Triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch thường không quá đặc trưng và dễ bị người bệnh bỏ qua. Tìm hiểu về những dấu hiệu bất thường có khả năng liên quan đến bệnh này sẽ giúp bạn quan tâm hơn đến sức khỏe.
Rất nhiều triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch xuất phát từ tình trạng số lượng tiểu cầu trong máu quá thấp dẫn đến chảy máu quá mức. Lượng tế bào tiểu cầu ở mức bình thường sẽ giúp kiểm soát quá trình đông, cầm máu. Hầu hết tình trạng chảy máu thường xuất hiện dưới da và có hình dạng giống như vết bầm tím, do đó bạn có thể chủ quan bỏ qua mà không nghi ngờ gì.
Các triệu chứng khác của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có thể liên quan đến xuất huyết nội và ngoại nghiêm trọng hơn.
Sau đây, hãy cùng MedPlus tìm hiểu về 8 triệu chứng bất thường có thể liên quan đến xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch.
1. Xuất hiện các nốt sưng đỏ trên da là triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch
Một trong những triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu thường thấy nhất là hiện tượng đốm xuất huyết (petechiae) ở trên da. Đây là những vết sưng nhỏ, có màu đỏ nhìn thấy trên da do xuất huyết dưới da gây nên. Đốm xuất huyết ban đầu trông giống như các đốm phát ban đỏ nhưng hơi sưng lên, nằm rải rác, thỉnh thoảng có những đốm màu tía. Nếu bạn nhận thấy có các đốm xuất huyết hoặc bất kỳ tình trạng phát ban bất thường nào, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
2. Xuất hiện những vết bầm tím không rõ nguyên nhân
Các vết bầm tím là kết quả của những chấn thương tại chỗ khiến mao mạch bị vỡ ngay bên dưới bề mặt da. Máu chảy ra từ những mao mạch bị vỡ dồn lại một chỗ và tạo ra những vết bầm xanh và đen. Vết bầm sau đó chuyển sang màu vàng rồi mờ dần theo thời gian khi máu được tái hấp thu vào cơ thể. Đây thường không phải là một vấn đề đáng lo ngại.
Rất nhiều lý do có khả năng gây ra những vết bầm tím. Người cao tuổi thường dễ xuất hiện các vết bầm tím trên người do lớp da yếu dần theo thời gian. Tác hại từ ánh sáng mặt trời đôi lúc cũng liên quan đến những vết bầm trên da.
Bạn có thể nhận thấy da xuất hiện nhiều vết bầm tím bất thường, đặc biệt là ở tay và chân. Thậm chí, bạn có thể phát hiện những vết bầm mới sau khi ngủ dậy hoặc bị bầm tím mà không có chấn thương nào xảy ra.
Vết bầm tím dễ dàng xuất hiện trên da cũng có thể là triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch. Khi nồng độ tiểu cầu trong máu thấp, máu sẽ khó đông hơn bình thương và bạn dễ bị bầm tím sau những chấn thương rất nhỏ. Những vết bầm do xuất huyết giảm tiểu cầu gây ra thường được gọi là ban xuất huyết. Các vết ban này hay có màu tím, thậm chí có khả năng xuất hiện bên trong miệng.
3. Chảy máu nướu cho thấy triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch
Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có thể gây ảnh hưởng đến nướu, dẫn đến tình trạng chảy máu ngoài. Theo Viện Tim, Phổi và Máu thì chảy máu nướu liên quan đến xuất huyết giảm tiểu cầu có khả năng xảy ra trong quá trình làm răng. Nướu thường dễ bị chảy máu trong quá trình làm sạch răng thông thường hay các quy trình nha khoa khác. Trường hợp nghiêm trọng, chảy máu nướu có khi xảy ra khi đánh răng hay dùng chỉ nha khoa.
Hiện tượng này dễ bị nhầm lẫn với viêm nướu răng thay vì bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch. Tuy nhiên, trong lúc làm sạch răng, nha sĩ sẽ nhận thấy các vết bầm do xuất huyết bên trong miệng.
4. Thường xuyên chảy máu mũi
Chảy máu mũi (hay chảy máu cam) xảy ra khi vùng da mỏng ở bên trong mũi bị chảy máu. Tình trạng này tương đối phổ biến và có nhiều nguyên nhân liên quan, bao gồm:
- Dị ứng
- Cảm lạnh
- Viêm xoang
- Dùng thuốc làm loãng máu.
Chảy máu mũi thường xuyên liên quan đến việc người bệnh gặp phải tình trạng này ít nhất một lần trong tuần. Nếu bạn bị chảy máu cam liên tục mặc dù đã cố gắng giữ sức khỏe và giữ ấm cho mũi, hãy đến gặp bác sĩ ngay.
5. Kinh nguyệt nhiều hơn bình thường là triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch
Số lượng tiểu cầu thấp do xuất huyết giảm tiểu cầu cũng có khi gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt bình thường của bạn, khiến lượng máu mất đi hàng tháng nhiều hơn. Điều này có thể gây ra các biến chứng liên quan, chẳng hạn như thiếu máu. Thỉnh thoảng, bạn có thể có kinh nguyệt nhiều hơn bình thường, điều này không có gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu tháng nào bạn cũng gặp phải tình trạng này, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
6. Xuất hiện máu trong nước tiểu hoặc phân
Số lượng tiểu cầu thấp có thể gây xuất huyết nội và máu sẽ hiện diện ở trong phân hoặc nước tiểu. Ban đầu, bạn có thể nhầm tưởng tình trạng máu trong nước tiểu là do nhiễm trùng. Tuy nhiên, nhiễm trùng bàng quang thường đi kèm với nhiều triệu chứng khác như:
- Đau lưng hoặc đau vùng thận
- Đi tiểu thường xuyên
- Đau bụng.
Phân có máu cũng là một dấu hiệu bất thường cần được theo dõi. Vì vậy, một khi thấy có máu trong nước tiểu hoặc phân, bạn hãy đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể. Đó đôi lúc cũng là triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch.
7. Triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu miến dịch là ổ tụ máu
Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch cũng có thể gây ra những ổ tụ máu nằm sâu dưới da. Đây là một loại vết bầm sâu và thường chỉ xảy ra với những chấn thương ở mức độ vừa phải. Hãy thông báo cho bác sĩ những vết sưng trên da hoặc sưng từ sâu bên trong khi thăm khám.
8. Mệt mỏi quá mức
Tế bào hồng cầu giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể để các mô và cơ quan hoạt động tốt nhất có thể. Khi bị chảy máu, cơ thể sẽ cần có thời gian để tái tạo máu. Trong trường hợp chảy máu vừa phải, tế bào hồng cầu giảm thấp hơn mức cần thiết sẽ dẫn đến thiếu máu. Kết quả là bạn cảm thấy mệt mỏi quá mức với các dấu hiệu sau:
- Muốn ngủ nhiều hơn bình thường
- Cảm thấy cần được ngủ trưa
- Cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày mặc dù buổi tối vẫn ngủ ngon
- Thiếu năng lượng cho những hoạt động thường ngày.
Nếu bạn có những dấu hiệu hay triệu chứng thiếu máu nào khác, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Nhận biết được các triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là vô cùng quan trọng. Điều này sẽ giúp bạn tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời, ngăn chặn các biến chứng có khả năng xảy ra.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Immune Thrombocytopenia
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: