Với một hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào, Cà Chua mang rất nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ. Giúp cải thiện thị lực, dễ tiêu, lọc máu,… Để biết thêm những công dụng khác của dược liệu này thì hãy tìm hiểu cùng Medplus nhé!
Thông tin cơ bản
Tên tiếng Việt: Cà chua, Cà tàu, Mác chẻ (Tày), Plai cum (K’Ho)
Tên khoa học: Lycopersicum esculentum Mill.
Tên đồng nghĩa: Solanum lycopersicum L.
Họ: Solanaceae (Cà)

Đặc điểm cây
Cây thảo, sống theo mùa. Thân tròn, phân cành nhiều.
- Lá có cuống dài, phiến lá xẻ lông chim, số lượng thùy không ổn định, thường có răng cưa.
- Hoa hợp thành những xim thưa ở nách lá, cuống hoa phủ lông cứng. Đài 3-6 thùy hình mũi mác không dài hơn đài, mặt phủ lông. Nhị 5-6, bao phấn dính thành 1 ống bao quanh nhụy, thuôn dần ở đỉnh, mở bằng những kẽ nứt dọc ngắn.
- Bầu có 3 hoặc nhiều ô, mỗi ô chứa nhiều noãn. Qủa mọng có 3 ô. Hat dẹt, hình thận.
Do một quá trình trồng trọt lâu đời, nên cây cà chua có nhiều biến đổi về hình thái, số lượng các thùy của đài, tràng, bộ nhị có khi 5,6,7 có khi 8. Số lượng lá noãn cũng tăng lên nhiều.
Mùa hoa quả: mùa đông và mùa xuân
Phân bố, thu hái và chế biến
Vốn nguồn gốc ở châu Mỹ, hiện nay cà chua được trồng ở hầu hết các châu làm thức ăn. Trên thế giới sản xuất khoảng 20 triệu tấn/năm.
Ngoài những giống cà chua nói trên, một số nơi trồng một loại cà chua nhỏ, hình cầu có nơi gọi là cà kiu có tên khoa học Lycopersicum esculentum dại ở Peru, đảo Angti, Texas
Người ta trồng chủ yếu lấy quả để ăn. Lá dùng làm thuốc và là nguyên liệu chiết tomanin.
Thành phần hóa học, tính vị
Thành phần hóa học
Trong 100g cà chua chín tươi sẽ đáp ứng được
- 13% nhu cầu hàng ngày về vitamin A
- 8% nhu cầu vitamin B6
- từ 33 – 50% nhu cầu vitamin C
Ngoài ra, còn có vitamin B1 (0,06mg), B2 (0,04mg), PP (0,5mg). Các chất bổ dưỡng như đạm, đường, chất béo và khoáng vi lượng như canxi, sắt, kali, phosphor,… có lợi cho sức khỏe.
Tính vị, công năng
Theo y học cổ truyền, quả có vị ngọt chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, tăng tân dịch, chống khát nước, giúp thông tiểu tiện và tiêu hóa tốt.
Thường được dùng để chữa các chứng bệnh như: nhiệt bệnh phiền khát, môi khô họng khát do vị nhiệt, hay hoa mắt chóng mặt, chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiêu hoá kém, loét dạ dày, huyết áp cao…
Công dụng và những bài thuốc

Công dụng và liều dùng
Quả cà chua mặc dù giá trị dinh dưỡng thấp nhưng được toàn thế giới dùng làm thức ăn dưới dạng tươi hay nấu chín, nước ép cà chua là một loại nước giải khát tươi ở nhiều nước, còn dùng dưới dạng tương, nước sốt, nấu canh…
Một số người dùng quả làm thuốc nhuận tràng, chữa sốt, lao phổi. Tại Tây Ban Nha người ta phối hợp quả cà chua với ớt để chữa trĩ, hoặc người ta nấu cà chua với dầu hay mỡ (cho đến khi bốc hết hơi nước) rồi dùng dưới dạng thuốc mỡ bôi lên những nơi mụn nhọt, lở loét
Đọt cây (lá non) được nhân dân dùng đắp mụn nhọt, nơi viêm tấy như sau: lấy đọt cà chua rửa sạch, giã nát, thêm vào vài hạt muối. Đắp lên nơi mụn nhọt hay viêm ấy, băng lại. Ngày làm một hay hai lần cho đến khi khỏi.
Những bài thuốc về Cà Chua
1. Chữa sốt, khát nước
Cà 200g thái lát, sắc nước, uống thay trà trong ngày, uống nóng hay lạnh đều được. Cũng có thể dùng nước ép cà chua và nước ép dưa hấu mỗi thứ 200ml trộn đều, chia 2-3 lần uống trong ngày.
2. Chữa tăng huyết áp
Vào sáng sớm (khi đói), lấy 1-2 quả, rửa sạch bằng nước sôi, thái thành miếng nhỏ, thêm chút đường cho đủ ngọt rồi ăn sống. Mỗi liệu trình kéo dài 15 ngày, nghỉ 3 ngày rồi tiếp tục liệu trình khác.
3. Hỗ trợ điều trị viêm gan mạn tính
Cà chua 250mg rửa sạch, thái miếng, thịt bò 100g thái mỏng, xào ăn hằng ngày. Món ăn này có tác dụng điều hòa chức năng gan, bổ máu, tiêu hóa tốt, hỗ trợ tốt trong điều trị viêm gan mạn tính, giúp cơ thể nhanh hồi phục.
4. Chữa chảy máu chân răng
Cà chua sống 1-2 quả, ăn ngày 3-4 lần, ăn trong 2 tuần sẽ có kết quả.
5. Chữa bỏng lửa nhẹ
Tách lấy vỏ quả có dính thịt quả đắp lên chỗ bỏng, thỉnh thoảng lại thay sẽ giúp làm dịu vết bỏng, chống đau rát và kích thích da chóng hồi phục.
6. Phòng bệnh bướu cổ
Cải xoong 200g, cà chua 1 quả, rau mùi, kinh giới 10g, dầu ăn, gia vị, giấm.
- Cách làm: Cải xoong, cà chua, rau gia vị rửa sạch, để ráo. Cà chua thái lát. Cải xoong trần qua nước sôi, rau mùi, kinh giới thái nhỏ, cà chua thái lát. Tất cả đem trộn đều với giấm, gia vị ăn thay rau.
- Mỗi tuần ăn 3 lần. Ăn thường xuyên sẽ giúp bổ sung iốt phòng bệnh bướu cổ hiệu quả.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo.
- Người bệnh không tự ý áp dụng.
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn: Tracuuduoclieu