Cây ké hoa vàng là một loài thực vật mọc hoang phổ biến với nhiều công dụng hữu ích. Hôm nay medplus xin giới thiệu đến bạn đọc các công dụng cũng như bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé!
A. Thông tin Dược Liệu
Tên tiếng Việt: Ké hoa vàng, Chổi đực, Bái nhọn, Khắt bó lương (Thái), Xi phú (Kho), Cây ro, Khắt lót (Tày)
Tên khoa học: Sida rhombifolia L – Sida alnifolia Lour.
Họ: Malvaceae
1. Đặc điểm cây ké hoa vàng
Ké đồng tiền là loài thực vật nhỏ, thân mọc thẳng đứng, chiều cao khoảng 50 – 100cm. Cành và thân của cây được bao phủ lông tơ ngắn. Lá có rất nhiều lông, phiến lá hình trứng, dài 1.5 – 4cm, rộng 1 – 2.5cm, mép có hình răng cưa.
Hoa nhỏ, mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá, có màu vàng nhạt hoặc vàng tươi, hoa cũng được bao phủ một lớp lông mịn. Quả có vỏ mỏng, phía lưng có 2 vết nổi, ở đỉnh và hạt có lông.
2. Bộ phận dùng
Lá của cây thường được dùng để làm thuốc.
3. Phân bố
Cây mọc hoang nhiều ở nước ta, Lào, Trung Quốc, Malaysia, Campuchia, Ấn Độ và Indonesia.
4. Thu hái – sơ chế
Có thể thu hái quanh năm nhưng thời điểm thu hái tốt nhất là khi cây đang ra hoa. Lá của cây ké đồng tiền có thể dùng tươi/ phơi khô, sau đó sao vàng và sắc uống.
5. Bảo quản
Nơi khô ráo và thoáng mát.
B. Công dụng và Liều dùng
1. Thành phần hóa học
Nghiên cứu sơ bộ cho thấy vị thuốc này chứa chất nhầy.
2. Tính vị
Vị ngọt đắng, tính mát, không có độc.
3. Tác dụng dược lý
Theo Đông Y:
- Công dụng: Hóa thực, hạ đờm hỏa, phá trệ, tiêu ban, thoái nhiệt, khai uất, tiêu ung, giải biểu và phát hàn.
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Cây ké đồng tiền là vị thuốc được dùng trong phạm vi nhân dân nên nghiên cứu hiện đại về dược liệu này còn rất hạn chế.
4. Công dụng dược liệu
Dân gian dùng ké hoa vàng để trị mụn nhọt, sốt cao, chứng lỵ, tiểu tiện nóng, vàng/ đỏ. Ngoài ra vị thuốc này còn được dùng để chữa các bệnh đường ruột, đau nhức xương khớp do phong tê thấp và chứng vàng da do suy giảm chức năng gan.
5. Cách dùng – liều lượng
Dược liệu được dùng ở dạng sắc và dùng ngoài. Liều dùng tham khảo: 40 – 80g/ ngày (dược liệu tươi) và 20 – 40g/ ngày (dược liệu khô).
C. Bài thuốc Tiêu biểu từ Dược Liệu
1. Bài thuốc trị chứng vàng da do chức năng gan suy yếu
- Chuẩn bị: Hàm ếch, vảy rồng và ké hoa vàng mỗi vị 30g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.
2. Bài thuốc trị viêm hạch bạch huyết do lao cổ
- Chuẩn bị: Ké hoa vàng 60g và thịt lợn 120g.
- Thực hiện: Đem nấu chín rồi dùng ăn khi nóng. Đồng thời nên dùng lá tươi đắp vào vùng cổ bị sưng.
3. Bài thuốc trị chứng vàng da do nóng gan
- Chuẩn bị: Nhân trần và ké hoa vàng khô mỗi vị 25g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống, sử dụng liên tục trong vòng 2 tháng.
4. Bài thuốc trị bệnh tổ đỉa
- Chuẩn bị: Toàn cây ké hoa vàng tươi.
- Thực hiện: Đun nước tắm hàng ngày.
5. Bài thuốc trị chứng phong tê thấp
- Chuẩn bị: Thân và lá ké hoa vàng khô 30g.
- Thực hiện: Đem sắc uống hằng ngày.
6. Bài thuốc trị sưng chín mé và mụn nhọt
- Chuẩn bị: Lá ké hoa vàng tươi.
- Thực hiện: Đem rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng sưng mủ. Với trường hợp nhọt to và đau, nên dùng đồng thời với bài thuốc uống (sử dụng 20 – 40 lá ké hoa vàng khô sắc uống).
7. Bài thuốc chữa viêm ruột lỵ
- Chuẩn bị: Mã đề và ké hoa vàng mỗi vị 30g, nghể răm 15g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.
D. Lưu ý khi dùng dược liệu
- Hiện tại ở nước ta có khá nhiều loài thực vật có tên gọi ké hoa vàng. Do đó nên thận trọng khi lựa chọn dược liệu để tránh tình trạng nhầm lẫn.
- Tránh nhầm với cây ké hoa đào và ké đầu ngựa (thương nhĩ tử).
Phần lớn các bài thuốc từ cây ké hoa vàng đều chỉ được sử dụng trong phạm vi dân gian. Do đó bạn nên tham vấn y khoa để xác định tính hiệu quả của bài thuốc trước khi áp dụng.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn , tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam