Theo tài liệu Đông Y: Binh lang có Vị chát, hơi đắng, cay, tính ôn, không có độc. Tác dụng hành thủy, hạ khí, sát trùng và phá tích. Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !
Thông tin cơ bản
1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Binh lang, Hạt cau, Đại phúc tử, Tân lang.
- Tên khoa học: Areca catechu L.
- Họ: họ Cau (Arecaceae).
2. Mô tả cây
Dược liệu:
- Khối cứng, hình trứng hoặc hình cầu dẹt, cao khoảng 1,5 – 3,5 cm; đường kính khoảng 1,5 – 3,5 cm. Đáy phẳng, ở giữa lõm, đôi khi có một cụm xơ (cuống noãn). Mặt ngoài màu nâu vàng nhạt hoặc màu nâu đỏ nhạt với những nếp nhăn hình mạng lưới. Cắt ngang thấy vỏ hạt ăn sâu vào nội nhũ tạo thành những nếp màu nâu xen kẽ với màu trắng nhạt. Phôi nhỏ nằm ở đáy hạt.
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Cây cau được trồng ở khắp nơi trong nước ta, nhất là vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Trồng bằng quả, sau 5 – 6 năm mới thu hoạch, đó là cau nhà, còn gọi là Gia tân lang, có loại cau tứ thời (Cau bốn mùa), cây thấp đã có quả, ra quả quanh năm.
- Cau rừng (Areca oleracea Linn cùng họ) còn gọi là Sơn tân lang, cây bé, hạt nhỏ, nhọn và chắc hơn. Vùng Nghệ An, Thanh Hóa có nhiều. Hiện nay ta thu mua cả hai loại cau nhà và cau rừng.
Thu hoạch
- Mùa thu hoạch khoảng tháng 9 – 12 (không kể loại cau tứ thời)
Bộ phận dùng
- Vị thuốc là hạt già phơi hay sấy khô của cây Cau (Areca catechu L.), họ Cau (Arecaceae).
Chế biến
- Lấy quả thật già, róc bỏ vỏ ngoài và vỏ già, lấy nguyên hạt ở trong đem phơi sấy thật khô.
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Trong hạt cau có tanin, tỷ lệ trong hạt non độ 70% nhưng khi chín chỉ còn 15 – 20%. Hoạt chất chính là 4 alcaloid (tỉ lệ độ 0,4%) chủ yếu là arecolin C8H13NO2, arecaidin C17H11NO2, guvacin C6H9NO2 guvacolin C17H11NO2 Ngoài ra còn có mỡ béo (14%) các đường (2%), muối vô cơ và một sắc tố đỏ.
B. Tác dụng dược lý
Tác dụng kháng khuẩn:
Hạt cau tươi và khô đều có tác dụng ức chế nấm và virus gây bệnh ngoài da.
Tác dụng đối với hệ thần kinh:
Vị thuốc binh lăng có tác dụng kích thích cholinergic ở hệ thần kinh trung ương nhằm tăng nhu động ruột và tăng trương lực cơ trơn của đại trường, dạ dày. Ngoài ra binh lăng còn có tác dụng tăng cơ trơn tử cung và túi mật, tăng tiết mồ hôi, nước bọt, hạ huyết áp và làm chậm nhịp tim.
Tác dụng xổ sán:
Nước sắc từ hạt cau có tác dụng làm tê liệt thần kinh của sán lợn và sán bò. Ngoài ra dược liệu còn có tác dụng xổ lãi kim.
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- Vị chát, hơi đắng, cay, tính ôn, không có độc.
Qui Kinh
- Đại trường và Vị.
Công năng
- Hạ khí, hành thuỷ, tiêu hoá, sát trùng (phá tích).
Công Dụng
- Chữa sán, giúp tiêu hoá, chữa viêm ruột, lỵ, ngực bụng chướng đau, thuỷ thũng, sốt rét, cước khí sưng đau.
Lưu Ý
- Người khí hư hạ hãm không tích trệ, trẻ em và phụ nữ có thai không được dùng Binh lang. Kỵ lửa.
Liều dùng
- Ngày 4 – 6g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán, để trị sán thường phối hợp với hạt Bí ngô, để trị sốt rét phối hợp với Thường sơn.
Bài thuốc sử dụng
1. Chữa sán (taeniasis):
Binh lang (cắt lát), Nam qua tử mỗi thứ 30g. Nam qua tử tán nhỏ. Binh lang sắc nước trộn uống. Có thể ăn hết hạt bí ngô rồi uống nước sắc Binh lang.
Hoặc Binh lang 60g, Sơn tra tươi 1000g (trẻ em giảm nửa, nếu dùng loại khô: người lớn 250g, trẻ em 120g). Rửa Sơn tra bỏ nhân, 3 giờ chiều bắt đầu ăn đến 10giờ tối hết, tối nhịn ăn. Sáng hôm sau sắc Binh lang còn 1 chén trà nhỏ, uống hết 1 lần nằm nghỉ. Lúc buồn đi tiêu nín 15 phút rồi đi ngâm đít vào chậu nước nóng cho ra hết sán.
2. Chữa giun kim (oxyuriasis):
Binh lang 15g, Thạch lựu bì, Nam qua tử đều 10g sắc uống lúc đói trước khi đi ngủ.
3. Chữa sán lá (fasciolopsiasis):
Binh lang 15g, Ô mai 10g, Cam thảo 5g, sắc uống vào lúc sáng sớm bụng đói.
4. Chữa táo bón bụng đầy, do thực tích khí trệ: Mộc hương, Binh lang hoàn (Đan khê tâm pháp):
Mộc hương, Binh lang, Thanh bì, Trần bì, Nga truật, Hoàng liên đều 30g, Hoàng bá, Đại hoàng đều 100g, Hương phụ sao, Khiên ngưu đều 120g, tán bột mịn làm hoàn, mỗi lần 6 – 10g, ngày 2 – 3 lần với nước sôi ấm.
5. Chữa sốt rét:
Triệt ngược thất bảo ẩm “Dương thị gia tăng phương”: Thường sơn 3g, Thanh bì, Trần bì, Chích thảo, Binh lang, Thảo quả nhân đều 2g, sắc nước uống, có thể gia thêm tí rượu, uống trước khi lên cơn 2 giờ.
6. Chữa thực tích khí trệ gây bụng đầy trướng, táo bón, ăn uống khó tiêu:
Khiên ngưu và hương phụ (sao) mỗi vị 120g, đại hoàng và hoàng bá mỗi vị 100g, nga truật, binh lang, mộc hương, hoàng liên, trần bì, thanh bì mỗi vị 30g. Đem các vị tán bột mịn, mỗi lần dùng 6 – 10g uống với nước ấm. Ngày dùng 2 – 3 lần cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
7. Chữa chứng ợ hơi và ợ chua:
Chuẩn bị: Trần bì 6g và hạt cau 12g. Đem các nguyên liệu tán thành bột, sau đó chế với mật làm thành viên. Khi đói, dùng ăn một lượng vừa phải.
8. Chữa đầy hơi, chướng bụng:
Hạt cau 8g, táo mèo 16g. Sắc uống liên tục trong 7 – 9 ngày.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam