Nhiều bố mẹ thường nắn chân cho trẻ vì muốn sau này chân con thẳng hơn, nhưng nhiều người lại không ủng hộ quan điểm này. Vậy có nên nắn chân cho trẻ sơ sinh hay không?
Tại sao chân trẻ bị vòng kiềng?
Chân vòng kiềng được coi là một tật bẩm sinh ở trẻ, tùy vào mức độ nặng nhẹ mà tình trạng chân vòng kiềng sẽ ảnh hưởng tới việc đi lại và sức khỏe đôi chân của trẻ khi con lớn lên. Đây là tình trạng chân bị cong lại, hai đầu gối cách xa nhau ngay cả khi mắt cá chân đang ở sát gần nhau.
Có một vài nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng chân trẻ bị vòng kiềng như:
- Trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D, khiến xương mềm và yếu đi.
- Trẻ tập đứng và tập đi từ quá sớm.
- Trẻ bị béo phì, cân nặng của trẻ trở nên quá tải so với sức của đôi chân.
- Trẻ bị bệnh Blount (hay còn được gọi là bệnh vẹo trong xương chày), khiến ống chân của trẻ phát triển bất thường. Khi mắc bệnh này, vào thời điểm trẻ bắt đầu biết đi, chân con sẽ dễ bị uốn cong hơn.
- Trẻ mắc bệnh Paget. Đây là loại bệnh chuyển hóa, có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình liền xương của cơ thể, khiến xương khó hồi phục lại như ban đầu. Theo thời gian, trẻ có thể sẽ bị chân vòng kiềng và gặp các vấn đề sức khỏe khác.
Có nên nắn chân cho trẻ sơ sinh để con không bị chân vòng kiềng?
Câu trả lời là không. Nhiều bố mẹ thường lo lắng về việc trẻ sơ sinh bị chân vòng kiềng nên tích cực nắn bóp với mong muốn chân con sẽ thẳng và dài hơn. Tuy nhiên, khi bố mẹ nắn chân cho trẻ sơ sinh quá nhiều và việc nắn bóp trở nên “quá đà”, hậu quả bố mẹ nhận được sẽ là trẻ bị viêm cơ, trật xương dẫn tới bầm tím. Đó là bởi vì lúc này, xương của trẻ còn non và yếu. Việc bố mẹ tác động lực quá lớn vào chân trẻ sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển xương khớp của con.
Trên thực tế, khi trẻ sơ sinh mới chào đời, chân con sẽ bị cong do ảnh hưởng từ tư thế bào thai. Tuy nhiên, tật chân vòng kiềng có thể tự khỏi khi trẻ lên 3 tuổi vì cơ thể của trẻ có thể tự điều chỉnh lại nếu tật không quá nặng. Đối với các trường hợp trẻ bị chân vòng kiềng do các bệnh lý như thiếu vitamin D, thiếu canxi, vùng sụn có vấn đề, nhiễm trùng xương…, trẻ cần được chữa trị và bổ sung các dưỡng chất theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Vậy làm thế nào để trẻ không bị chân vòng kiềng?
Để tránh nguy cơ trẻ bị chân vòng kiềng cũng như các dị tật khác về chân, bố mẹ nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là vitamin D để đảm bảo xương của con luôn khỏe mạnh. Hơn nữa, bố mẹ cũng nên tránh cho trẻ tập đứng hay tập đi từ quá sớm để không làm ảnh hưởng tới cấu trúc xương chân của con.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể tham khảo những cách dưới đây để hạn chế nguy cơ trẻ bị chân vòng kiềng:
1. Tránh cho bé ngồi các tư thế dễ gây cong chân
Xương của trẻ nhỏ vẫn còn yếu và mềm nên rất dễ chịu ảnh hưởng. Bố mẹ nên hạn chế để bé ngồi xổm, ngồi dạng hai bên như chơi trò cưỡi ngựa, ngồi kiểu chữ W… vì những tư thế này sẽ dễ khiến con bị cong chân khi lớn lên.
2. Hạn chế cho trẻ ngồi xe tập đi
Khi trẻ chưa đủ tuổi tập đi, xương và cơ của con chưa đủ cứng cáp và việc tập đi sớm sẽ tạo áp lực cân nặng xuống đôi chân của trẻ. Hơn nữa, xe tập đi cũng không được khuyến khích sử dụng cho trẻ nhỏ vì có thể làm cho cơ chân của bé không phát triển hoàn toàn. Do vậy, bố mẹ không nên sử dụng xe tập đi cho trẻ.
3. Bổ sung cho trẻ vitamin D và canxi
Trong trường hợp trẻ bị thiếu canxi và vitamin D, bố mẹ nên đưa con tới khám bác sĩ thường xuyên và bổ sung đầy đủ các dưỡng chất theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, hãy tích cực cho trẻ tắm nắng để tạo điều kiện cho cơ thể con được hấp thu vitamin D, từ đó giúp phát triển cấu trúc xương, đồng thời hạn chế các vấn đề về xương (ví dụ như bệnh còi xương).
4. Cho trẻ luyện những bài tập giúp cơ bắp săn chắc
Thay vì nắn chân cho trẻ, bố mẹ có thể thực hiện các bài tập mát xa cho con. Những bài tập này không những giúp cơ bắp chân của trẻ săn chắc hơn mà còn hỗ trợ hệ mạch máu lưu thông hiệu quả hơn.
Bố mẹ có thể tập cho trẻ vận động bằng cách nắm hai cổ chân của trẻ, sau đó đưa lên xuống theo nhịp (khoảng 10-15 nhịp) và lặp lại như vậy khoảng 2-3 lần mỗi ngày.
Đối với những trẻ đã hơn 3 tuổi nhưng chân vẫn bị cong và có xu hướng ngày một cong nhiều hơn, bố mẹ nên đưa trẻ tới khám bác sĩ để được tư vấn và đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp, hiệu quả nhất.
Hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ câu trả lời hữu ích nhất cho câu hỏi: “Có nên nắn chân cho trẻ sơ sinh?”
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily