Cùng Medplus tìm hiểu căn bệnh huyết khối tĩnh mạch là gì bạn đọc nhé!
1. Huyết khối tĩnh mạch là gì?
Bình thường, máu sẽ tim bóp ra đi theo động mạch đến nuôi các cơ quan. Sau đó, sẽ về lại tim theo đường tĩnh mạch. Có ba loại tĩnh mạch chính: tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu và tĩnh mạch xuyên.
Huyết khối tĩnh mạch là hiện tượng có cục máu đông hình thành trong lòng tĩnh mạch. Gây tắc nghẽn dòng máu đi về tim làm xuất hiện các triệu chứng tại chỗ và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm khi cục máu đông di chuyển đến nơi khác.
Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể được coi là một tình trạng cấp cứu, do đó tình trạng này cần được đánh giá và xử lý nhanh chóng bởi bác sĩ.
2. Nguyên nhân bị huyết khối tĩnh mạch
Có nhiều yếu tố khác nhau cấu thành nên sự hình thành của huyết khối, được khái quát bởi ba yếu tố quan trọng: Ứ trệ tuần hoàn, tăng đông, tổn thương tế bào lót ở trong mạch máu (tế bào nội mô).
Sự phối hợp của ba yếu tố này được ví như “kiềng ba chân” làm khởi phát quá trình đông máu và hình thành cục huyết khối lòng mạch. Tuy nhiên, mỗi có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên mỗi cái “kiềng” này:
Ứ trệ tuần hoàn
Nằm lâu, bất động kéo dài, sau phẫu thuật, suy van tĩnh mạch…
Tăng đông
Phẫu thuật, bệnh lý ác tính, rối loạn chức năng đông máu, thai kỳ, đột biến gen …
Tổn thương lớp tế bào bên trong mạch máu
Phẫu thuật, chấn thương, nhiễm trùng, xơ vữa,…
Dựa vào cái “kiềng ba chân” đã nói ở trên, những người có nguy cơ bị bệnh cao gồm có:
- Người già, lớn tuổi.
- Nằm bất động kéo dài, đặc biệt là sau phẫu thuật hoặc chấn thương.
- Phụ nữ mang thai, sau sinh.
- Sử dụng thuốc ngừa thai kéo dài.
- Mắc bệnh ác tính, tự miễn.
- Hút thuốc lá.
- Suy tim.
- Rối loạn tăng đông bẩm sinh.
Nếu khi khú trú tại chỗ, huyết khối có thể không gây triệu chứng gì đáng kể. Nhưng khi cục máu đông này lưu hành theo tĩnh mạch về tim phải, và sau đó sẽ được tim bóp lên phổi, và có thể có nguy cơ gây thuyên tắc phổi. Một biến chứng cực kỳ nguy hiểm đe doạ trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Nguy cơ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
3. Triệu chứng của bệnh huyết khối tĩnh mạch là gì?
Triệu chứng:
- Đau nhức âm ỉ vị trí mạch máu.
- Sưng tấy, đỏ đau.
- Có thể sờ được mạch máu viêm.
Huyết khối tĩnh mạch sâu triệu chứng thường ở chân và có phần mơ hồ hơn. Nhưng âm thầm và có nhiều hệ lụy nguy hiểm hơn nếu biến chứng xảy ra. Một số dấu hiệu có thể thấy:
- Đau mức độ có thể thay đổi từ cảm giác nặng chân, tăng khi đi lại cho đến đau nhức dữ dội.
- Sưng nề, quan sát sẽ có thể thấy sự khác biệt giữa hai chân.
- Có thể đỏ da hoặc màu sắc bất thường.
- Sờ da vùng đó ấm nóng.
Khi có biến chứng, một số dấu hiệu cấp tính báo động có thể xuất hiện:
- Đột ngột khó thở dữ dội.
- Đau ngực mỗi một lúc càng nặng hơn.
- Xay xẩm, hoa mắt, ngất xỉu.
- Ho ra máu.
Tuỳ vào triệu chứng, cơ địa, tiền căn huyết khối của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ xếp nhóm nguy cơ và chỉ định các xét nghiệm cần thiết để đánh giá tình trạng huyết khối. Các phương tiện, xét nghiệm thường dùng nhất là D-dimer trong máu , siêu âm mạch máu và chụp cắt lớp điện toán xoắn ốc (hay gọi là CT scan).
4. Điều trị huyết khối tĩnh mạch như thế nào?
Chủ yếu là ngăn ngừa biến chứng và trực tiếp tránh thuyên tắc phổi là quan trọng nhất. Nếu bệnh nền thúc đẩy tình trạng huyết khối nặng nề thì điều trị bệnh nền là chìa khoá cốt lõi. Trong điều trị cục máu đông, có thể sử dụng vớ hỗ trợ và thuốc khác nhau bao gồm thuốc kháng đông, thuốc tiêu sợi huyết, các phương pháp can thiệp nội mạch có thể được cân nhắc tuỳ theo mức độ bệnh và tình trạng đáp ứng thuốc.
Nói chung điều trị dựa vào nhiều yếu tố, không hoàn toàn giống nhau giữa các cá thể khác nhau. Và sử dụng thuốc kháng đông chưa bao giờ là dễ dàng, vì bản thân chúng cũng có thể gây ra nhiều tai biến nguy hiểm. Hãy tham vấn bác sĩ điều trị để đảm bảo an toàn cho bản thân nhé.
Phòng ngừa:
- Thay đổi lối sống tích cực: Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá.
- Kiểm soát cân nặng, thường xuyên vận động thể dục thể thao.
- Tránh nằm/ngồi bất động kéo dài, đặc biệt là đối tượng lớn tuổi. Khi ở trên các phương tiện ngồi lâu như tàu hoả, máy bay, nên thỉnh thoảng đi lại nhẹ nhàng.
- Vận động nhẹ nhàng, vừa sức sau phẫu thuật dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Cố gắng không để đôi chân của bạn “nằm yên” quá lâu.
Tìm hiểu từ nguồn: Verywell Health
Như vậy, Medplus đã cung cấp cho bạn đọc đầy đủ thông tin hữu ích về bệnh huyết khối tĩnh mạch, hy vọng bài đọc sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích, giúp bạn nâng cao tầm hiểu biết mà hạnh phúc hơn.
Bên cạnh đó, Medplus cũng cung cấp một số thông tin liên quan :