Ti giả có thể là “cứu cánh” để bố mẹ dỗ dành trẻ trong rất nhiều trường hợp, nhưng liệu cho trẻ ngậm ti giả có “tác dụng phụ” gì hay không? Bố mẹ cùng tìm hiểu những sự thực về đồ dùng quen thuộc này nhé!
Ưu điểm của việc cho trẻ ngậm ti giả
Động tác mút dường như có tác dụng giúp trẻ thấy dễ chịu và yên tâm hơn. Vì vậy, nhiều trẻ trở nên bình tĩnh, bớt quấy khi được ngậm ti giả. Ngoài ra, việc trẻ sơ sinh ngậm ti giả lúc ngủ còn giúp giảm hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh nữa.
Nhược điểm của ngậm ti giả
Sản phẩm này cũng có những nhược điểm nhất định:
- Theo thống kê, trẻ mút ti giả có tỷ lệ bị viêm tai giữa cao hơn một chút.
- Trẻ ngậm nhiều, nhất là đến tận 4-5 tuổi, sẽ có nguy cơ gặp các vấn đề về răng miệng về sau này, chẳng hạn như răng mọc xiên xẹo.
- Trẻ dễ cáu kỉnh khi không có đồ vật này.
- Trẻ sẽ có thói quen phải ngậm thì mới ngủ được.
- Khi chưa đủ lớn để tự tìm ti giả và ngậm trở lại, thì trẻ sẽ khóc, đòi người lớn lấy giúp, nhất là vào buổi đêm.
Chọn ti giả đúng cách
Ti giả có rất nhiều loại và kiểu dáng. Nhiều bố mẹ đã phải mua nhiều lần mới tìm được loại ưng ý. Dưới đây là những mẹo giúp bố mẹ chọn được loại phù hợp với trẻ nhé:
- Nên mua ti giả chỉ là một khối liền với núm ti thật mềm. Loại gồm hai mảnh gắn vào nhau rất dễ bị rời ra và khiến trẻ hóc.
- Mua đồ làm bằng nhựa chắc chắn, có các lỗ thông khí. Đường kính của sản phẩm nên lớn hơn 3cm để đảm bảo rằng nó không thể lọt vào miệng trẻ.
- Nếu mua cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, nên chọn loại có thể luộc để tiệt trùng.
- Kiểm tra kỹ nhãn mác để đảm bảo chọn mua được loại phù hợp với độ tuổi của trẻ. Đa số sản phẩm sẽ phân chia theo cột mốc dành cho trẻ dưới hoặc trên 6 tháng.
- Không nên buộc ti giả vào cổ tay, trên cổ hoặc quanh cũi của trẻ. Vì dây buộc có thể quấn quanh cổ trẻ gây ngạt thở.
- Nếu trẻ bú bình, bố mẹ nên mua cùng nhãn hiệu với bình sữa vì chúng sẽ có núm ti giống nhau.
Dùng ti giả thế nào cho đúng
- Để đảm bảo rằng việc dùng ti giả không ảnh hưởng đến việc trẻ bú mẹ, thì chỉ nên cho trẻ ngậm khi trẻ không đói. Chẳng hạn như giữa các bữa ăn.
- Không nhúng chúng vào những đồ uống có đường hay đồ ăn ngọt như mật ong, vì có thể làm trẻ sâu răng.
- Luôn có sẵn đồ dự phòng trong nhà. Bởi trẻ rất dễ đánh rơi ở đâu đó và cần có ngay cái khác thay thế.
Những lưu ý khi cho trẻ ngậm ti giả
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ dùng sản phẩm đã qua tiệt trùng cẩn thận.
- Với trẻ trên 6 tháng, bố mẹ chỉ cần rửa sạch sản phẩm bằng nước và xà phòng là được. Nhưng nhớ lau hoặc phơi thật khô, không để nước đọng bên trong núm ti.
- Kiểm tra sản phẩm thường xuyên để xem nó có bị rách hay hỏng gì không. Nếu có dấu hiệu cũ hoặc hỏng thì cần phải thay ngay, bởi trẻ rất dễ nuốt phải những mảnh nhỏ bị rách, gãy ra.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily