Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể để loại bỏ các chất nhầy, chất độc hại hay chất kích thích ra khỏi đường hô hấp. Trong đó, ho về đêm cũng là tình trạng rất phổ biến, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người bệnh và có thể do nhiều nguyên nhân gây nên.
Theo một nghiên cứu trên toàn thế giới từ 16 quốc gia, được đăng trên Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, có đến 30% người được khảo sát cho biết họ bị ho về đêm. Trong đó, 10% người bị ho khan về đêm, còn 10% thì gặp tình trạng ho có đờm.
Vậy đâu là thủ phạm gây nên những cơn ho về đêm khi ngủ? Biết được chúng, bạn sẽ có hướng điều trị hiệu quả hơn.
1. Ho gà – Thủ phạm của những cơn ho về đêm
Ho gà là một bệnh hô hấp nghiêm trọng ở cả trẻ em, trẻ vị thành niên và người lớn. Bệnh lây rất nhanh qua đường hô hấp và thời gian ủ bệnh từ 6 – 20 ngày. Sau đó, ho gà được chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn đầu kéo dài từ 1-2 tuần với một số triệu chứng như:
- Sổ mũi, hắt hơi
- Sốt nhẹ
- Thỉnh thoảng ho nhẹ, cuối giai đoạn sẽ chuyển sang ho thành từng cơn
- Thở ngắt quãng, chủ yếu ở trẻ sơ sinh
Trong thời kỳ này, triệu chứng bệnh rất giống với cảm lạnh thông thường. Do đó, bệnh thường chỉ được chẩn đoán cho đến khi các dấu hiệu nghiệm trọng hơn xuất hiện, gồm:
- Ho dữ dội thành từng cơn (một cơn khoảng 15 – 20 nhịp), ho ở mọi thời điểm trong ngày nhưng có xu hướng nghiêm trọng hơn và ho nhiều về đêm. Ở trẻ nhỏ, cơn ho đôi khi khiến bé bị tím tái, đỏ mắt, chảy nước mũi nước mắt, nổi tĩnh mạch cổ do bị ngưng thở. Kết thúc cơn ho bằng khạc đờm trong, đặc dính.
- Sau mỗi tiếng ho có kèm theo thở rít giống như tiếng gà rít. Tuy nhiên, trẻ dưới 6 tháng có thể không gặp triệu chứng này.
- Nôn mửa, mệt mỏi, vã mồ hôi, thở nhanh, mạch đập nhanh sau khi ho.
- Có thể kèm sốt nhẹ, mặt mày nặng, loét lưỡi và hàm
Các cơn ho có thể kéo dài lên đến 10 tuần hoặc hơn, thường là 2 – 3 tuần. Sau đó, ho giảm dần và trẻ bớt sốt. Tuy nhiên, vài tháng sau bệnh có thể tái phát và gây ra viêm phổi. Thanh thiếu niên và người lớn bị ho gà sẽ gặp triệu chứng như trên nhưng rất nhẹ và không điển hình, thậm chí không có bất kỳ dấu hiệu gì.
2. Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm bên trong mũi do một số tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, nấm mốc, hoặc vảy da của một số loài động vật.
Một số người chỉ bị viêm mũi dị ứng khoảng vài tháng/lần vì họ nhạy cảm với các chất kích ứng theo mùa, chẳng hạn như phấn hoa hoặc cỏ. Song, cũng có một số người lại bị tình trạng này quanh năm.
Hầu hết những người bị viêm mũi dị ứng đều có biểu hiện nhẹ, giống như cảm cúm thông thường như ho, sổ mũi, hắt hơi,… có thể điều trị dễ dàng và hiệu quả. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nghiêm trọng, ho về đêm gây mất ngủ cũng như ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
3. Viêm phế quản mãn tính
Viêm phế quản mãn tính là tình trạng phế quản bị viêm nhiễm trong thời gian dài, thường phổ biến hơn ở những người hút thuốc, người sống trong môi trường ô nhiễm hoặc thường xuyên tiếp xúc với chất độc hại.
Người bệnh được chẩn đoán bị viêm phế quản mãn tính có các triệu chứng dai dẳng như:
- Khó thở, thở khò khè nhưng ít gặp
- Tức ngực
- Ho khạc ra đờm cả ngày và đêm nhưng tăng lên vào buổi sáng, khi tiếp xúc với các chất kích thích (khói thuốc lá, bụi bặm, khói than…) hoặc khi cơ thể bị lạnh
- Mệt mỏi
Những người bệnh viêm phế quản mãn tính thường phải điều trị kéo dài và rất khó trị dứt điểm..
4. Cảm cúm
Cảm cúm khác với cảm lạnh bởi tính khởi phát đột ngột và bạn có thể nhận biết thông qua một số biểu hiện như:
- Ho
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Hắt hơi liên tục
- Đau đầu
- Mệt mỏi
- Đau cơ và nhức mỏi cơ thể
- Có thể sốt hoặc không
Một số người có thể nôn mửa và tiêu chảy khi bị cúm, phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.
5. Chảy dịch mũi sau
Mỗi ngày, các tuyến trong mũi và cổ họng sẽ liên tục tiết ra từ 1-2 lít chất nhầy để làm ẩm, làm sạch niêm mạc mũi và không khí.Tuy nhiên, khi chất nhầy tụ lại nhiều trong mũi xoang, chảy xuống thành sau của cổ họng thì được gọi là hội chứng chảy dịch mũi sau..
Hội chứng này có thể xảy ra do những nguyên nhân như viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch. Tình trạng này xảy ra nhiều về đêm bởi tư thế nằm.
- Khạc nhổ hoặc nuốt nhiều chất nhầy
- Đau, ngứa rát cổ họng
- Thường xuyên hắng giọng
- Buồn nôn
- Miệng hôi
- Ho nhiều về đêm.
6. Ho về đêm – Dấu hiệu bệnh khí phế thũng
Ho về đêm cũng có thể là dấu hiệu bệnh khí phế thũng, một tình trạng ở phổi gây khó thở chỉ xảy ra ở người lớn. Trong phổi có rất nhiều túi khí nhỏ (phế nang) để giúp phổi tăng diện tích bề mặt. Tại bề mặt này là nơi trao đổi khí của phổi.
Trong bệnh khí phế thũng, phế nang bị nhiễm trùng và tổn thương. Khi thành phế nang bị căng giãn liên tục trong thời gian dài sẽ tạo thành các túi khí lớn hơn, làm giảm diện tích bề mặt của phổi, dẫn tới giảm lượng oxy được trao đổi. Lúc này, khi bạn thở ra, các phế nang không hoạt động bình thường, giữ lại không khí cũ khiến cho không khí mới giàu oxy không có chỗ để đi vào.
Ngoài ho liên tục và kéo dài, cả vào ban đêm, bệnh nhân thường gặp triệu chứng khó thở hụt hơi, nặng lên khi hoạt động gắng sức; mệt mỏi, ngực phình ra dạng hình thùng, xanh xao, hệ miễn dịch suy giảm. Trường hợp bệnh nặng sẽ gây phù. Trên thực tế, bạn có thể bị khí phế thũng trong nhiều năm mà không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào.
Nếu bạn cảm thấy bị khó thở không rõ nguyên nhân trong vài tháng, tình trạng ngày càng tệ hơn gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, nên đi khám! Ngoài ra, hãy lưu ý đến một số triệu chứng trở nặng khác của khí phế thũng cần phải tới bệnh viện gấp như:
- Tinh thần không tỉnh táo
- Môi hoặc móng tay chuyển sang màu xanh lam hoặc xám khi cố gắng dùng sức
- Khó thở đến mức không thể vận động, kể cả leo cầu thang.
7. Ho khan về đêm do bệnh suy tim
Những cơn ho nhiều về đêm, dai dẳng cũng là dấu hiệu nhận biết của bệnh suy tim. Đây là tình trạng tim không thể bơm máu đi khắp cơ thể đúng cách do cơ tim bị yếu đi hoặc cứng, mất đi độ đàn hồi.
Suy tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất vẫn là người lớn. Bên cạnh ho khan về đêm, suy tim gây ra:
- Khó thở từ nhẹ đến nặng tùy theo mức độ bệnh. Ở suy tim giai đoạn cuối, bệnh nhân khó thở cả khi ngủ hoặc khi nghỉ ngơi. Không ít trường hợp phải thức giấc vào ban đêm vì khó thở
- Phù, rõ nhất ở mắt cá chân và chân. Tình trạng này có thể tốt hơn vào buổi sáng nhưng lại nặng hơn vào cuối ngày
- Luôn cảm thấy mệt mỏi.
Trên đây chỉ là những nguyên nhân gây ho về đêm thường gặp nhất. Ngoài ra, cơn ho có thể gây ra bởi nhiều thủ phạm khác ít gặp hơn, chẳng hạn như vấn đề ở thanh quản, loại nhịp tim, phình động mạch chủ, thiếu vitamin B12, hội chứng Tourette, tác dụng phụ của một số loại thuốc… hay chứng ngưng thở khi ngủ.
Vì vậy, nếu ho về đêm diễn ra thường xuyên, khiến bạn ngủ không ngon giấc, cần phải sắp xếp thời gian đi khám. Các bác sĩ sẽ giúp bạn tìm kiếm nguyên nhân chính xác và đưa ra hướng điều trị phù hợp trong từng trường hợp.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Nocturnal Cough
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: