Dạy con cách tiêu tiền là một việc làm cần thiết mà phụ huynh cần lưu ý và đầu tư công sức để trẻ có thể hiểu được giá trị của đồng tiền. Quá trình dạy trẻ chi tiêu và tiết kiệm nên bắt đầu từ sớm, đặc biệt là khi trẻ đã quen với những con số, cách này không chỉ giúp trẻ biết cách sử dụng đồng tiền, mà còn có thể giúp trẻ tư duy toán học tốt hơn nữa. Nhờ vậy, khi lớn lên, con có thể biết cách tự mình quyết định các vấn đề tài chính của bản thân, biết sử dụng tiền hợp lý, thậm chí có thể giúp đỡ bố mẹ về kinh tế gia đình.
1. Chơi trò chơi về quản lý tài chính
Trò chơi Cờ Tỷ Phú (Monopoly) là một trong những cách thức vô cùng thú vị để giúp trẻ vừa chơi vừa học cách tích lũy và sử dụng tiền sao cho hợp lý. Bố mẹ hãy dành thời gian cùng trẻ chơi trò chơi này, thắt chặt tình cảm gia đình và giúp trẻ phát huy tư duy logic trong việc kiểm soát tài chính nhé!
2. Dẫn trẻ cùng đi mua sắm
Bố mẹ hoàn toàn có thể dạy con cách tiêu tiền thông qua những việc làm trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là khi đi chợ, đi mua sắm. Bố mẹ có thể giải thích cho trẻ về số tiền hiện có, những món đồ cần mua và có thể mua phù hợp với kinh tế. Bên cạnh đó, mẹ có thể sử dụng phiếu giảm giá và để con tìm giúp những món đồ trong mục giảm giá. Nhờ đó con sẽ biết cách sử dụng tiền để đảm bảo nhu cầu của bản thân một cách hợp lý.
3. Cho con một khoản tiền tiêu vặt
Khi con đã có thể vận động cứng cáp và giúp đỡ bố mẹ việc nhà, bố mẹ đừng ngại thưởng cho bé một món tiền nhỏ để tiết kiệm sau mỗi lần con làm tốt. Bằng cách này, con có thể hiểu rằng, tiền không phải là thứ dễ dàng có được, mà phải đánh đổi bằng công sức mình bỏ ra, do đó phải biết tiết kiệm và sử dụng thật hợp lý, đồng thời biết cố gắng phấn đấu trong cuộc sống để có thể tích lũy được nhiều tài sản hơn.
4. Khuyến khích con biết cách tích trữ, tiết kiệm tiền
Bố mẹ có thể dạy con cách tiêu tiền và tiết kiệm bằng cách cho bé sử dụng một số vật dụng để cất trữ tiền như một con lợn tiết kiệm xinh xắn hoặc chiếc ví có màu sắc, hình ảnh mà trẻ yêu thích. Các chuyên gia cũng cho biết, bố mẹ nên chuẩn bị cho con 3 vật đựng tiền với mục đích sử dụng khác nhau – một dùng để đựng tiền tiết kiệm, một dùng để đựng tiền chi tiêu và một dùng vào mục đích quyên góp, từ thiện hoặc sử dụng khi có việc đột xuất. Sau đó, bố mẹ hãy hướng dẫn trẻ cách chia tiền tiêu vặt của trẻ vào 3 phần đó.
5. Gửi tiền vào ngân hàng
Bố mẹ có thể dẫn trẻ tới ngân hàng để lập một tài khoản riêng cho bé, sau đó bố mẹ có thể giải thích đơn giản cho bé hiểu rằng nếu bé tích lũy được tiền và gửi vào ngân hàng, thì theo thời gian, lượng tiền trong tài khoản của bé sẽ tăng lên. Bằng cách này, bố mẹ có thể dạy con cách chi tiêu, tiết kiệm hợp lý và thông minh.
6. Dạy con cách nói chuyện về tiền
Trẻ nhỏ thường tò mò nên không có gì là lạ nếu trẻ thắc mắc về giá trị của một món đồ cũng như lượng tiền mà người khác có thể kiếm ra trong một tháng. Những thắc mắc này của trẻ đều ngây thơ và không có ý gì xấu, tuy nhiên trẻ có thể chưa thực sự hiểu được hết ý nghĩa của số tiền đó. Vì thế, bố mẹ hãy nhẹ nhàng căn dặn trẻ rằng những câu hỏi về tiền lương hay giá trị món đồ của người khác là một vấn đề tế nhị, và con không nên hỏi họ về điều đó.
7. Hạn chế thời gian con xem tivi
Tâm lý trẻ nhỏ rất dễ bị “dụ” khi xem quảng cáo trên tivi vì trẻ chưa hiểu được rằng thực tế sẽ không như quảng cáo. Trẻ cũng rất mau chán, vì thế khi bắt gặp hàng loạt quảng cáo trên truyền hình thì mong muốn mua sắm đồ mới của trẻ rất dễ bị kích thích.
8. Là một tấm gương mẫu mực
Trẻ nhỏ luôn dõi theo từng hành động của bố mẹ, và cách chủ yếu trẻ dùng để học hỏi điều mới chính là bắt chước. Chính vì vậy, bố mẹ phải làm gương tốt để có thể dạy con cách tiêu tiền. Bố mẹ không nên nói dối với người bạn đời của mình về vấn đề chi tiêu, cũng như cần cố gắng chi tiêu, tiết kiệm thật hợp lý.
Đôi khi bố mẹ cũng cần phải dạy cho trẻ hiểu rằng, không phải lúc nào vật chất cũng có thể mang lại hạnh phúc, có những thứ quý giá hơn tiền bạc rất nhiều, đó là tình cảm trong gia đình và với bạn bè.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily