Bệnh phong là gì?
Bệnh phong (Lepra) là một bệnh lý nhiễm trùng tiến triển mạn tính do trực khuẩn Mycobacterium leprae gây nên. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả thể chất cũng như tinh thần của bệnh nhân. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến các dây thần kinh của các chi, niêm mạc mũi và đường hô hấp trên. Bệnh phong gây loét da, tổn thương thần kinh và làm yếu cơ. Nếu không được điều trị, nó có thể gây biến dạng nghiêm trọng và tàn tật đáng kể.
Ngày nay, bệnh phong khá phổ biến ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO, hiện nay trên toàn thế giới có đến khoảng 180,000 người được chẩn đoán mắc bệnh phong. Do đó, bạn không nên quá chủ quan. Thay vào đó, hãy nghiên cứu căn bệnh này thật kĩ để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Có bao nhiêu loại bệnh phong
Tùy theo mức độ mà phong có thể chia ra thành nhiều loại. Trong đó có 3 loại phổ biến bao gồm:
Bệnh phong củ: một vài tổn thương phẳng, một vài tổn thương rộng và mất cảm giác; ảnh hưởng đến vài dây thần kinh; có thể tự lành, dai dẳng hoặc tiến triển thành loại nặng hơn. Vùng da bị ảnh hưởng có thể cảm thấy tê liệt do các dây thần kinh bên dưới nó đã tổn thương. Bệnh phong thể củ cũng ít lây hơn các dạng khác;
Bệnh phong thể u: đây là dạng nghiêm trọng hơn. Gây nhiều tổn thương với vi khuẩn; rụng tóc; tổn thương dây thần kinh; chân tay yếu; biến dạng; không thoái lui. Người mắc bệnh sẽ bị u da và nổi ban (đa cùi phiến), tê và yếu cơ. Mũi, thận và các cơ quan sinh sản nam giới cũng có thể bị ảnh hưởng.
Bệnh phong thể trung gian: những người mắc loại bệnh phong này có các triệu chứng của cả hai dạng thể củ và thể u. Và cũng là dạng dễ lây nhất.
Nguyên nhân gây ra bệnh phong
Bệnh phong là một bệnh lý nhiễm trùng tiến triển mạn tính do trực khuẩn Mycobacterium leprae gây nên. Vi khuẩn này có hình thẳng, kháng cồn, kháng toan, bắt màu đỏ khi nhuộm Ziehl-Neelsen và bắt màu tím khi nhuộm Gram. Có sức đề kháng yếu, ra khỏi cơ thể chỉ sống được 1-3 ngày. Nhân lên chậm, chu kỳ sinh sản của nó là 12-13 ngày.
Bệnh phong chủ yếu lây lan qua đường hô hấp, và qua các vết thương trầy sướt ở da. Người bệnh phong nặng, khi chưa uống thuốc điều trị, lúc hít thở, sẽ phóng xuất ra bầu không khí những hạt sương nước mũi li ti, chứa nhiều vi khuẩn bệnh phong, nhưng chỉ có một tỷ lệ nhỏ (khoảng ít hơn 30%) còn khỏe mạnh và có khả năng gây bệnh cho người bị nhiễm mới.
Triệu chứng của bệnh phong
Bệnh phong chủ yếu ảnh hưởng đến da và các dây thần kinh bên ngoài não bộ và tủy sống hay được gọi là các dây thần kinh ngoại vi, đôi khi nó cũng có thể tấn công vào mắt và niêm mạc mũi.
Thương tổn da kèm theo giảm hoặc mất cảm giác, bao gồm các hình ảnh lâm sàng:
- Các dát (gặp trong phong thể bất định),
- Các củ (gặp trong phong thể củ),
- Các mảng thâm nhiễm, u phong (gặp trong phong thể trung gian và thể u).
Thương tổn thần kinh ngoại biên:
- Các dây thần kinh ngoại biên viêm to, hay bị nhất là dây trụ, dây quay, dây chày sau…mất cảm giác (nóng lạnh, đau, xúc giác) tại các vùng da do dây thần kinh chi phối. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tàn tật như: cò ngón tay, ngón chân, bàn chân rủ, hở mi..
Nếu xuất hiện các triệu chứng được nêu trên hoặc khác. Bạn hãy vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và phòng bệnh một cách tốt nhất.
Bệnh phong có lây không?
Bệnh phong là căn bệnh hoàn toàn có thể lây nhiễm. Tuy nhiên nó lây rất chậm cũng như rất khó để lây. Bệnh lây là do tiếp xúc gần gũi, nhiều và thường xuyên với nguồn bệnh. Điều này thường xảy ra khi người bệnh hắt hơi hoặc ho. Phong không có khả năng lây lan cao. Tuy nhiên, việc liên tục tiếp xúc nhiều hoặc dùng chung đồ với người bệnh không được điều trị có thể dẫn đến mắc bệnh phong.
Cách chuẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả
Những kĩ thuật y tế dùng để chuẩn đoán bệnh phong
Hiện nay, có 2 phương pháp chủ yếu để chẩn đoán bệnh phong phổ biến:
- Tìm trực khuẩn phong: Bệnh phẩm là dịch tiết hoặc một phần tổ chức sinh thiết tại các thương tổn da hoặc thương tổn thần kinh. Nhuộm theo phương pháp Ziehl-Neelsen thấy trực khuẩn bắt màu đỏ đứng thành bó, thành cụm hoặc rải rác.
- Sinh thiết: Trong trường hợp khó chẩn đoán có thể sinh thiết thương tổn để xác định hình ảnh giải phẫu bệnh lý đặc hiệu.
Phương pháp điều trị bệnh hiệu quả
Bệnh phong có thể chữa khỏi. Trong hai thập kỷ qua, 16 triệu bệnh nhân đã được chữa khỏi. Tổ chức Y tế Thế giới cung cấp điều trị miễn phí cho tất cả những người bị bệnh phong.
Điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Kháng sinh được dùng để điều trị các nhiễm trùng. Điều trị dài hạn kết hợp hai hoặc nhiều loại thuốc kháng sinh được chỉ định, thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Những người bị bệnh phong nặng cần dùng thuốc kháng sinh lâu hơn như: dapsone, rifampin, ofloxaxin,…
Thuốc chống viêm được sử dụng để kiểm soát đau dây thần kinh và tổn thương liên quan đến bệnh phong, bao gồm steroid như prednisone.
Bệnh nhân bị bệnh phong cũng có thể được dùng thalidomide, một loại thuốc ức chế mạnh hệ miễn dịch của cơ thể. Nó giúp điều trị các nốt u trên da của bệnh phong. Thalidomide là thuốc gây ra các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng đe dọa tính mạng, do vậy chống chỉ định tuyệt đối với phụ nữ đang mang thai hoặc phụ nữ sắp có thai.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh phong?
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh là tránh tiếp xúc lâu dài, gần gũi với người bị nhiễm bệnh không được điều trị. Phong là căn bệnh nguy hiểm, có thể lây lan và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng vì hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị dứt bệnh. Điều quan trọng là bạn hãy chăm lo cho sức khỏe và phát hiện bệnh kịp thời để tránh những biến chứng về sau. Mặc dù đây là căn bệnh khá nguy hiểm, nhưng bạn vẫn có thể bảo vệ bản thân và gia đình khỏe mạnh.
Lưu ý bài viết trên chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chuẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Bên cạnh đó, các bạn có thể truy cập finizz.com để được tư vấn, tìm và đặt lịch hẹn một cách nhanh và đơn giản nhất. Cũng như đọc thêm các bài viết khác tại songkhoe.medplus.vn nhé.
Một số bài viết có thể bạn quan tâm:
- Một số nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa bệnh truyền nhiễm
- 4 biện pháp giúp phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể cực kì hiệu quả
- 3 Biện pháp sơ cứu tại chỗ bạn cần biết khi bị bệnh Bỏng (Phỏng)
Nguồn: hellobacsi, trungtamytequan1