Ghép giác mạc không còn là một thủ thuật hiếm gặp. Nó được chỉ định để điều trị rất nhiều tình trạng bệnh về mắt. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu về ghép giác mạc và những lưu ý sau khi phẫu thuật để sớm hồi phục.
Mời bạn cùng MedPlus tìm hiểu và khám phá cụ thể hơn trong bài viết này nhé!
Tìm hiểu chung
Ghép giác mạc là gì?
Giác mạc là bề mặt trong suốt, hình vòm nằm ở phía trước của mắt, bao phủ phần con ngươi của mắt. Giác mạc giúp tập trung tia sáng đến võng mạc để bạn có thể nhìn rõ vật.
Ghép giác mạc là một loại phẫu thuật nhằm loại bỏ hoàn toàn hoặc một phần giác mạc bị hỏng và thay thế bằng giác mạc khỏe mạnh từ người hiến tặng.
Khi nào cần thực hiện?
Khi giác mạc bị tổn thương, chúng trở nên kém trong suốt hoặc thay đổi hình dạng. Điều này có thể ngăn cản ánh sáng truyền đến võng mạc, khiến thị lực của bạn bị suy giảm.
Ghép giác mạc thường được tiến hành nhằm phục hồi thị lực cho những người có giác mạc bị hỏng. Ghép giác mạc cũng có thể giúp giảm đau, loại bỏ nhiễm trùng, điều chỉnh các vấn đề về thị lực hoặc cải thiện các triệu chứng khác liên quan đến bệnh về giác mạc.
Một số trường hợp sẽ được chỉ định ghép giác mạc, bao gồm:
- Bệnh giác mạc hình chóp khiến giác mạc lồi ra phía trước
- Chứng loạn dưỡng giác mạc Fuchs, loạn dưỡng giác mạc lưới
- Giác mạc quá mỏng, bị rách hoặc thủng
- Sẹo giác mạc do nhiễm trùng hoặc chấn thương
- Viêm giác mạc
- Nhiễm trùng giác mạc tái phát sau khi điều trị bằng thuốc kháng sinh
- Loét giác mạc đã được điều trị nhưng không cải thiện
- Các biến chứng do phẫu thuật mắt trước đó gây ra.
Thận trọng
Những điều bạn cần biết trước khi ghép giác mạc
Giác mạc có nhiều lớp xếp chồng lên nhau. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tổn thương cho giác mạc, tình trạng của giác mạc, nhu cầu cá nhân mà mỗi bệnh nhân sẽ được thay thế từng lớp hay toàn bộ giác mạc. Cụ thể như sau:
- Ghép toàn bộ giác mạc (PK). Tiến hành khi cả lớp giác mạc phía trước và bên trong đều bị hỏng. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ toàn bộ giác mạc bất thường và thay thế nó bằng một giác mạc khỏe mạnh, được cắt vừa vặn. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng chỉ khâu để cố định giác mạc mới vào vị trí.
- Ghép giác mạc phiến trước (ALK). Nếu lớp nội mô trong cùng của giác mạc vẫn khỏe mạnh, chỉ có lớp giữa và/hoặc lớp ngoài bị tổn thương, bác sĩ sẽ loại bỏ một hoặc cả hai lớp này để thay thế chúng bằng mô giác mạc khỏe mạnh.
- Ghép giác mạc nội mô (EK). Loại phẫu thuật này sẽ được chỉ định trong trường hợp lớp trong cùng của giác mạc bị hỏng. Bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ và thay thế các lớp mô bị hỏng ở phía sau của giác mạc, bao gồm lớp nội mô và một lớp mô mỏng bảo vệ nội mô khỏi bị thương và nhiễm trùng.
Trong một số trường hợp, nếu bạn không đủ điều kiện ghép giác mạc từ giác mạc của người hiến tặng, bác sĩ có thể chỉ định tiến hành ghép giác mạc nhân tạo.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ thăm khám và thảo luận cùng bạn để đưa ra quyết định loại cấy ghép nào là phù hợp và tốt nhất cho tình trạng mắt của bạn.
Các biến chứng và tác dụng phụ
Hầu hết các ca ghép giác mạc đều an toàn và khả năng thành công rất cao. Tuy nhiên, giống như nhiều loại phẫu thuật khác, nó vẫn có tỉ lệ nhỏ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Nhiễm trùng mắt
- Tăng nhãn áp
- Các vấn đề với mũi khâu được sử dụng để cố định giác mạc sau khi cấy ghép
- Thải ghép giác mạc của người hiến tặng. Nếu có khô mắt, phát triển mạch máu trong giác mạc và nhiễm trùng mắt thì khả năng giác mạc mới bị cơ thể đào thải sẽ càng cao.
- Chảy máu
- Các vấn đề về võng mạc, chẳng hạn như bong hoặc sưng võng mạc
- Các vấn đề về thị lực khác như loạn thị, viêm màng bồ đào…
Biến chứng thải ghép giác mạc của người hiến tặng thường xảy ra với khoảng 20% ca ghép giác mạc toàn bộ. Tình trạng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn tấn công nhằm loại bỏ giác mạc mới. Triệu chứng của thải ghép gồm có: mất thị lực, đau mắt, mắt đỏ, nhạy cảm với ánh sáng. Thải ghép có thể xảy ra trong vài tuần sau phẫu thuật, nhưng đôi khi sau hơn vài tháng mới xuất hiện. Tình trạng này được phòng ngừa và điều trị bằng thuốc corticoid.
Nếu gặp triệu chứng thải ghép, các vấn đề bất thường về thị lực hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, chảy dịch mắt, đau mắt cần tái khám ngay nhé.
Quy trình
Chuẩn bị trước khi ghép giác mạc
Trước khi phẫu thuật ghép giác mạc, bạn sẽ được:
- Kiểm tra mắt kỹ lưỡng nhằm tìm kiếm xem có các yếu tố nào có thể gây biến chứng sau phẫu thuật hay không.
- Đo kích thước giác mạc của bạn để tìm và chuẩn bị một giác mạc thay thế có kích thước phù hợp.
- Tìm giác mạc hiến tặng phù hợp, thường đến từ người hiến tặng đã qua đời. Mỗi giác mạc hiến tặng đều trải qua quá trình kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo rằng nó khỏe mạnh và an toàn cho việc cấy ghép.
- Đánh giá về tất cả các loại thuốc và chất bổ sung đang dùng, bạn có thể phải tạm ngừng dùng một số loại trước hoặc sau khi ghép giác mạc.
- Điều trị các vấn đề về mắt khác trước khi phẫu thuật nhằm tăng tỷ lệ thành công khi ghép giác mạc, chẳng hạn như viêm hoặc nhiễm trùng.
Quá trình ghép giác mạc như thế nào?
Bạn được gây mê toàn thân hoặc gây tê cục bộ. Ca phẫu thuật thường diễn ra trong khoảng một giờ.
Trong quá trình này, bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ đặc biệt để giữ cho mắt luôn mở và tiến hành loại bỏ lớp giác mạc hư hỏng, gắn giác mạc khỏe mạnh vào.
Nếu phẫu thuật cấy ghép lớp ngoài của giác mạc, giác mạc mới sẽ được giữ cố định bằng các mũi khâu. Còn nếu thực hiện tạo lớp sừng nội mô thì không cần khâu mà sử dụng một bong bóng khí để đẩy giác mạc mới vào đúng vị trí.
Đôi khi, bác sĩ cũng đồng thời sửa chữa luôn những vấn đề về mắt khác, chẳng hạn như đục thủy tinh thể.
Tùy thuộc vào tình trạng mắt sau phẫu thuật, bạn có thể xuất viện ngay trong ngày hoặc cần ở lại bệnh viện qua đêm để được theo dõi thêm.
Điều gì xảy ra sau khi ghép giác mạc?
Sau khi hoàn thành ghép giác mạc, bạn cần quay lại gặp bác sĩ để kiểm tra mắt, thường trong vòng 24 – 48 giờ sau khi phẫu thuật. Trong thời gian chờ đợi mắt phục hồi, bạn nên:
- Sử dụng thuốc đúng chỉ định để giúp kiểm soát nhiễm trùng, giảm sưng và đau, đồng thời ngăn chặn tình trạng thải ghép giác mạc.
- Bảo vệ mắt bằng tấm che mắt của bệnh viện hay đeo kính.
- Nằm ngửa, tùy thuộc vào loại cấy ghép, bạn có thể cần nằm ngửa một lúc sau khi phẫu thuật để giúp giác mạc mới nằm đúng vị trí.
- Đừng dụi hoặc ấn vào mắt hay thực hiện bất kỳ hoạt động nào có thể va chạm trực tiếp vào mắt. Điều này sẽ khiến mắt bị tổn thương và lâu hồi phục. Bắt đầu lại với các hoạt động hàng ngày một cách từ từ.
Một số người bệnh sẽ được cắt chỉ khâu sau 1 năm phẫu thuật nhưng không phải ai cũng cần cắt chỉ.
Phục hồi
Phục hồi sau khi ghép giác mạc
Thời gian phục hồi sau khi ghép giác mạc phụ thuộc vào loại cấy ghép được tiến hành. Nếu chỉ thay thế lớp ngoài và lớp giữa của giác mạc thì thời gian phục hồi sẽ nhanh hơn, trong vòng 3 tháng có thể đạt thị lực tốt. Còn nếu cần tiến hành thay thế lớp nội mô bên trong thì có thể mất đến 1 năm để đạt được thị lực tốt.
Sau phẫu thuật thay thế toàn bộ giác mạc, bạn có thể cần đeo kính hoặc phẫu thuật bổ sung để điều chỉnh thị lực.
Điều quan trọng là phải chăm sóc mắt để nâng cao cơ hội hồi phục tốt hơn. Bạn nên:
- Tránh tập thể dục hoặc mang vác vật nặng trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật.
- Tránh xa khói bụi và môi trường ô nhiễm có thể gây kích ứng mắt. Đeo kính râm khi đi ra ngoài trời.
- Không dụi mắt và tránh tham gia các môn thể thao tiếp xúc và bơi lội cho đến khi được bác sĩ cho phép.
- Hãy hỏi bác sĩ về thời điểm được trở lại với công việc, được lái xe.
Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn ghép giác mạc là thủ thuật gì và những vấn đề liên quan đến loại phẫu thuật này. Nếu gặp các vấn đề bất thường về mắt tAbouthì đừng quá lo lắng mà hãy tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: About Corneal Transplantation
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: