Bệnh mạch vành là tình trạng các động mạch vành có vai trò cung cấp máu, oxy và chất dinh dưỡng cho tim bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn do sự tích tụ của các mảng xơ vữa, từ đó làm giảm lưu lượng máu đến tim. Đây là một căn bệnh nguy hiểm vì có thể khiến tim hoạt động kém hiệu quả, nhịp tim không đều và làm tăng nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Thế nhưng, liệu bệnh mạch vành có chữa được không? Để giải đáp thắc mắc này, mời bạn cùng tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây của MedPlus nhé.
Bệnh mạch vành có nguy hiểm không?
Bệnh mạch vành là một căn bệnh nguy hiểm. Khi lưu lượng máu đến cơ tim giảm do các động mạch vành bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, tim không thể hoạt động hiệu quả như bình thường. Điều này dẫn đến một loạt vấn đề tim mạch và các biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng như:
- Đau thắt ngực: Khi động mạch vành bị thu hẹp, tim sẽ không nhận đủ lượng máu cần thiết, đặc biệt là khi gắng sức. Điều này có thể dẫn đến tình trạng đau thắt ngực – cơn đau thắt nghẹt, bó chặt, đè ép, căng tức hoặc âm ỉ, có thể lan đến vai trái, cánh tay, cổ, hàm hoặc lưng.
- Nhịp tim bất thường: Nếu tim không nhận đủ oxy, các mô tim đảm nhận nhiệm vụ điều hòa nhịp tim có thể bị ảnh hưởng, từ đó có thể khiến tim đập không đều và gây rối loạn nhịp tim. Ngoài ra, các vấn đề về nhịp tim cũng có thể làm giảm hoạt động bơm máu của tim, dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng suy tim. Không những vậy, một số vấn đề liên quan đến nhịp tim, đặc biệt là tình trạng rung nhĩ, dễ gây hình thành cục máu đông. Những cục máu đông này có thể di chuyển theo dòng máu và gây đột quỵ não.
- Suy tim: Khi một vùng của tim bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng trong thời gian dài, tim sẽ trở nên yếu và không còn đủ khả năng bơm máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này được gọi là suy tim. Các triệu chứng suy tim sẽ khác nhau ở từng người như kiệt sức, khó thở, đau ngực hoặc tim đập nhanh. Suy tim nặng khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hằng ngày, chẳng hạn như leo cầu thang hoặc đi dạo.
- Nhồi máu cơ tim: Bệnh mạch vành có nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim nếu động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn. Khi tình trạng này kéo dài, phần cơ tim không nhận đủ oxy có thể bị chết và gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh mạch vành có chữa được không? Điều trị như thế nào?
“Bệnh mạch vành có chữa được không?” là thắc mắc chung của không ít người bệnh. Thực tế, vẫn chưa có cách chữa khỏi bệnh mạch vành hoàn toàn. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị có thể giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng, đồng thời hạn chế nhiều biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Điều trị nội khoa
Hiện có nhiều loại thuốc khác nhau có thể được sử dụng để điều trị bệnh mạch vành. Các loại thuốc này thường có tác dụng giảm huyết áp hoặc mở rộng mạch máu.
Nhóm thuốc chẹn canxi là nhóm thuốc có thể được chỉ định để điều trị bệnh mạch vành. Nhóm thuốc này có thể giúp điều trị bệnh mạch vành bằng cách:
- Thư giãn các cơ trong thành động mạch, giúp mở rộng động mạch và làm tăng lưu lượng máu đến cơ tim
- Ngăn ngừa co thắt động mạch vành.
- Giảm huyết áp và giảm khối lượng công việc của tim
- Làm chậm nhịp tim nhanh và kiểm soát nhịp tim không đều.
Bên cạnh nhóm thuốc chẹn canxi thì còn có những nhóm thuốc điều trị bệnh mạch vành khác như:
- Thuốc làm loãng máu và hạn chế sự hình thành của các cục máu đông, từ đó làm giảm đáng kể nguy cơ nhồi máu cơ tim.
- Thuốc giúp kiểm soát mức cholesterol trong máu như nhóm thuốc statin, niacin, fibrat và chất cô lập acid mật có khả năng làm giảm lượng cholesterol xấu tích tụ bên trong lòng động mạch, từ đó giúp quá trình kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.
- Thuốc chẹn beta có tác dụng làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp và giảm nhu cầu oxy của tim [4,5]. Trong trường hợp bệnh nhân từng bị nhồi máu cơ tim, nhóm thuốc điều trị bệnh mạch vành này cũng làm giảm nguy cơ xuất hiện cơn nhồi máu cơ tim khác trong tương lai.
- Thuốc ức chế men chuyển và thuốc ức chế thụ thể angiotensin II: Hai nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế sự hình thành hoặc ngăn cản hoạt động của angiotensin, một hợp chất tự nhiên có khả năng thu hẹp mạch máu. Từ đó, thuốc giúp giảm huyết áp cũng như hạn chế tình trạng tim phải làm việc quá sức.
Khi bị bệnh mạch vành, bạn hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn lựa chọn thuốc điều trị phù hợp. Bạn cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và không tự ý ngưng dùng thuốc đột ngột vì điều này có thể làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.
Điều trị ngoại khoa
Nếu động mạch vành bị thu hẹp nghiêm trọng do sự tích tụ của các mảng xơ vữa hoặc triệu chứng bệnh không thể được kiểm soát bằng cách sử dụng thuốc, bạn có thể cần được can thiệp ngoại khoa.
- Nong mạch và đặt stent (tái thông mạch vành qua da): Với thủ thuật này, bác sĩ sẽ chèn một ống thông dài, mỏng vào phần bị thu hẹp trong lòng động mạch. Sau đó, bóng hoặc stent sẽ được đưa vào vị trí này để mở rộng động mạch.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG): Bác sĩ sẽ sử dụng mạch máu từ các bộ phận khác trên cơ thể như ngực, cánh tay hoặc chân để thay thế phần mạch máu cũ đã bị hẹp, từ đó tạo ra một con đường mới giúp cung cấp máu giàu oxy đến cơ tim. Tuy nhiên, đây là một phẫu thuật hở nên thường chỉ được sử dụng cho những bệnh nhân có nhiều động mạch vành bị hẹp.
- Ghép tim: Trong một số trường hợp, khi tim bị tổn thương nghiêm trọng và không còn đủ khả năng bơm máu đi nuôi cơ thể (suy tim), người bệnh mạch vành có thể cần phải ghép tim.
Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và làm chậm tiến triển của bệnh mạch vành. Theo đó, người bệnh nên:
- Bỏ thuốc lá: Nicotine trong thuốc lá có thể gây co mạch máu và buộc tim phải làm việc nhiều hơn. Trong khi đó, carbon monoxide có thể làm giảm lượng oxy và làm hỏng lớp niêm mạc bên trong mạch máu. Vì vậy, nếu bạn hút thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những phương pháp giúp bỏ thuốc.
- Kiểm soát các vấn đề sức khỏe khác: Nếu mắc phải các bệnh lý khác, đặc biệt là cholesterol cao, huyết áp cao và đái tháo đường, bạn cần có phương pháp kiểm soát bệnh hiệu quả.
- Xây dựng chế độ ăn tốt cho tim mạch: Người mắc bệnh mạch vành nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và các loại hạt. Đồng thời, hạn chế tối đa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, giảm muối và đường. Các chuyên gia cũng khuyên bạn nên bổ sung một hoặc hai phần cá vào thực đơn mỗi tuần để giúp nâng cao sức khỏe tim mạch.
- Hạn chế rượu bia: Mỗi ngày, nữ giới chỉ nên uống 1 ly, còn nam giới chỉ nên uống 2 ly.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp giảm cân, nâng cao sức khỏe và giải tỏa căng thẳng hiệu quả. Theo đó, mỗi tuần, người bệnh mạch vành nên dành 150 phút để thực hiện các bài tập cường độ vừa hoặc 75 phút để thực hiện các bài tập cường độ cao.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Bệnh mạch vành có chữa được không?”. Đây là một căn bệnh nguy hiểm có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng đe dọa tính mạng. Vì vậy, nếu được chẩn đoán mắc bệnh mạch vành, bạn cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ để kiểm soát bệnh hiệu quả.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Complications of coronary artery disease
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: