Viêm cổ tử cung là tình trạng cổ tử cung bị kích ứng hoặc nhiễm trùng. Nguyên nhân thường do bạn mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (chlamydia, bệnh lậu, mụn rộp sinh dục…) hoặc kích ứng khi tiếp xúc với chất diệt tinh trùng, bao cao cu, màng ngăn âm đạo, tampon… Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và một số điều kiện khác mà bác sĩ sẽ cân nhắc đề xuất phương pháp điều trị viêm cổ tử cung phù hợp.
Nếu bạn đang có dự định đi khám phụ khoa để kiểm tra xem có mắc viêm cổ tử cung hay không. Bài viết sau của MedPlus có thể hữu ích dành cho bạn.
Các dấu hiệu, triệu chứng viêm cổ tử cung
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu và đi khám kịp thời sẽ giúp ích cho quá trình điều trị viêm cổ tử cung. Mặc dù mỗi bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu viêm cổ tử cung khác nhau nhưng một số triệu chứng phổ biến và đáng chú ý thường bao gồm:
- Dịch tiết âm đạo bất thường, có thể chảy mủ và có mùi khó chịu
- Chảy máu giữa các kỳ kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đau vùng xương chậu
- Các vấn đề tiết niệu như đi tiểu nhiều bất thường, đau rát khi đi tiểu.
Hầu hết các triệu chứng của viêm cổ tử cung đều dễ nhầm lẫn với những căn bệnh phụ khoa khác. Một số trường hợp thậm chí cũng không có triệu chứng. Vì vậy, nếu bạn có quan hệ tình dục không an toàn hoặc có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục thì nên đi khám phụ khoa định kỳ. Khi đi khám, bác sĩ sẽ kiểm tra các bất thường nhằm chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.
Phương pháp chẩn đoán viêm cổ tử cung
Để chẩn đoán viêm cổ tử cung, ngoài việc đặt một số câu hỏi dành cho bệnh nhân, các bác sĩ có thể tiến hành thêm một số phương pháp kiểm tra sau:
Kiểm tra vùng chậu
Khi đi khám phụ khoa, bác sĩ thường kiểm tra các cơ quan vùng chậu của bạn bằng cách sử dụng mỏ vịt đặt trong âm đạo để quan sát xem có bất kỳ vùng nào sưng đau hoặc chảy máu hay không, đặc biệt là trên thành âm đạo và cổ tử cung.
Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap smear)
Đây là phương pháp xét nghiệm tế bào học để tìm những tế bào bất thường trong lớp biểu mô cổ tử cung. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ sử dụng tăm bông nhỏ hoặc bàn chải phết nhẹ để lấy mẫu dịch từ cổ tử cung và âm đạo của bạn. Việc phết tế bào cổ tử cung giúp bác sĩ kiểm tra sự nhiễm trùng nếu bạn mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia, lậu, herpes hoặc trichomonas. Đồng thời, đây cũng là phương pháp xét nghiệm được sử dụng để tầm soát ung thư cổ tử cung.
Cách điều trị viêm cổ tử cung
Việc điều trị viêm cổ tử cung thường được bác sĩ cân nhắc thực hiện dựa trên các điều kiện và yếu tố sau đây:
- Tuổi, sức khỏe tổng thể và tiền sử bệnh của bạn
- Mức độ viêm cổ tử cung
- Các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng
- Sức chịu đựng của bệnh nhân đối với các loại thuốc, thủ thuật và liệu pháp điều trị viêm cổ tử cung cụ thể
- Kỳ vọng và ý kiến của bệnh nhân đối với quá trình điều trị.
Mặt khác, việc điều trị viêm cổ tử cung còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu bạn bị viêm cổ tử cung do kích ứng với chất diệt tinh trùng hoặc sản phẩm nước rửa phụ khoa, việc điều trị có thể không cần thiết. Mặt khác, nếu nguyên nhân gây viêm cổ tử cung là do nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, cả bạn và “đối tác” của bạn sẽ cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Việc điều trị nhằm mục đích giảm nhẹ các triệu chứng viêm cổ tử cung và ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan. Trong đó bao gồm sử dụng một số loại thuốc như:
- Doxycycline 100 mg uống 2 lần / ngày trong 7 ngày
- Azithromycin 1g uống một liều duy nhất.
Nếu bạn bị viêm cổ tử cung liên quan đến mụn rộp sinh dục, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc ức chế virus giúp giảm thời gian các triệu chứng của bệnh bùng phát. Tuy nhiên, không có cách nào chữa dứt điểm bệnh mụn rộp.
Lưu ý: Để giảm thiểu sự lây truyền và tái nhiễm, bạn nên kiêng quan hệ tình dục cho đến khi kết thúc quá trình điều trị viêm cổ tử cung và các triệu chứng thuyên giảm hoàn toàn.
Bạn cần lưu ý điều gì trước khi đi khám viêm cổ tử cung?
Tình trạng viêm cổ tử cung có thể được phát hiện tình cờ khi khám phụ khoa định kỳ. Tuy nhiên, nếu bạn phát hiện các triệu chứng bất thường và chủ động lên kế hoạch đến bệnh viện kiểm tra thì có thể cần lưu ý một số điều sau đây trước khi đi khám:
- Tránh sử dụng tampon
- Không thụt rửa âm đạo
- Cần lưu ý đến ngày quan hệ tình dục gần nhất
- Ghi chú các loại thuốc hoặc chất bổ sung bạn đang dùng để thông báo cho bác sĩ khi cần
- Chú ý đến những tác nhân có thể là yếu tố gây dị ứng, kích ứng
- Ghi chú lại tất cả những câu hỏi mà bạn muốn bác sĩ giải đáp để không bỏ sót vấn đề trong quá trình thăm khám.
Việc điều trị viêm cổ tử cung quan trọng vì nếu không chữa trị, các tác nhân gây viêm nhiễm như vi khuẩn, ký sinh trùng… có thể di chuyển lên tử cung và ống dẫn trứng. Từ đó gây ra bệnh viêm vùng chậu ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc gây viêm phúc mạc rất nguy hiểm. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên đi khám phụ khoa định kỳ để được phát hiện và chữa bệnh kịp thời.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Cervicitis
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: