“Bú đêm có giúp bé tăng cân không?” là thắc mắc của không ít bố mẹ đang nuôi con nhỏ. Cân nặng của bé luôn là mối quan tâm lớn của các bậc bố mẹ khi nuôi con nhỏ. Hẳn nhiều mẹ đã từng nghe lời khuyên rằng nên đánh thức bé sơ sinh vào ban đêm để cho con bú. Vậy suy cho cùng, đây có phải việc nên làm? Và bú đêm có giúp bé tăng cân hay không và khi nào thì mẹ nên “cai” bú đêm cho bé?
Bé bú sữa đêm có tốt không?
Theo lời khuyên của học viện Nhi khoa Hoa Kì (AAP), trong vòng 2 tuần đầu sau khi sinh, bé nên được bú sau mỗi 3-4 tiếng đồng hồ vào ban đêm, bởi vì việc cho bé bú sữa đêm có thể đem lại nhiều lợi ích, cụ thể như:
1. Giúp bé dễ dàng tiêu hóa hơn
Dạ dày của bé sơ sinh có thể tích rất nhỏ. Bé sơ sinh 1 ngày tuổi có thể tích dạ dày chỉ nhỏ bằng… trái anh đào, tức là chứa được khoảng 5-7ml sữa và khi được 1 tuần tuổi, dạ dày của con mới lớn bằng một trái đào (có thể chứa khoảng 60m sữa). Khi được bú sữa mẹ, bé sẽ cần khoảng 1 giờ đồng hồ để có thể tiêu hóa hoàn toàn. Chính vì vậy, việc cho trẻ bú sau một vài giờ đồng hồ vào ban đêm là lịch trình phù hợp và đem lại lợi ích cho trẻ sơ sinh.
Hơn nữa, việc mẹ thường xuyên cho trẻ bú sẽ đóng vai trò như một “tín hiệu” được gửi tới não bộ của mẹ để kích thích “sản xuất” sữa theo nhu cầu của trẻ.
2. Bé tiêu thụ được nhiều sữa hơn vào ban đêm
Mỗi đêm, bé sơ sinh bú khoảng 3 lần. Các nhà nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng vào ban đêm, bé sơ sinh có xu hướng bú nhiều hơn so với các thời điểm khác trong ngày. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất với trẻ nhỏ, vậy nên khi bú càng nhiều, bé sẽ càng có cơ hội được hấp thu nhiều dưỡng chất có từ trong sữa mẹ. Do vậy, đối với những bé chậm tăng cân thì việc bú đêm có thể giúp tạo ra những khác biệt rất lớn.
3. Bé ngủ ngon hơn khi được bú đêm
Sữa mẹ vào ban đêm chưa nhiều tryptophan dưới dạng melatonin và serotonin hơn. Trong đó, melatonin có tác dụng giúp điều hòa giấc ngủ và khiến bé ngủ ngon và sâu hơn, còn serotonin thì có thể hỗ trợ cho sự tăng trưởng của các tế bào não, giúp não bộ của bé phản xạ nhanh hơn.
Bú đêm không chỉ có lợi ích đối với riêng bé, mà còn giúp mẹ duy trì nguồn sữa dồi dào hơn.
Bú đêm có giúp bé tăng cân không?
Như vậy câu trả lời cho câu hỏi: “Bú đêm có giúp bé tăng cân hay không?” là có. Bú đêm có thể đem lại rất nhiều lợi ích đối với sự phát triển của bé nếu mẹ hiểu cách cho bé bú đêm phù hợp và hiệu quả nhất. Cụ thể là:
1. Đối với bé dưới 1 tháng tuổi
Nếu con ngủ say và không có vẻ muốn dậy bú đêm thì mẹ không nên đánh thức con dậy. Đây là giai đoạn bé thích nghi với môi trường mới ngoài bụng mẹ nên bé sẽ ngủ rất nhiều và việc bị đánh thức vào ban đêm có thể ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao và trí thông minh của bé.
2. Đối với bé trên 1 tháng tuổi
Lúc này, mẹ nên đánh thức bé dậy để bú sau mỗi 3-4 tiếng đồng hồ. Đó là bởi vì việc bé ngủ một mạch quá lâu sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết hoặc thậm chí là vàng da do bú mẹ không đủ. Tuy nhiên, mẹ cũng nên chú ý cho trẻ bú vừa đủ để con không bị quá no dẫn đến khó ngủ.
Khi nào mẹ nên bỏ thói quen bú đêm cho bé?
Về mặt sinh lý, bé khi được 6 tháng tuổi trở lên không cần thiết phải bú vào ban đêm. Trong trường hợp bé trên 6 tháng tuổi mà vẫn đòi bú đêm, mẹ nên tập cho bé cai sữa dần, nếu không bé sẽ vẫn thức dậy vào ban đêm và đòi bú trong khoảng thời gian dài.
Bắt đầu từ tháng thứ 2 hoặc thứ 3, mẹ nên dần dần rèn cho bé những thói quen ngày – đêm, để con nhận thức được ban ngày là khoảng thời gian để thức, để chơi, còn ban đêm là khoảng thời gian để ngủ. Vào ban đêm khi cho bé bú, mẹ nên lưu ý bật đèn với độ sáng yếu, không trò chuyện hay chơi đùa với con.
Như vậy, câu trả lời cho thắc mắc: “Bú đêm có giúp bé tăng cân hay không?” còn phụ thuộc vào nhu cầu và lứa tuổi của con. Mẹ hãy theo dõi và quan sát thật kỹ nhu cầu và thói quen của bé để từ đó đưa ra những thay đổi phù hợp nhất, từ đó hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển của con. hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích về việc cho bé sơ sinh bú đêm.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily