kiểm soát thời gian vận chuyển các chất rắn trong đường ruột và làm tăng tần suất đi tiêu.
Chính vì thế, uống bổ sung hoặc ăn các loại thực phẩm chứa nhiều men vi sinh như sữa chua, kim chi, dưa muối,… có thể giúp điều trị và ngăn ngừa tình trạng táo bón kéo dài.
6. Cách chữa táo bón lâu ngày: Dùng cà phê hoặc đồ uống chứa caffeine
Cà phê được cho là có khả năng kích thích các cơ trong hệ tiêu hóa, do đó một số người có thể tăng cảm giác muốn đi vệ sinh sau khi uống cà phê. Trên thực tế, một nghiên cứu năm 1998 cho thấy uống cà phê chứa caffeine sẽ dẫn đến kích thích đường ruột tương đương như một bữa ăn có thể làm được. Tác dụng này mạnh hơn 60% so với uống nước lọc và 23% so với uống cà phê không chứa caffeine.
Bên cạnh đó, trong thành phần của cà phê có chứa một lượng nhỏ chất xơ hòa tan có tác dụng ngăn ngừa táo bón và cân bằng lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột.
Tuy vậy, nhưng bạn chỉ nên uống 1 – 2 cốc mỗi ngày để hỗ trợ điều trị táo bón. Lạm dụng cà phê có thể gây tác dụng ngược lại do cà phê cũng có tác dụng lợi tiểu, uống quá nhiều sẽ dẫn đến việc đi tiểu thường xuyên hơn. Điều đó có thể khiến cơ thể mất nước và gây ra táo bón.
Hy vọng với một số cách chữa táo bón lâu ngày mà bài viết đã nêu, tình trạng này không còn là nỗi lo lắng đối với nhiều người. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng táo bón kéo dài có thể ảnh hưởng rất nhiều đến công việc cũng như là cuộc sống. Vì vậy, song song với việc điều trị mỗi người cũng cần phải chủ động phòng ngừa táo bón bằng cách xây dựng những thói quen sinh hoạt tốt.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: 13 home remedies for constipation
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: