Theo Đông Y học, Mộc tặc có vị ngọt hơi đắng, tính bình. Toàn cây có tác dụng tán phong nhiệt, trừ mắt có màng (thoái ế), lợi tiểu, làm ra mồ hôi. Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !
Thông tin cơ bản
1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Mộc tặc, Tiết cốt thảo, Mộc tặc thảo, Bút đầu thái, Cỏ tháp bút
- Tên khoa học: Equisetum debile Roxb.
- Họ: Mộc tặc (Equisetaceae).
2. Đặc điểm dược liệu
- Cây thảo, sống lâu năm, có thể cao đến 1m. Thân rễ dài, chia đốt, mọc bò ở dưới mặt đất. Thân cây mọc đứng, hình trụ rỗng (trừ các mấu), có nhiều khía rãnh dọc, mang phần sinh sản (hữu thụ) và phần không sinh sản (bất thụ). Phần không sinh sản có thể dài đến 20cm, chia thành từng dóng, có rãnh dọc; ở mỗi mấu có một vòng lá rất nhỏ dính liền nhau ở gốc thành bẹ hình ống, phía trên ống chia răng mầu nâu, ứng với số rãnh của dóng.
- Nhiều đoạn thân và cành hình ống dài 7 – 15 cm, có khi tới 30 cm, đường kính 0,1 – 0,2 cm, màu nâu sẫm. Cành màu lục nhạt, hơi vàng hay xám tro, có nhiều rãnh dọc song song, mỗi rãnh này ứng với 1 lỗ khuyết trong phần vỏ. Cành chia thành nhiều đốt.
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Cỏ tháp bút thường gặp ở các tỉnh miền núi và trung du, mọc thành đám nhỏ ở đất ẩm, dọc theo bờ khe suối, bờ ruộng nước sát chân núi. Cây có hệ thống thân rễ phát triển, phân nhánh nhiều nên khó phân biệt thành từng cá thể. Bào tử có nhiều, hàng năm, phát tán nhờ gió hoặc dòng nước. Mặt khác, nhờ có hệ thống thân rễ nằm dưới mặt đất, nên phần trên mặt đất nếu bị chặt phá hoặc đốt cháy, vẫn tồn tại và tiếp tục tái sinh.
Bộ phận dùng
- Phần trên mặt đất đã phơi hay sấy khô
Thu hoạch và sơ chế
- Thu hoạch vào mùa hạ hoặc thu. Cắt lấy phần trên mặt đất, loại bỏ tạp chất, phơi âm can đến khô.
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Trong Mộc tặc có các acid silixic, chất béo, phytosterol, acid equisetic, chất saponin gọi là equisetonin, các chất alcaloid equisetin và nicotin, palustrin, 3-methoxypyridin ngoài ra còn có equisetrin và isoquevitnin.
B. Tác dụng dược lý
- Cỏ tháp bút có tác dụng chữa:
- Tiêu viêm
- Sơ phong thối ế (giải cảm, làm tan mộng thịt trong mắt).
- Thu liễm chỉ huyết, lợi tiểu ra mồ hôi.
- Nghiên cứu trên cơ sở cho động vật thí nghiệm uống nước sắc cỏ tháp bút thấy có tác dụng lợi tiểu rõ rệt. Thử nghiệm trên chó được cho acetat chì, cỏ tháp bút thúc đẩy nhanh và làm tăng lượng chì thải trừ. cỏ tháp bút có tác dụng lợi tiểu và làm tăng thải trừ chì mạnh hơn râu mèo và diurein (kết hợp của natri salicylat và theobromin), với những liều thí nghiệm : cỏ tháp bút hoặc râu mèo l0g/kg, và diuretin 0,05g/kg.
- Đã nghiên cứu áp dụng một bài thuốc gồm cỏ tháp bút và 7 dược liệu khác để điều trị loét giác mạc do virus bệnh herpes gây đau nhức, chói, cộm mắt cho 50 bệnh nhân. Kết quả: khỏi 84%, đỡ 8%, không khỏi.
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- Vị ngọt hơi đắng, tính bình.
Quy Kinh
- Kinh can, đởm, phế, thận
Công Năng
- Tán phong nhiệt, trừ mắt có màng (thoái ế), lợi tiểu, làm ra mồ hôi.
- Tác dụng lợi tiểu cầm máu, làm se và tiếp khoáng, điều kinh, làm liền sẹo.
Công Dụng
- Trị Phù thũng mà thiểu niệu, ho ra máu, băng huyết, chảy máu dạ dày, kinh nguyệt quá nhiều, Lao phổi.
- Dùng ngoài làm tăng sự thành sẹo của mụn nhọt chậm lành. Cũng dùng trị đau mắt, giải cảm cho ra mồ hôi.
- Thường dùng dưới dạng bột hoặc nước hãm hay chiết xuất hoặc có thể sắc uống. Dùng ngoài lấy cây tươi giã đắp.
- Mắt đỏ phong nhiệt, ra gió chảy nước mắt, mắt kéo màng.
Kiêng Kỵ
- Mặc dù những bài thuốc từ các loại thảo dược nói chung, trong đó có cỏ tháp bút thường an toàn, ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, không nên dùng loại thảo dược này cho các trường hợp sau đây:
- Người bị mắt đỏ do âm hư hỏa vượng.
- Các trường hợp bị chảy máu do khí hư không nhiếp được huyết.
Liều dụng:
- Ngày dùng 4 – 12g kết hợp với thuốc khác, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.
Bài thuốc sử dụng
1. Chữa viêm kết mạc cấp (do phong nhiệt làm mắt sưng đỏ mờ):
Mộc tặc 8g, Cúc hoa 12g, Bạch tật lê 12g, Quyết minh tử 12g, Phòng phong 8g, sắc nước uống. Bài này gia thêm Thương truật, Hạ khô thảo chữa viêm tuyến lệ cấp.
2. Chữa phù trong viêm cầu thận cấp, phù cước khí:
Mộc tặc thảo 15g, Phù bình 10g, Đậu đỏ 100g, Hồng táo 5 quả, cho vào 600ml, sắc còn 200ml nước uống.
3. Chữa chứng chảy máu:
Ngoài ra có người còn dùng Mộc tặc chữa chứng chảy máu do trĩ, chảy máu đường ruột, sa trực tràng, xích lỵ, mộng thịt ở mắt.
4. Chữa băng huyết, rong huyết kéo dài hoặc đã mãn kinh mà còn rong huyết:
Mộc tặc 20g, sao sắc uống.
5. Chữa viêm gan, đái vàng thẫm, viêm thận, viêm bàng quang đái đỏ, hoặc đái ra sỏi:
Mộc tặc, Mộc thông, Mã đề (hạt hay lá bông Mã đề), Sinh địa, Cỏ xước hay Ngưu tất, rễ cỏ Tranh, mỗi vị 15g, sắc và uống với bột Hoạt thạch 15g chia làm 3 lần.
6. Chữa đái ra cặn trắng:
Mộc tặc, rễ Mía dò, mỗi vị 12g, sắc uống.
7. Điều trị phù thũng trong viêm cầu thận cấp, phù cước khí
- Chuẩn bị: 15g cỏ tháp bút, 5 quả hồng táo, 100g đậu đỏ.
- Cách thực hiện: Cho vào ấm để sắc lên cùng với khoảng 600ml nước, đun nhỏ lửa cho đến khi lượng nước trong ấm còn khoảng 200ml thì tắt bếp. Chắt lượng nước này để uống, thực hiện hàng ngày để nó mang đến tác dụng như mong muốn.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam