Áp xe là gì?
Áp xe là một khối mềm với vùng da bao quanh màu từ hồng đến đỏ đậm. Người bệnh rất dễ dàng cảm nhận bằng cách nhấn vào nó. Trung tâm ổ áp xe chứa đầy mủ và các mảnh nhỏ.
Khi bạn chạm vào ổ áp xe sẽ thấy ấm và đau. Nó có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trong cơ thể bạn. Phổ biến nhất là ở nách, khu vực xung quanh hậu môn và âm đạo, vùng xương cùng cột sống, xung quanh răng và bẹn, có thể ở gan, não, vú, phổi,…
Bệnh áp xe có nguy hiểm không?
Khi không phát hiện và điều trị tích cực thì sẽ bị hủy hoại tổ chức. Không điều trị sẽ càng ngày càng nặng và lan rộng sang các vùng xung quanh gây thêm các ổ mới. Bên cạnh đó, biến chứng nhiễm trùng huyết là một bệnh cực kỳ nặng.
Nguyên nhân bị áp xe
Do tắc nghẽn tuyến dầu (bã nhờn) hoặc tuyến mồ hôi, viêm nang lông hoặc những vết rạn, thủng trên da gây ra. Vi trùng xâm nhập vào dưới da hoặc vào các tuyến này, gây ra phản ứng viêm – phản ứng phòng thủ của cơ thể để giết vi trùng.
Trung tâm ổ bệnh hóa lỏng và chứa tế bào chết, vi khuẩn và nhiều mảnh vụn. Khu vực này phát triển, tạo ra sự căng tức dưới da và tình trạng viêm lấn ra các mô xung quanh. Áp lực và viêm gây đau.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh áp xe
Những người có các đặc điểm sau có khả năng cao mắc bệnh:
- Điều kiện sống thiếu vệ sinh.
- Thường xuyên tiếp xúc với người bị nhiễm trùng da.
- Người gầy còm, suy kiệt, sức đề kháng kém.
- Nghiện rượu, ma túy.
- Mắc các bệnh như đái tháo đường, ung thư, AIDS, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn.
- Các bệnh về máu như bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh bạch cầu.
- Chấn thương nặng.
- Sử dụng corticoid kéo dài, các thuốc tiêm tĩnh mạch.
- Đang trong liệu trình hóa trị.
Phòng ngừa bệnh áp xe
Có thể được phòng ngừa bệnh bằng các biện pháp sau:
- Nâng cao, cải thiện môi trường sống.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.
- Xây dựng lối sống lành mạnh, tăng cường hệ miễn dịch.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc chất thải của người bệnh.
- Không lạm dụng rượu và sử dụng ma túy.
- Tuân thủ điều trị tốt các bệnh lý nhiễm khuẩn, các bệnh lý toàn thân như đái tháo đường.
- Đến gặp bác sĩ khi có các triệu chứng bất thường, không được tự ý điều trị, tránh để tổn thương lan rộng và nặng nề hơn.
Phương pháp điều trị khi bị áp xe
Thuốc kháng sinh thường được sử dụng và mủ cũng cần phải được dẫn lưu ra ngoài khi cần thiết. Áp xe dưới da cần trải qua một ca mổ nhỏ (tiểu phẫu) để rạch da và ép hoặc dẫn lưu mủ ra ngoài. Khi da lành sẽ hình thành sẹo. Nếu ở bên trong cơ thể yêu cầu ca mổ lớn hơn (đại phẫu) để dẫn lưu mủ ra ngoài. Các kỹ thuật khác nhau được đề nghị và lựa chọn tùy vào vị trí.
Xem thêm bài viết: Áp xe vú sau sinh – Những điều mẹ bỉm sữa cần biết
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Đừng quên ghé MedPlus mỗi ngày để cập nhật thêm nhiều tin tức tổng hợp nhé!