Hoa hòe có vị đắng nhẹ và mùi thơm đặc trưng. Đây là loài thực vật chứa một loạt các hợp chất phytonutrient có hoạt tính cao và có lợi. Hoa chứa flavonoid, troxerutin và oxymatrine, đóng vai trò chống oxy hóa mạnh mẽ và đã nhiều lần được chứng minh là hỗ trợ sức khỏe hệ tuần hoàn. Người ta thường dùng hoa hòe khi nụ hoa còn chưa nở, sau đó phơi hoặc sấy khô để làm thuốc trị một số loại bệnh hoặc pha trà uống nhằm thanh nhiệt, giải độc ngày hè.
Bộ phận được dùng làm dược liệu, chiết xuất rutin chủ yếu là nụ hoa chưa nở, lúc này hoa có hàm lượng rutin cao nhất. Nếu hoa đã nở, hàm lượng rutin giảm rõ rệt nên chất lượng dược liệu cũng giảm. Vì vậy bao giờ người ta cũng thu hoạch hoa vào lúc có nhiều nụ to, chưa nở hoa, trọng lượng và chất lượng dược liệu sẽ cao hơn. Hãy cùng tìm hiểu một số công dụng của hoa hòe và cách uống trà hoa hòe tốt cho sức khỏe nhé!
1. Công dụng của hoa hòe
1.1 Hoa hòe chữa bệnh trĩ
Bệnh trĩ là tình trạng mà các tĩnh mạch ở phần cuối trực tràng và hậu môn bị sưng và viêm. Đôi lúc, lớp màng mạch máu căng quá mức khiến cho tĩnh mạch lồi ra khỏi hậu môn và gây khó chịu, nhất là khi đi đại tiện. Kem bôi, thuốc mỡ là những liệu pháp được dùng phổ biến nhưng chúng thường chỉ làm dịu các triệu chứng khó chịu tạm thời thay vì chữa trị tận gốc bệnh trĩ.
Các hợp chất có lợi trong hoa hòe là một trong những chất bổ sung rất tốt cho người bị bệnh trĩ. Chẳng hạn như, chất troxerutin có đặc tính vận mạch và là một liệu pháp điều trị bệnh trĩ hiệu quả. Ngoài ra, oxymatrine trong hoa hòe cũng được biết đến là chất giúp giảm sưng do các mạch máu suy yếu.
1.2 Hoa hòe tốt cho tim mạch
Hoa hòe không chỉ hỗ trợ mạch máu mà còn giúp cả hệ thống tim mạch khỏe mạnh hơn. Loại dược liệu này có tác dụng ổn định nhịp tim và tạo ra môi trường ít nhạy cảm với sự hình thành cục máu đông.
1.3 Hoa hòe giúp ngủ ngon
Mất ngủ là tình trạng phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Bạn có thể bị mất ngủ vì rất nhiều nguyên nhân như làm việc căng thẳng, uống nhiều cà phê, hút thuốc lá, ngủ ngày nhiều, ngủ không sâu giấc… Nhiều nghiên cứu cho thấy, hoa hòe có tính mát, thanh nhiệt, lương huyết an thần và giúp bạn dễ ngủ hơn. Sử dụng hoa hòe để cải thiện giấc ngủ là phương pháp phổ biến và đã được nhiều người áp dụng thành công.
1.4 Hoa hòe giúp trị cao huyết áp
Đây chính là công dụng nổi bật nhất của hoa hòe mà đa số mọi người đều biết đến đó là trị cao huyết áp. Căn bệnh phiền phức và gây nguy hiểm mà không ít mọi người trong chúng ta có thể mắc phải. Không chỉ ở nam hay nữ mà nó còn không giới hạn độ tuổi.
Rutin (một loại vitamin P) là hợp chất glycosid thuộc nhóm flavonoid aglycon được chiết xuất từ hoa hòe. Hợp chất này có tác dụng làm bền thành mạch, tăng cường sức chịu đựng của mao mạch. Cơ thể thiếu vitamin P sẽ khiến sức chịu đựng của thành mao mạch giảm, mao mạch dễ bị đứt, vỡ. Do đó, người ta thường dùng hoa hòe để giảm huyết áp và phòng các biến chứng của huyết áp cao như: xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não.
1.5 Hoa hòe chữa các bệnh xuất huyết
Rutin có tác dụng giảm tính thẩm thấu và tăng độ bền của mao mạch, từ đó giúp cầm máu hiệu quả trong các trường hợp xuất huyết như trĩ ra máu, chảy máu cam, đại tiện ra máu, rong kinh, băng huyết… Hoa hòe có tác dụng rút ngắn thời gian chảy máu, nếu sao hoa hòe thành than thì tác dụng càng tăng.
1.6 Hoa hòe hỗ trợ giảm cân
Ngoài các tác dụng kể trên, hoa hòe còn có thể giúp bạn giảm cân an toàn. Loại dược liệu này góp phần làm giảm lượng mỡ trong máu, kiểm soát sự trao đổi chất, loại bỏ độc tố đồng thời giúp làm giảm hiện tượng bám dính của chất béo trong mô gan. Nhờ đó, thói quen uống trà hoa hòe sẽ góp phần điều chỉnh trọng lượng cơ thể và giúp giảm béo phì hiệu quả.
1.7 Hỗ trợ điều trị viêm khớp
Nhờ tác dụng chống viêm mạnh, trên thực nghiệm cho thấy hoạt chất trong hoa hòe có tác dụng làm giảm sưng và viêm trên mô hình động vật như chuột và trên bệnh nhân bị viêm khớp mạn tính.
2. Những lưu ý cho bạn khi sử dụng hoa hòe
2.1 Đối tượng sử dụng
Loại hoa này có tính hơi lạnh nên những người hay đau bụng, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện phân lỏng, người bị thiếu máu không nên dùng. Nếu cần sử dụng trà hoa hòe thì phải do thầy thuốc chỉ định và có sự phối hợp với các dược liệu có tính ấm nóng. Ngoài ra, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hay phụ nữ đang có thai hoặc đang cho con bú đều không được tự ý sử dụng.
Không chỉ vậy, bởi vì hoa hòe có tác dụng rất tốt trong điều trị cao huyết áp, giúp hạ áp nhanh chóng nên sẽ rất có hại cho những người có cơ địa huyết áp thấp vì dễ gây choáng và chóng mặt.
2.2 Không lạm dụng hoa hòe quá mức
Nụ hoa hòe hoàn toàn không có độc tính, tác dụng phụ hoặc nếu có cũng không đáng kể với phân lượng thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, chính vì nụ hoa hòe hoàn toàn lành tính và có tác dụng tốt nên nhiều người bệnh có tâm lý lạm dụng quá mức dẫn đến gây hại cho cơ thể.
Ví dụ, hoa hòe có tác dụng chữa tiêu chảy, đi ngoài ra máu, tuy nhiên lại là thảo dược có tính hàn. Nếu bạn dùng quá liều lượng thì không những không chữa được bệnh mà còn khiến chứng tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn.
2.3 Tránh sử dụng hoa hòe kém chất lượng
Bạn có thể sử dụng nụ hoa hòe kém chất lượng do mua nhầm nhà sản xuất, do quy trình chế biến không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh hay do nụ hoa hòe để lâu bị biến chất. Sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng xấu khi dùng phải những sản phẩm này.
Hiện nay trên thị trường đã xuất hiện nhiều mặt hàng hoa hòe kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, bạn nên tìm mua hoa hòe ở những địa chỉ bán hàng uy tín, có giấy phép hoạt động và đã được nhiều người tin dùng.
2.4 Hoa hòe có thể tương tác với một số loại thuốc
Hoa hòe có thể tương tác với một số loại thuốc Tây, thảo dược hay thực phẩm bạn sử dụng. Tình trạng sức khỏe cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng dược liệu này. Vì vậy, bạn hãy thông báo cho thầy thuốc về những loại thuốc mình đang dùng, bao gồm cả thuốc tân dược và thuốc có nguồn gốc từ thảo dược.
Bạn nên đến gặp thầy thuốc để được tư vấn về chế độ ăn uống hợp lý khi dùng hoa hòe thường xuyên. Trong thời gian được điều trị với hoa hòe, nếu bạn nhận thấy có bất cứ tác dụng phụ nào xảy ra hoặc các triệu chứng bệnh vẫn tiếp tục tăng nặng thì nên ngưng dùng ngay và tìm kiếm phương pháp chữa trị khác phù hợp hơn.
3. Kết luận
Không chỉ đẹp mà hoa hòe còn là một dược liệu mang đến nhiều lợi ích trong y học cổ truyền Việt Nam. Do đó, bạn có thể vừa trồng hoa hòe làm cảnh và vừa thu hái hoa để làm trà uống giúp bảo vệ sức khỏe.
Xem thêm:
- 12 tác dụng của đậu gà đầy bất ngờ và thú vị
- 10 lợi ích bất ngờ của đậu rồng bạn nên biết
- 10 công dụng của đậu bắp sẽ khiến bạn bất ngờ
Nguồn: Hellobacsi