Để bộ phận sinh dục siêu nhạy cảm của trẻ không bị kích ứng và luôn luôn sạch sẽ khỏe mạnh, bố mẹ hãy tham khảo cách vệ sinh vùng kín cho trẻ sơ sinh qua bài viết dưới đây nhé!
Vệ sinh vùng kín cho bé trai
Để thực hiện cách vệ sinh vùng kín cho trẻ sơ sinh dễ dàng mà vẫn đảm bảo an toàn sạch sẽ, bố mẹ cần lưu ý những điều dưới đây nhé:
- Rửa tay thật sạch với xà phòng diệt khuẩn trước khi tắm và vệ sinh vùng kín cho bé.
- Bố mẹ có thể dùng nước, hoặc nếu muốn sử dụng sữa tắm dành riêng cho bé để rửa đều được. Tuy nhiên, khi sử dụng dung dịch vệ sinh cho bé thì bố mẹ chỉ nên dùng một lượng nhỏ vừa đủ mà thôi.
- Nếu bé đã được cắt bao quy đầu hoặc bao quy đầu đã được lột tự nhiên, bố mẹ hãy rửa nhẹ nhàng xung quanh vùng hạ bộ và đầu của bộ phận sinh dục khi bé ở trong bồn tắm. Tuyệt đối không nên chà xát quá mạnh bạo hoặc sử dụng quá nhiều xà phòng vì có thể gây kích ứng đến bộ phận nhạy cảm này của bé.
- Nếu bé chưa được cắt bao quy đầu hoặc bao quy đầu chưa tự lột được, bố mẹ chỉ cần lấy một chút nước rồi xối nhẹ nhàng lên vùng sinh dục của bé trong khi tắm, suốt 2-3 năm đầu đời của trẻ.
- Bố mẹ tuyệt đối không nên cố gắng lật ngược hay kéo bao quy đầu của bé xuống để vệ sinh vì có thể khiến trẻ gặp nhiều đau đớn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và thậm chí là tới tinh thần của trẻ. Về mặt sinh lý, đa số trẻ có da bao quy đầu không tách khỏi thân dương vật cho đến khi trẻ được 4 tuổi (gần 90% các bé sẽ có tách da bao quy đầu sau 4 tuổi).
Việc xuất hiện những chất trắng hoặc vàng nhạt đọng dưới phần da quy đầu chưa tự tách lột là một chuyện vô cùng bình thường. Đây là bã smegma (hay còn gọi là “bựa sinh dục”) sinh ra do quá trình bong tế bào chết của da dương vật và lớp trong của bao quy đầu.
Sự bong da tự nhiên này giúp bao quy đầu dần tách khỏi đầu dương vật. Vì quá trình bong da này diễn ra ở một nơi khá chật hẹp, khiến cho các tế bào chết không thể thoát ra bên ngoài một cách dễ dàng, vì vậy chúng đùn dần lên tới phần đỉnh của bao quy đầu, tạo ra bã smegma. Bã smegma thực chất không cần phải can thiệp để lấy ra, vì nó hoàn toàn không ảnh hưởng gì nhiều đến bộ phận sinh dục nói riêng và cơ thể bé nói chung, bố mẹ chỉ cần làm sạch, vệ sinh bộ phận sinh dục cho trẻ sơ sinh nhẹ nhàng như mọi khi là được.
Vệ sinh vùng kín cho bé gái
Do đặc thù về cấu tạo của bộ phận sinh dục cho nên việc vệ sinh cho bé gái cũng đòi hỏi mẹ phải thao tác cẩn thận và tỉ mỉ hơn khi vệ sinh cho bé trai.
Nếu mẹ nhìn kỹ sẽ thấy bộ phận sinh dục của bé gái sẽ có hai vành mô mềm, màu đỏ hồng hoặc đỏ sẫm, đó gọi là “môi lớn” âm đạo. Hai nếp gấp này của âm đạo là nơi rất dễ đọng lại các chất bẩn như nước tiểu, phân và kem bôi ngừa hăm tã. Chính vì vậy, khi vệ sinh vùng kín cho bé gái, mẹ cần chú ý làm sạch thật kỹ nhé!
Khi thực hiện tắm toàn thân hoặc rửa nhẹ nhàng cho bé bằng dung dịch vệ sinh chuyên biệt dành cho trẻ sơ sinh xong, mẹ nên thực hiện vệ sinh kỹ vùng kín cho bé thêm một lần nữa.
Cách vệ sinh vùng kín cho trẻ sơ sinh gái sau khi đã tắm sạch sẽ như sau:
- Cho bé nằm trên một chiếc khăn bông mềm đã trải sẵn, khẽ mở hai chân của bé.
- Dùng bông gòn đã thấm nước sạch để lau nhẹ nhàng nếp môi của âm đạo theo hướng từ trước ra sau (từ vùng kín về phía hậu môn), tránh làm theo hướng ngược lại vì có thể kéo vi khuẩn từ hậu môn lên âm đạo khiến bé bị viêm nhiễm.
Khi vệ sinh bộ phận sinh dục bé gái sơ sinh, mẹ có thể nhận thấy âm đạo của bé thường có dịch tiết trong nhìn như lòng trắng trứng gà, đó là dịch tiết sạch và cho thấy âm đạo của bé hoàn toàn khỏe mạnh.
Trong một số trường hợp, dịch tiết âm đạo của bé có thể hơi giống máu do ảnh hưởng hormones còn sót lại từ mẹ. Đây là dấu hiệu hoàn toàn bình thường, nhưng nếu mẹ vẫn cảm thấy lo lắng thì mẹ nên cho bé đi khám để được tư vấn cụ thể hơn.
Các mô mềm của âm đạo bé gái khá nhạy cảm, chính vì thế, mẹ cần tránh không để phấn rôm tiếp xúc với da của bé.
Bên cạnh đó, để tránh khiến cho môi trường âm đạo của bé bị mất cân bằng độ PH và dễ bị viêm nhiễm thì mẹ cần lưu ý tránh vệ sinh vùng kín cho bé sơ sinh bằng những loại dung dịch sau:
Sữa tắm thông thường
- Sữa tắm có khả năng diệt vi khuẩn, bất kể đó là vi khuẩn có lợi hay có hại, chính vì thế có thể diệt mất lợi khuẩn bảo vệ môi trường âm đạo của bé.
Nước lá trầu không, lá chè
- Đây là loại dung dịch khá tốt đối với âm đạo của người lớn vì có tính sát khuẩn cao, tuy nhiên, với âm đạo vô cùng nhạy cảm của bé thì loại dung dịch này không hề phù hợp bởi vì rất khó để mẹ có thể cân chỉnh được liều lượng và nồng độ sát khuẩn phù hợp cho bé.
Nước muối sinh lý
- Nước muối có tính kiềm, trong khi môi trường âm đạo mang tính axit, chính vì thế nước muối có thể làm âm đạo của bé bị khô, gây mất cân bằng độ pH và tăng nguy cơ viêm nhiễm cho bé.
Dung dịch vệ sinh của người lớn
- Độ pH trong môi trường âm đạo của người lớn và trẻ sơ sinh khác nhau, vì vậy nếu dùng dung dịch vệ sinh cho người lớn thì có thể khiến mất cân bằng độ pH của bé.
Hy vọng rằng với cách vệ sinh vùng kín cho trẻ sơ sinh trong bài viết trên sẽ giúp bố mẹ chăm sóc hoàn hảo cho bé ngay từ khi mới sinh ra và mong rằng bé luôn luôn mạnh khỏe và phát triển thật tốt nhé!
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily