Tình trạng trẻ đánh nhau với anh chị em ruột xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là ở những gia đình có hai, ba con trở lên. Vậy đâu là cách ngăn trẻ đánh nhau với anh chị em hiệu quả?
Quan tâm tới nhu cầu của từng trẻ
Bố mẹ nên chú ý tới nhu cầu cũng như sở thích cá nhân của từng con. Bằng cách này, bố mẹ sẽ giúp con cảm nhận được rằng bố mẹ luôn yêu thương và tôn trọng tất cả các anh chị em trong gia đình. Để nuôi dưỡng cảm xúc tích cực này ở trẻ, bố mẹ nên dành thời gian riêng cho từng con để hỏi han và tâm sự. Bố mẹ cũng nên lưu ý không so sánh trẻ với anh chị em ruột của mình.
Mặc dù trẻ nhỏ cần được dạy để biết chia sẻ nhưng bố mẹ cũng có thể cho mỗi trẻ quyền sở hữu những đồ riêng tư của chỉnh mình như một ngăn kéo, một ngăn giá sách… nơi mà trẻ được toàn quyển sử dụng và không cần chia sẻ với anh chị em của mình.
Thiết lập các quy tắc
Tạo ra các quy tắc là một cách ngăn trẻ đánh nhau với anh chị em được khá nhiều bố mẹ áp dụng để các con không cảm thấy bố mẹ đang thiên vị hay phân biệt đối xử. Trong quá trình tạo ra các quy tắc, bố mẹ có thể cho các con cùng tham gia và đóng góp ý kiến, tránh áp đặt hoàn toàn các quy tắc và bắt các con phải thực hiện theo bố mẹ. Ví dụ, chị Bông xem tivi vào khung giờ từ 19h30 đến 20h, khung giờ từ 20h30-21h sẽ dành cho em Mun.
Hơn nữa, việc đặt ra các quy tắc có thể giúp bố mẹ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát các con. Sau khi đã có một bảng các quy tắc, nếu trẻ đã đủ lớn, bố mẹ có thể cho con tự viết và vẽ theo ý của mình, rồi sau đó dán bảng quy tắc lên những vị trí dễ thấy ở trong nhà. Bố mẹ cũng nên đặt ra hình phạt trong trường hợp trẻ không tuân thủ các quy tắc đó.
Luôn đảm bảo tính công bằng
Rất nhiều “cuộc chiến” giữa các con xảy ra khi con cảm thấy anh chị em của mình được bố mẹ ưu ái hơn. Do đó, bố mẹ nên đảm bảo tính công bằng trong việc đối xử cũng như cách chăm sóc các con của mình, chẳng hạn như:
- Chuẩn bị đủ số đồ chơi để các con có thể chơi cùng thay vì thay phiên nhau giành giật.
- Khi mua đồ riêng cho một trẻ, ví dụ như vào dịp sinh nhật, bố mẹ nên giải thích với những đứa trẻ còn lại sao cho hợp lý để con hiểu được rằng mình cũng sẽ được nhận quà riêng vào dịp sinh nhật của mình.
- Nếu tổ chức các buổi vui chơi, bố mẹ có thể mời số lượng bạn bè của mỗi trẻ bằng nhau, trừ khi con không muốn hoặc không có nhu cầu mời bạn bè của mình.
Thường xuyên khen ngợi trẻ
Trẻ sẽ có động lực tuân thủ và thực hiện tốt các quy tắc hơn nếu thường xuyên được bố mẹ khen ngợi vì những hành động tốt của mình, ví dụ như: “Bố mẹ rất vui vì hai chị em giúp đỡ lẫn nhau như thế!”. Đôi khi, bố mẹ cũng có thể dành cho trẻ những phần thưởng nho nhỏ như cho trẻ thêm 15 phút chơi đồ chơi hoặc cho trẻ đi chơi công viên.
Dạy trẻ cách giải quyết vấn đề khi không có bố mẹ ở bên.
Một cách ngăn trẻ đánh nhau với anh chị em khác khá hiệu quả là bố mẹ dạy cho trẻ học cách giải quyết các vấn đề mà không cần sử dụng đến bạo lực. Dưới đây là một vài cách đơn giản mà bố mẹ có thể tham khảo:
- Nếu quá cáu giận với anh chị em vào thời điểm đó, trẻ có thể di chuyển sang một căn phòng khác để chơi thay vì cãi nhau và sử dụng bạo lực. Bố mẹ cũng nên giải thích rằng hung hăng là một thói xấu và con không nên làm như vậy, dù với anh chị em hay bạn bè và những người xung quanh mình.
- Với những trẻ lớn hơn, bố mẹ có thể khuyên nhủ con nên bình tĩnh và nhường em vào lúc đó. Con cũng có thể kể lại câu chuyện tại sao mâu thuẫn lại xảy ra cho bố mẹ để từ đó, bố mẹ có thể đưa ra lời khuyên về cách giải quyết tốt hơn nếu tình huống đó tái diễn và rút ra kinh nghiệm.
- Giải thích cho trẻ hiểu rằng con không nên quá ích kỷ với anh chị em của mình. Chẳng hạn, bố mẹ có thể nói với con rằng: “Bố mẹ, biết đây là đồ chơi con được tặng vào dịp sinh nhật, nhưng sẽ không có vấn đề gì đâu nếu anh Bon hỏi mượn một cách lịch sự như vậy. Mượn xong anh Bon sẽ trả cho con mà đúng không?”
Trở thành hình mẫu của trẻ
Trẻ nhỏ thường rất thích bắt chước người lớn, đặc biệt là bố mẹ. Các con rất hay để ý cách bố mẹ phản ứng và hành động trong những tình huống xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Do đó, nếu bố mẹ thường xuyên cãi vã và xảy ra xung đột, trẻ cũng dễ dàng học theo. Để làm gương cho trẻ, bố mẹ nên chú ý giữ bình tĩnh và tự kiềm chế cảm xúc.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily