Viêm trợt hang vị dạ dày là giai đoạn tiến triển của viêm hang vị. Trình trạng này xảy ra có thể do bệnh nhân không điều trị hoặc không tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Các biến chứng nghiêm trọng khác có nguy cơ phát sinh nếu không kiểm soát kịp thời. Vậy nguyên nhân viêm trợt hang vị là gì? Cách điều trị và phòng chống bệnh này như thế nào. Tất cả sẽ được MedPlus giải đáp qua bài viết sau, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
Viêm trợt hang vị dạ dày là gì?
Cấu tạo dạ dày
Dạ dày là phần phình to nhất của ống tiêu hóa. Dạ dày rỗng có hình giống chữ J với hai mặt là mặt trước và mặt sau, hai bờ là bờ cong vị lớn và bờ cong vị nhỏ.
Các phần của dạ dày từ trên xuống dưới là:
- Tâm vị: có lỗ tâm vị thông với thực quản. Lỗ tâm vị không có cơ thắt hay van, chỉ có một nếp niêm mạc ngăn cách dạ dày và thực quản.
- Ðáy vị: phình to hình chỏm cầu, nằm phía trên mặt phẳng đi qua lỗ tâm vị.
- Thân vị dạ dày: nằm giữa đáy vị và phần môn vị.
- Môn vị: có hang môn vị (hang vị) tiết gastrine – hormone điều hòa bài tiết dịch vị, có lỗ môn vị thông với tá tràng.
Các loại viêm trợt hang vị dạ dày
Viêm trợt hang vị dạ dày là tình trạng diễn ra khá là phổ biến ở những bệnh nhân bị đau dạ dày mạn tính hay ở bệnh nhân viêm hang vị không điều trị.
Các loại viêm trợt hang vị dạ dày bao gồm:
Viêm trợt lồi
Viêm trợt lồi hang vị dạ dày xảy ra ở vị trí niêm mạc dạ dày lồi ra. Vì tiếp xúc nhiều với thức ăn gây ra những vết xước trên niêm mạc dạ dày.
Các vết xước vẫn tiếp tục tiếp xúc với thức ăn nên càng dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn từ thức ăn. Hơn nữa dịch vị dạ dày có tính acid nên tổn thương này ngày càng lan rộng và trở thành viêm loét nặng.
Viêm trợt phẳng
Loại viêm trợt này ngược lại với viêm trợt lồi. Chúng thường xảy ra ở nơi ít tiếp xúc với thức ăn. Chính vì vậy, các tổn thương loại này thường nông và phẳng.
Ban đầu tổn thương thường nhẹ, sau đó sẽ tiến triển nặng dần theo thời gian. Vì là tổn thương nhẹ nên thường bị bỏ qua. Khi phát hiện thì tổn thương thường đã tiến triển ở giai đoạn nặng.
Viêm trợt xung huyết
Loại viêm trợt này là do các vết xước kết hợp với tình trạng viêm nhiễm và gây ra xung huyết niêm mạc dạ dày.
Tình trạng viêm dẫn tới các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau, giãn mạch máu. Điều này có thể làm vỡ mạch máu dưới niêm mạc và chảy vào lòng dạ dày.
Nguyên nhân gây bệnh
Viêm trợt hang vị dạ dày có thể xảy ra nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng thông thường là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố.
Một số nguyên nhân phổ biến phải kể đến đó là:
Nhiễm xoắn khuẩn Helicobacter pylori
H.pylori là vi khuẩn kí sinh ở niêm mạc dạ dày. Chúng hoạt động bằng cách tạo ra men urease có khả năng trung hòa axit tại khu vực nó trú ngụ. Phản ứng với tình trạng này, dạ dày sẽ tiết nhiều axit và một số chất ăn mòn khác. Kết quả là dạ dày liên tục bị kích thích. Khi đã có sẵn các tổn thương ở niêm mạc hang vị dạ dày, việc nhiễm H.pylori sẽ làm trầm trọng thêm các tổn thương.
Vi khuẩn H.pylori cũng là nguyên nhân của nhiều bệnh lý về đường tiêu hóa khác. Chẳng hạn như bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) được sử dụng rất phổ biến trong điều trị. Chẳng hạn như trong giảm đau, kháng viêm.
Việc lạm dụng NSAIDs có thể gây ức chế cyclooxygenase (COX) trong cơ quan tiêu hóa. COX-2 là một phần của phản ứng viêm, gây giãn mạch và ức chế tiểu cầu. Sự ức chế COX-2 của NSAIDs có tác dụng đối với đau, sốt và viêm nhiễm.
Khi niêm mạc dạ dày đang bị tổn thương do viêm, sử dụng NSAIDs có thể làm tình trạng viêm tiến triển nặng, xuất hiện vết trợt loét và tăng nguy cơ xuất huyết.
Uống rượu bia
Rượu bia có cồn và một số hóa chất khác có khả năng bào mòn lớp niêm mạc. Đồng thời chúng cũng kích thích dạ dày co bóp mạnh hơn và tăng bài tiết acid.
Rủi ro sẽ cao hơn khi uống rượu lúc bụng đói. Đây được cho là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm trợt hang vị dạ dày.
Các nguyên nhân khác gây viêm trợt hang vị dạ dày
Ngoài các nguyên nhân chính kể trên, có một số yếu tố, điều kiện có liên quan đến sự hình thành bệnh viêm trợt hang vị dạ dày như:
- Ngộ độc thực phẩm.
- Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động.
- Căng thẳng thần kinh kéo dài.
- Uống trà đặc, cà phê.
- Thường xuyên ăn thực phẩm cay nóng.
Các triệu chứng của viêm trợt hang vị dạ dày
Bệnh nhân viêm trợt hang vị dạ dày có thể thấy các triệu chứng:
Đau thượng vị
Cơn đau thường khởi phát ở vị trí trên rốn. Đau âm ỉ hay dữ dội tùy vào mức độ bệnh.
Sau khi ăn, thời tiết chuyển lạnh là yếu tố làm xuất hiện cơn đau.
Tuy nhiên có rất nhiều bệnh lý khác cũng gây đau vùng thượng vị. Do đó, để biết nguyên nhân chính xác bạn cần đi khám bác sĩ để được xem xét cụ thể tình trạng bệnh.
Ợ hơi, ợ chua
Triệu chứng ợ hơi, ợ chua là do dạ dày tăng tiết axit dịch vị. Đồng thời chức năng tiêu hóa bị giảm sút khiến thức ăn tồn đọng và lên men trong dạ dày. Do đó, làm phát sinh triệu chứng ợ hơi, ợ chua.
Triệu chứng này cũng có thể gặp trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Buồn nôn, nôn
Buồn nôn, nôn có thể là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý trong đó có viêm trợt hang vị dạ dày.
Buồn nôn, nôn có thể do những cơn ợ liên tục và sự tiết dịch vị quá nhiều của niêm mạc dạ dày.
Sụt cân
Sự xuất hiện các vết trợt trong niêm mạc dạ dày là chúng tiêu hóa kém và chậm hấp thu. Bên cạnh đó, các triệu chứng khác của bệnh cũng có thể khiến bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn. Từ đó gây sụt cân.
Chẩn đoán bệnh viêm trợt hang vị dạ dày
Chẩn đoán cận lâm sàng gồm có X quang ngực bụng hoặc nội soi dạ dày
X quang
X quang là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh thực hiện nhanh, giá rẻ, dễ thực hiện và không gây đau đớn.
Tuy nhiên chụp X quang có thể bỏ sót những tổn thương nhỏ, tổn thương ở giai đoạn sớm. Đồng thời X quang chỉ có thể xác định vị trí tổn thương kích thước từ trung bình đến lớn mà không biết được nguyên nhân.
Nội soi để chẩn đoán viêm trợt hang vị dạ dày
Nội soi là phương tiện có độ chính xác cao hơn và cho hình ảnh rõ ràng hơn X quang 2 chiều.
Nội soi có thể thấy niêm mạc dạ dày và các tổn thương dù rất nhỏ. Bên cạh đó phương pháp này có thể kèm theo sinh thiết để xác định nguyên nhân gây bệnh.
Ngoài ra nội soi có ưu điểm khác là có thể giúp xác định tế bào ác tính hay lành tính. Nếu ổ loét xuất huyết thì có thể thực hiện việc cầm máu.
Tuy vậy, chi phí nội soi hiện nay cũng khá cao và có thể gây đau đớn cho bệnh nhân.
Điều trị bệnh viêm trợt hang vị dạ dày
Điều trị viêm trợt hang vị dạ dày bằng cách sử dụng thuốc
Thuốc hiện đang là phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân viêm trợt hang vị dạ dày. Tùy thuộc nguyên nhân và biểu hiện cụ thể của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ cân nhắc các loại thuốc phù hợp:
- Thuốc kháng sinh: dùng khi nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm khuẩn. Thuốc kháng sinh sẽ được kết hợp cùng các loại thuốc khác để kiểm soát triệu chứng.
- Thuốc ức chế bơm proton: có khả năng ức chế tiết axit dạ dày trong thời gian dài.
- Thuốc kháng acid (antacid): có khả năng kháng acid dạ dày và bảo vệ niêm mạc. Thuốc này thường có tác dụng nhanh, kiểm soát triệu chứng nhanh.
- Thuốc ức chế thụ thể histamine H2: giảm tiết acid dạ dày nhờ ức chế các tế bào viêm. Thuốc ức chế thụ thể H2 thường được chỉ định thay thế thuốc ức chế bơm proton trong một số trường hợp.
Các loại thuốc trên cần được sử dụng theo đúng chỉ định và phác đồ của bác sĩ. Vì chúng có thể gây một số tác dụng không mong muốn. Do đó, bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà.
Can thiệp ngoại khoa
Trong trường hợp có phát sinh biến chứng thì cần phải can thiệp ngoại khoa để kịp thời kiểm soát.
Các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị cần được chỉ định phẫu thuật sớm.
Phẫu thuật chỉ được áp dụng trong những trường hợp thật sự cần thiết. Bởi chúng có thể có nhiều rủi ro sau phẫu thuật như nhiễm trùng, rối loạn chức năng co bóp dạ dày, hình thành sẹo.
Phòng chống
Để phòng tránh viêm trợt hang vị dạ dày bạn nên xây dựng một chế ăn uống cũng như sinh hoạt khoa học. Chẳng hạn, bạn có thể:
- Ăn uống đủ chất, nhiều rau xanh và hoa quả. Hạn chế ăn chua, cay, nóng. Ngừng uống rượu bia, hút thuốc lá nếu có thể.
- Ăn chậm nhai kỹ.
- Ngủ đủ giấc, không thức quá khuya.
- Tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Trên đây là bài viết của MedPlus về bệnh viêm trợt hang vị dạ dày. Hy vọng thông qua bài viết trên bạn đã có thêm những kiến thức cần thiết về căn bệnh này. Khi có các biểu hiện khó chịu như buồn nôn, nôn, đau bụng, bạn cần đi khám bác sĩ để tìm hiểu chính xác nguyên nhân.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Gastritis
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: