Vết loét tiểu đường là một trong các biến chứng phổ biến và dễ quan sát thấy nhất, thường gặp ở cả bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 lâu năm. Đây cũng là một trong những nỗi lo của bệnh nhân tiểu đường vì nếu không phát hiện kịp thời, các vết loét này đã hoại tử sẽ khiến bệnh nhân phải cắt cụt chi.
Vậy những vết lở loét này thực chất là gì? Những ai có nguy cơ mắc phải và phải làm gì để xử lý chúng?
Hãy cùng MedPlus tìm hiểu ngay qua các thông tin sau đây nhé!
Vết loét tiểu đường là gì? Dấu hiệu để nhận biết sớm
Vết loét tiểu đường là những vết thương hở thường thấy ở chân của người bệnh tiểu đường. Đây có thể là biến chứng thần kinh hoặc mạch máu ở người bệnh tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2.
Để can thiệp và ngăn chặn vết loét tiểu đường tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm hơn, bệnh nhân cần quan sát và đi khám bác sĩ ngay khi phát hiện các dấu hiệu như:
- Tê hoặc mất cảm giác ở một hoặc cả hai chân.
- Phù chân, da sẫm màu, chuyển sang màu đen hoặc nóng xung quanh vết thương.
- Đỏ ngón chân hoặc bàn chân.
- Chảy dịch từ bàn chân làm bẩn tất hoặc giày và có mùi khó chịu.
- Đau hoặc cứng xung quanh vết thương.
- Sốt và ớn lạnh trong khi phát triển các triệu chứng loét chân kể trên.
Những yếu tố nguy cơ cao gây loét tiểu đường
Vết loét tiểu đường có tỷ lệ mắc phải hằng nằm vào khoảng 2-6% và ảnh hưởng đến 34% bệnh nhân đái tháo đường trong suốt cuộc đời của họ. Các yếu tố nguy cơ phát triển vết loét tiểu đường liên quan đến bệnh bao gồm:
- Bệnh tiểu đường tuýp 2 phổ biến hơn tuýp 1.
- Thời gian mắc bệnh tiểu đường ít nhất là 10 năm.
- Kiểm soát bệnh tiểu đường kém và HbA1C cao.
- Bệnh nhân nam có nguy cơ cao hơn nữ.
- Đã có tiền sử loét chân do tiểu đường.
Ngoài ra, một số tác nhân khác cũng làm tăng nguy cơ bị lở loét do đái tháo đường, chẳng hạn như:
- Thừa cân, béo phì.
- Lưu thông máu kém.
- Mang giày không vừa, đi chân trần.
- Lão hóa.
- Hút thuốc.
- Uống quá nhiều rượu.
- Cholesterol máu cao.
Điều trị vết loét tiểu đường
Mục tiêu chính trong điều trị các vết loét tiểu đường là chữa lành càng nhanh càng tốt. Vết thương càng nhanh lành thì khả năng nhiễm trùng càng ít. Để thực hiện được mục tiêu này cần có các bước sau:
- Phòng ngừa nhiễm trùng bằng cách kiểm soát đường huyết chặt chẽ và giữ cho vết thương sạch sẽ.
- Giảm áp lực và kích ứng lên vùng da chân đang bị loét nhờ vào các dụng cụ hỗ trợ di chuyển như nạng hoặc xe lăn.
- Xử lý vết thương bằng bông băng và thuốc bôi tại chỗ. Có thể làm sạch vết thương với nước muối nhưng không khuyến khích sử dụng betadine, peroxide – có thể gây nên những biến chứng khác. Vết thương được khuyến khích băng lại để duy trì môi trường ẩm nhằm giúp các vết loét chảy nước được cân bằng và lành lại nhanh hơn.
- Phục hồi lưu lượng máu để đảm bảo đủ lưu thông máu đến chân.
- Những trường hợp xấu và hoặc vết loét tiến triển nhanh chóng, cần thiết phải phẫu thuật để cắt loại vết thương hoặc cắt cụt chi khi vết thương đã hoại tử.
Cách phòng ngừa vết loét tiểu đường
Cách tốt nhất để điều trị các vết loét tiểu đường là ngăn ngừa chúng xảy ra. Trong đó, khuyến nghị đầu tiên là bạn cần đi khám bác sĩ và tự kiểm tra thường xuyên. Kiểm tra cả hai bàn chân mỗi ngày, đặc biệt là giữa các ngón chân và lòng bàn chân. Tìm vết sưng, vết cắt, vết nứt, vết phồng rộp, vết loét, mẩn đỏ hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác. Nếu phát hiện bất kỳ vấn đề nào, hãy hẹn gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, để làm giảm nguy cơ tạo ra vết loét tiểu đường, bạn nên:
- Luôn đi giày vừa vặn với chân, tốt nhất là nên đi tất mềm. Đi giày không vừa chân chiếm đến ½ các trường hợp phát triển vết loét tiểu đường trên chân.
- Không đi chân trần, kể cả ở nhà bạn cũng nên mang dép.
- Rửa sạch tay, chân hai lần mỗi ngày bằng xà phòng và lau khô cẩn thận. Nếu da khô, có thể bôi kem dưỡng ẩm nhưng lưu ý tránh để kem ứ đọng tại các kẽ ngón tay, ngón chân.
- Không mặc quần quá bó sát hoặc các trang phục siết chặt từ phần đùi trở lên gây cản trở lưu thông máu đến chân.
- Không đi dép, giày cao gót và các loại giày dép có dây kẹp giữa các ngón chân.
- Cắt ngắn móng chân. Lưu ý luôn cắt thẳng hàng để tránh móng mọc ngược và tránh gây xước móng khi cắt, tạo điều kiện hình thành vết thương hở.
Hy vọng các thông tin trên đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về vết loét tiểu đường thường gặp ở chân và bàn chân. Từ đó, biết cách chăm sóc những vết thương này hiệu quả hơn, tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm khác nhé!
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Frequently Asked Questions: Diabetic Foot Ulcers | Michigan Medicine
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: