Hiểu rõ về các dấu hiệu ung thư buồng trứng là một trong những cách để chị em phụ nữ có thể sớm phát hiện ra bệnh và điều trị kịp thời. Bởi đây hiện là loại bệnh ung thư rất phổ biến ở nữ giới, chỉ sau ung thư cổ tử cung trong những loại ung thư phụ khoa.
Tại Việt Nam (theo GLOBOCAN 2018), mỗi năm có khoảng 1.500 trường hợp mới mắc và khoảng 850 ca tử vong do ung thư buồng trứng. Tỉ lệ mắc tăng dần theo tuổi, phần lớn ung thư biểu mô buồng trứng gặp ở lứa tuổi hậu mãn kinh, tuổi mắc trung bình là 63. Ngược lại, ung thư tế bào mầm buồng trứng thường gặp ở phụ nữ trẻ, từ 15 – 20 tuổi.
Do có sự khác biệt cơ bản về mô bệnh học và đặc điểm lâm sàng, cũng như tiên lượng, có thể chia ung thư buồng trứng ra các loại sau:
- Ung thư biểu mô buồng trứng: Hay gặp nhất, chiếm 80 – 90%. Thường gặp ở phụ nữ hậu mãn kinh, tiên lượng xấu.
- Ung thư tế bào mầm: Ít gặp, chiếm 5 – 10%. Đại đa số gặp ở phụ nữ trẻ, từ dưới 20 đến 30 tuổi, tiên lượng rất tốt, tỉ lệ chữa khỏi cao vì rất nhạy cảm với điều trị hóa chất.
- Ung thư có nguồn gốc mô đệm sinh dục.
- Ung thư bắt nguồn từ trung mô.
- Các ung thư di căn đến buồng trứng.
Về sàng lọc phát hiện sớm ung thư buồng trứng kết quả còn rất hạn chế. Các phương pháp thường dùng là thăm khám lâm sàng, định lượng CA – 125, HE4, siêu âm đầu dò âm đạo,… Gần đây đang nghiên cứu tiến hành thêm một số marker mới như M – CSF, LPA.
Nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được rõ ràng. Rất nhiều nghiên cứu tìm hiểu mối liên quan giữa bệnh và các yếu tố môi trường, chế độ ăn, sinh sản, nội tiết, virus và di truyền, trong đó yếu tố gia đình đã được xác nhận, khoảng 7% ung thư buồng trứng có mang tính chất gia đình. Những phụ nữ có mẹ và chị em gái mắc bệnh này có nguy cơ mắc tăng gấp 20 lần cộng đồng.
Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu vitamin A và chất xơ giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Tuổi cao cũng là một yếu tố nguy cơ vì tỉ lệ mắc ung thư buồng trứng tăng dần theo số lần rụng trứng. Những người có thai trước 25 tuổi, mãn kinh sớm cũng liên quan đến giảm tỉ lệ mắc ung thư buồng trứng. Liệu pháp hormone thay thế cũng không làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Gần đây, một số nghiên cứu về gen cho thấy sự đột biến gen BRCA1 (nằm trên nhiễm sắc thể số 17), gen p53 làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
Do đó, để bảo vệ sức khoẻ tốt hơn, hãy cùng MedPlus tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu qua một số triệu chứng ung thư buồng trứng nhé!
Một số dấu hiệu ung thư buồng trứng mà bạn không nên bỏ qua
Ung thư buồng trứng càng trở nên nguy hiểm khi chuyển biến sang giai đoạn nặng. Đồng thời, việc điều trị lúc này cũng trở nên khó khăn, phức tạp, và tốn kém hơn rất nhiều.
Do đó, khi nhận thấy một số biểu hiện ung thư buồng trứng, bạn nên nhanh chóng đi gặp bác sĩ để kiểm tra cũng như có được phương án điều trị từ sớm. Một số dấu hiệu ung thư buồng trứng mà bạn cần chú ý gồm:
Đau ở vùng bụng dưới
Bệnh nhân xuất hiện các cơn đau dữ dội, ngắt quãng hoặc dai dẳng ở vùng bụng dưới. Ngoài ra, bệnh nhân có thể kèm đau lưng không rõ nguyên nhân. Do đó, nếu cảm thấy đau thường xuyên ở những vùng này, bạn hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
Chảy máu âm đạo
Triệu chứng ung thư buồng trứng cũng cần lưu tâm là chảy máu âm đạo một cách bất thường. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có biểu hiện chảy máu sau khi quan hệ tình dục.
Các triệu chứng về ruột (do u chèn ép, xâm lấn)
Triệu chứng gồm đầy bụng, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn, ăn nhanh no hơn bình thường dù chỉ ăn rất ít. Nếu kéo dài, cơ thể sẽ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, dẫn đến mệt mỏi, suy nhược, và sụt cân đáng kể.
Các triệu chứng về tiết niệu (do u chèn ép, xâm lấn)
Thay đổi thói quen đi vệ sinh là một dấu hiệu ung thư buồng trứng ít người chú ý đến. Tuy nhiên, triệu chứng này không phải là điển hình đối với người bị ung thư buồng trứng, chúng có thể xuất hiện trong rất nhiều bệnh lý về bàng quang.
Ung thư buồng trứng khó nhận biết ở giai đoạn đầu bởi hầu như không có triệu chứng gì đặc hiệu. Những biểu hiện kể trên thường xuất hiện khi khối u đã lớn và xâm lấn sang các cơ quan, cấu trúc lân cận (giai đoạn trễ). Dù vậy, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị tốt, bệnh nhân vẫn còn nhiều hi vọng.
Nên làm gì khi có dấu hiệu ung thư buồng trứng?
Trên thực tế, các triệu chứng kể trên có thể không phải dấu hiệu ung thư buồng trứng mà còn bởi một số tình trạng khác gây nên. Vì vậy, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra với các xét nghiệm chuyên biệt như:
Xét nghiệm máu: Bác sĩ sẽ đo nồng độ một số chất trong máu là chỉ dấu sinh học cho ung thư buồng trứng để có kết luận về bệnh, cụ thể như sau:
- Kết quả xét nghiệm HE4 có giá trị chẩn đoán ở giai đoạn sớm là 62-83%, còn giai đoạn muộn là 75-93%
- Kết quả xét nghiệm CA – 125 ở giai đoạn sớm có giá trị chẩn đoán chỉ là 50%, nhưng lại có độ chính xác cao ở giai đoạn muộn với giá trị đạt 92%
- Giá trị chẩn đoán của xét nghiệm CA 15-3 là 50-56%, còn xét nghiệm CA 72-4 chỉ đạt 63-71%.
- AFP và HCG: Thường tăng trong loại ung thư tế bào mầm.
- Một số marker khác: Inhibin B, AMH, LH.
- Xét nghiệm gen: Giúp tiên lượng bệnh, lựa chọn các thuốc điều trị, đánh giá khả năng mắc bệnh ung thư buồng trứng di truyền.
Sự kết hợp của các kết quả này với một số phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác giúp cho việc chẩn đoán chính xác hơn.
Siêu âm ổ bụng và siêu âm qua ngã âm đạo: bác sĩ sẽ quan sát được các khối u bất thường trong buồng trứng (nếu có),
Chụp MRI (cộng hưởng từ) hoặc chụp CT (cắt lớp vi tính): Phương pháp này cung cấp hình ảnh 3D để giúp bác sĩ có thể chẩn đoán được mức độ xâm lấn của khối u buồng trứng, cũng như một số bất thường khác.
Sinh thiết: bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm trên mô bệnh phẩm để xác định bản chất của khối u cũng như dựa vào đó để đưa ra được cách thức điều trị phù hợp. Tuy nhiên, do vị trí của cơ quan nằm sâu trong ổ bụng nên thường ít khi có được kết quả giải phẫu bệnh trước khi phẫu thuật. Đây là một xét nghiệm quyết định chẩn đoán.
Nội soi đường tiêu hóa: Để loại trừ u buồng trứng là biểu hiện di căn từ các khối u của đường tiêu hóa, bởi vì tiên lượng và phương pháp điều trị của hai loại ung thư này hoàn toàn khác nhau.
Ung thư buồng trứng là căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản, sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy, ngay khi có các dấu hiệu bất thường thì hãy đi khám sớm nhất có thể, kể cả khi chưa có dấu hiệu ung thư buồng trứng, phụ nữ cũng nên tầm soát sức khỏe mỗi 6 tháng một lần, đặc biệt là thăm khám phụ khoa, kịp thời phát hiện bệnh và xử trí từ sớm.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Symptoms of ovarian cancer
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: